Phóng to |
Tình trạng này càng đáng được lưu tâm ở nước ta khi số bệnh nhân suy nhược thần kinh rồi rối loạn cá tính dưới dạng trầm cảm đã từ lâu vượt xa mức báo động. Đáng ngại hơn nữa nếu thống kê được thực hiện cho giới thanh niên, đặc biệt là cư dân ở các thành phố lớn. Không lo sao được nếu một số không ít của thế hệ rường cột, tương lai của đất nước, bỗng dưng muốn... buồn!
Bỗng nhiên gãy gánh giữa đường
Thực trạng vừa mô tả cũng chính là lý do khiến một căn bệnh đặc biệt được đặt tên là hội chứng “cháy sạch” (burn-out syndrome), một thể dạng bệnh lý xuất phát từ tình trạng suy nhược thần kinh, đặc biệt ở giới doanh nhân, giới lãnh đạo, càng lúc càng trở nên quen thuộc với nhiều đối tượng có nhịp sống căng thẳng. Gặp bệnh này nạn nhân bỗng mất hết hứng thú lao động cũng như năng lực tranh đua!
Nếu tưởng hội chứng “cháy sạch” xuất hiện như giá phải trả sau lần vấp ngã đau điếng trên đường nghề nghiệp, hay vì cú sốc tâm lý do mâu thuẫn tình cảm gì đó thì chỉ là đoán... mò! Chuyên gia ngành tâm lý đã quả quyết không dưới 80% người bệnh đang có cuộc sống gia đình êm đềm. Họ cũng xác minh là gần 70% nạn nhân của hội chứng này thậm chí đang thành đạt trong nghề nghiệp! Thế mới đau vì nhiều người bệnh chỉ còn ít bước thì đặt chân đến đài danh vọng. Thế mới khó hiểu vì cuarơ không bể bánh xe, lại đang dẫn đầu, bỗng rời đường đua để thẫn thờ như thi sĩ bên vệ đường khi mức đến trong tầm mắt!
Kẹt cho nạn nhân là hội chứng “cháy sạch” không âm ỉ nhiều ngày trước khi thổi bùng ngọn lửa. Trái lại, hội chứng này gõ cửa ít khi báo trước và, như tên gọi, một khi đã bén lửa thì đốt sạch sành sanh. Nạn nhân vì thế treo cờ trắng nhanh đến độ không ngờ, có người bỏ sở ra về không thèm lấy theo chiếc... nón an toàn giao thông! Chính vì thế đa số người bệnh không kịp đến thầy thuốc khi bệnh chưa phát, cũng không thể dự phòng vì bệnh nào có dấu hiệu báo động để còn kịp la làng cầu cứu! Hơn nữa, có đến thầy thuốc thì mấy nhà điều trị chịu khó lắng nghe nạn nhân khi nhiều bệnh nhân trước đó ít ngày còn... khỏe hơn thầy thuốc!
Không thể vượt qua chính mình
Cũng chính vì tính chất khó tin nhưng có thật nên không dễ chữa hội chứng “cháy sạch”. Tạp chí Focus nổi tiếng ở Đức ắt hẳn không vô cớ mà phổ biến bài phóng sự dẫn chứng về chuyện nhiều nhân vật đang nổi tiếng bỗng đơn ca bài It’s time to say goodbye.
Không thiếu gì trường hợp ca sĩ, tài tử điện ảnh, huấn luyện viên thể thao... sau khi vượt qua không biết bao nhiêu gian khó trên bước đường sự nghiệp, từ búa rìu ác ý của dư luận đến thái độ ném đá giấu tay của đồng nghiệp, để rồi cuối cùng tuy chứng minh được khả năng hơn người, tuy giành được cảm tình của hàng triệu người hâm mộ trên khắp năm châu nhưng lại thảm bại với chính mình!
Khó hiểu vô cùng cho thái độ bỏ rơi tất cả để ra đi đúng ngay vào lúc được thiết tha mời ở lại. Tại sao lại thế? Câu trả lời của họ thường khi rất đơn giản: chỉ vì chợt “cảm thấy trong tôi hoàn toàn trống rỗng!”.
Khó chịu vì quá chịu khó
Cho đến nay vẫn chưa có giải thích thỏa đáng nào về cơ chế bệnh lý của hội chứng “cháy sạch”. Các nhà nghiên cứu chỉ ghi nhận là đa số nạn nhân của hội chứng này có chung một điểm tương đồng. Tất cả họ đều là người có thừa năng lực lao động, đầy khả năng tháo vát và là đối tượng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, hoàn hảo đến mức tuyệt đối trong công việc. Vì thế họ không chỉ “chịu khó” mà là kẻ “khó chịu” dưới mắt nhiều người xung quanh.
"Đứng đầu danh sách “cháy sạch” thường là thầy giáo và thầy thuốc, hai nghề đòi hỏi phải khó chịu với chính mình để xứng với tiếng thầy" |
Họ không chấp nhận kết quả dưới mức mong muốn, cho dù thành tích trên thực tế đã đáng được khen ngợi, chỉ vì chính họ đã đặt mục tiêu ở vị trí quá cao, thậm chí nhiều khi không thể khả thi vì xa rời hoàn cảnh thực tế. Mặc dù không ai nhận ra thất bại của họ vì họ nào có thua cuộc, nhưng họ vẫn không hài lòng với chính bản thân. Từ mâu thuẫn nội tâm, họ bỏ cuộc chỉ vì không muốn ai khác nhận ra họ đã tự đánh bại trong một cuộc đua không còn cần thiết vì đoàn đua đã về đến đích từ lâu. Họ không còn chọn lựa nào khác hơn là tự “cháy sạch” để có thể phủi tay và xoay lưng với chính mình, với cái tôi đáng ghét.
Đứng đầu danh sách “cháy sạch” thường là thầy giáo và thầy thuốc, hai nghề đòi hỏi phải khó chịu với chính mình để xứng với tiếng thầy. Đó là thống kê ở xứ người. Ở nước mình chưa có thống kê. Nói thêm chỉ sợ mích lòng.
Với người phải chấp nhận cuộc sống căng thẳng, việc hao mòn năng lực là chuyện bình thường. Kẹt chỉ ở chỗ hao thế nào, mòn bao nhiêu. Biết là khổ nếu vướng vào hội chứng “cháy sạch” nhưng nhiều khi không cháy còn khổ hơn vì lấy đâu ngọn lửa nấu cơm nuôi cả gia đình? Vấn đề chỉ là đành chịu cháy nhưng càng ít sém càng tốt, cháy tới cháy lui cũng được, miễn sao đừng cháy... sạch! Muốn vậy phải biết điều chỉnh chiều cao của ngọn lửa. Hay hơn nữa là tìm được ngọn lửa trong tim để thắp sáng ngọn đèn của cái tâm dường như đang chập chờn trước gió trong thời buổi giá trị nhân bản càng lúc càng nhạt nhòa. Cháy mà như thế mới đáng cháy sạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận