Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những đoạn cao tốc Bắc - Nam đã làm xong- Ảnh: VEC |
Ngoài 55.000 tỉ đồng của Nhà nước hỗ trợ, Bộ Giao thông vận tải sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để có nguồn vốn khoảng 140.116 tỉ đồng đầu tư 684km đường cao tốc Bắc – Nam từ năm 2017 đến 2022.
Với phương án hỗ trợ của Nhà nước như trên, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án: thực hiện GPMB toàn tuyến nhưng đầu tư giai đoạn 1 khoảng 684km bao gồm các đoạn cao tốc Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m và đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m.
Trong 55.000 tỉ đồng Nhà nước hỗ trợ sẽ dành khoảng 27.422 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, 27.578 tỉ đồng để xây dựng công trình.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng dự tính giai đoạn 2 từ năm 2023 đến 2028 sẽ đầu tư khoảng 688km thuộc các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh)- Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi- Cam Lâm (Khánh Hòa) với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 17m để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Dự kiến tổng múc đầu tư giai đoạn 2 khoảng 103.196 tỉ đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ 44.456 tỉ đồng, vốn Nhà đầu tư khoảng 58.740 tỉ đồng.
Giai đoạn 3 được dự kiến thực hiện sau năm 2028 để hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc – Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 69.123 tỉ đồng.
Như vậy, với tờ trình mới nhất lên Thủ tướng, mục tiêu đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam đã có những sự điều chỉnh khá rõ. Trước đó, vào tháng 10-2016 Bộ GTVT đề xuất sử dụng khoảng 93.544 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 để xây dựng 1.372 km đường cao tốc, hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam. Tổng mức đầu tư theo phương án này là khoảng 229.829 tỉ đồng, ngoài vốn Nhà nước hỗ trợ, nhà đầu tư sẽ tư huy động 136.286 tỉ đồng.
Đến đầu năm 2017, Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội phương án dự kiến phân bổ 70.000 tỉ đồng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giảm mục tiêu đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến năm 2022 còn 467km với sự hỗ trợ của Nhà nước 41.414 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư khoảng 102.837 tỉ đồng.
Đến ngày 22-3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án đầu tư khoảng 684km đường cao tốc Bắc – Nam trong giai đoạn 1 với tổng mức đầutư khoảng 140.116 tỉ đồng.
Theo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn hẹp và nợ công ở mức cao như hiện nay thì việc triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam theo hình thức PPP là cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn. Trong khí đó nguồn vốn nước ngoài khó tiếp cận do chính sách chia sẻ rủi ro của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế...
Do vậy, để có thể tiếp tục kêu gọi đầu tư, triển khai thành công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP và quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả dự án trong điều kiện thực tiễn Việt Nam, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án là cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận