20/08/2019 10:38 GMT+7

Chốt dân phố không người, nhếch nhác

TH.AN - TH.HIẾN - C.TUẤN
TH.AN - TH.HIẾN - C.TUẤN

TTO - Nhiều chốt bảo vệ dân phố, chốt dân phòng, trụ sở khu phố tại TP.HCM trong tình trạng “hoang hóa”.

Chốt dân phố không người, nhếch nhác - Ảnh 1.

Chốt bảo vệ dân phố của KP1, P.1 (Q.Bình Thạnh) thành điểm tập kết vật liệu, sinh hoạt của nhóm công nhân - Ảnh: ÁI NHÂN

Nhiều bạn đọc đã phản ảnh tình trạng trên. Thậm chí người dân còn thấy không ít chốt dân phòng được cho thuê bán hàng quán gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị...

Chốt không người

Chức năng của chốt bảo vệ dân phố, chốt dân phòng là góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn chung tại các cụm dân cư. Ngoài các chốt bảo vệ dân phố, dân phòng, còn có các chốt với tên gọi chốt bảo vệ tuần tra, chốt trực khu phố... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng các chốt khóa cửa, vắng người trực khá phổ biến.

Sáng 5-7, chốt bảo vệ dân phố KP4, P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) nằm ngay đầu một con hẻm rất đông người qua lại nhưng khóa cửa. Một người dân tại đây phản ảnh: "Nếu có chuyện gì thì lên thẳng UBND phường luôn cho tiện. Chốt này hoạt động ít lắm, lâu lâu vào buổi sáng mới có người trực, buổi chiều thỉnh thoảng mới thấy, còn buổi tối không thấy trực đâu".

Tình trạng chốt khóa cửa tương tự được chúng tôi ghi nhận tại các chốt KP12 (P.10, Q.Gò Vấp), chốt KP3 (P.13, Q.Bình Thạnh), chốt KP4 (P.Cô Giang, Q.1)... Một chốt trên đường Trần Nhân Tôn (Q.5) thậm chí cửa còn được gắn nhiều sợi xích to. Đáng nói, chốt cũng không dán bất kỳ thông tin số điện thoại khi cần để người dân có thể liên hệ nếu có chuyện gì xảy ra.

Nhiều chốt chúng tôi ghi nhận không có dấu hiệu được sử dụng trong thời gian dài, xuống cấp, "hoang hóa". Đơn cử như chốt dân phòng KP1 (P.15, Q.Bình Thạnh) gần vòng xoay Điện Biên Phủ thường xuyên khóa cửa, thậm chí còn bị tập kết rác thải sinh hoạt. Còn chốt bảo vệ tuần tra trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) không có dấu hiệu sử dụng trong thời gian dài, ổ khóa gỉ sét. 

"Chốt bảo vệ này đã có ở đây hơn 4 năm rồi. Thời gian đầu thấy có mấy anh dân phòng ở đây, sau này đóng cửa mãi tới nay" - một người dân khu vực cho biết.

Cho thuê, buôn bán nhếch nhác

Ngoài vấn đề các chốt, trụ sở khu phố thường xuyên không có người trực, nhiều điểm còn trở thành nơi buôn bán, dán bảng hiệu quảng cáo. Như chốt bảo vệ khu phố tại trụ sở KP6 (P.Tân Định, Q.1) là điểm sinh hoạt, họp hành của khu phố này từ nhiều năm. Tuy nhiên, một phần trụ sở này lại được cho thuê làm tiệm hớt tóc trong khoảng 3 năm. Sau khi có ý kiến việc này là không đúng thì đầu năm 2018 việc cho thuê chấm dứt.

Một số hộ dân ở khu vực trên bức xúc vì trụ sở khu phố nằm đầu hẻm (hẻm 68 Trần Quang Khải) lại thường xuyên bị hàng quán để bàn ghế buôn bán, ôtô đậu cặp theo trụ sở khiến giao thông bị cản trở. 

"Trụ sở là nơi khu phố tổ chức họp, sinh hoạt mỗi tháng, hiện xuống cấp, khu phố kiến nghị phường sửa chữa. Tình trạng ôtô của hộ dân trong hẻm đậu cặp theo trụ sở chúng tôi sẽ tổ chức xử lý..." - ông Lê Tiến Sĩ, chủ tịch UBND P.Tân Định, cho hay.

Tương tự, chốt bảo vệ dân phố KP8 (P.6, Q.Tân Bình) ở góc đường Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám được dựng chiếm gần hết vỉa hè. Bên cạnh chốt, các hàng quán "ăn theo" bày bàn ghế bán đồ ăn uống tràn lan từ sáng đến tối. Cũng thế, tại chốt bảo vệ dân phố ở KP15 (P.10, đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp) được dán một bảng hiệu quảng cáo cho một địa điểm kinh doanh hải sản, ngay cạnh chốt là một quán nước giải khát. Còn trụ sở KP1 (P.13, Q.Tân Bình) có phần diện tích ngay bên cạnh do tiệm mua bán, sửa chữa điện thoại sử dụng. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Tú - chủ tịch UBND P.13, Q.Tân Bình - cho hay đã chỉ đạo kiểm tra tình hình sử dụng trụ sở của KP1.

Ngoài ra, các chốt phần lớn dựng tạm trên vỉa hè, rìa đất, đầu hẻm... đều xuống cấp, thậm chí được sử dụng cho mục đích khác. Điều này gây cản trở lưu thông chung và quan trọng hơn, bộ mặt phố thị cũng bị ảnh hưởng thẩm mỹ. Điển hình như chốt bảo vệ dân phố của KP.5 (P.2, Q.Tân Bình) chiếm hơn nửa bề rộng vỉa hè và chắn trước các công trình khá đẹp phía sau. 

Trụ sở khu phố kiêm chốt bảo vệ dân phố KP11 (P.13, Q.Tân Bình) xây chiếm hết vỉa hè đường Lê Tấn Quốc, nằm ngay góc giao lộ Lê Tấn Quốc - Cộng Hòa. Hoặc chốt bảo vệ dân phố của KP1 (P.1, Q.Bình Thạnh) thành điểm tập kết vật liệu, sinh hoạt của nhóm công nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Chiến - chủ tịch UBND P.1, Q.Bình Thạnh - cho hay vị trí chốt bảo vệ dân phố KP1 nằm trên đường Trường Sa kế chân cầu Bùi Hữu Nghĩa. Cạnh đó có công trình thi công cống hộp rạch Bùi Hữu Nghĩa, là công trình trọng điểm của quận và TP. Đơn vị thi công mượn chốt bảo vệ dân phố KP1 làm điểm tập kết công nhân và chỉ huy thi công. Vì vậy, phường đã thống nhất cho đơn vị thi công trưng dụng chốt trong 1 năm. 

"P.1 có 4 khu phố. KP3 có điểm sinh hoạt chung cho khu phố và lực lượng bảo vệ dân phố. Ba khu phố còn lại chỉ có chốt bảo vệ dân phố, còn sinh hoạt chung của khu phố thì sử dụng nhà văn hóa phường" - ông Chiến chia sẻ thêm.

Phủ camera an ninh, cả phường chỉ có một chốt bảo vệ dân phố

P.15, Q.10 nhiều năm nay đã trang bị camera an ninh cho hầu hết các tuyến đường, con hẻm ở các khu phố. Phường có 7 khu phố. Mỗi khu phố có một trụ sở tạm làm điểm sinh hoạt chung.

"Phường chỉ có một chốt bảo vệ dân phố đặt gần Trường THPT Nguyễn Du do có nhiều học sinh, xét thấy cần thiết tăng cường bảo vệ, giữ an toàn..." - bà Nguyễn La Khuyên, chủ tịch phường, cho hay.


Luật sư Nguyễn Thị Bích Trâm (Đoàn luật sư TP.HCM):Cần sử dụng đúng công năng

Theo quy định tại nghị định 38 năm 2006 và thông tư liên tịch 02 năm 2007 về bảo vệ dân phố thì bảo vệ dân phố có 6 nhiệm vụ như: giữ gìn an ninh trật tự; phòng cháy chữa cháy; tiếp nhận đăng ký tạm trú, tạm vắng; nhắc nhở lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... Thông tư liên tịch số 02 cũng quy định phải thường xuyên bố trí người trực tại điểm làm việc của bảo vệ dân phố.

Tôi cho rằng cần phải sử dụng các trụ sở khu phố, chốt bảo vệ dân phố đúng công năng, hiệu quả. Tình trạng trụ sở, chốt đóng cửa, ít hoạt động... là phổ biến, người dân đi đường dễ dàng thấy được. Hiện nay phổ biến là mỗi khu phố có một trụ sở sinh hoạt chung và một chốt bảo vệ dân phố.

Ngoài ra, trên từng con đường, hẻm đều được địa phương tăng cường hệ thống camera an ninh để bảo đảm an ninh trật tự tại cụm dân cư.

Trong khi hiệu quả sử dụng là không nhiều thì các trụ sở, chốt dựng trên vỉa hè kéo theo tình trạng buôn bán, lấn chiếm, xuống cấp, nhếch nhác... ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Vì vậy, tôi nghĩ TP cần xem xét, rà soát lại và có hướng xử lý các chốt bảo vệ dân phố, trụ sở khu phố như trên để bảo đảm mỹ quan.

Dân phòng công khai thu tiền đậu xe tại khu vực cấm? Dân phòng công khai thu tiền đậu xe tại khu vực cấm?

TTO - Khi các xe chở hàng dừng đỗ trước chợ, một số người được cho là nhân viên thu tiền ra vào chợ Hàng Bông đến thu tiền, khi bị phản ứng những người người này gọi dân phòng đến gây áp lực để lấy tiền của các tài xế.


TH.AN - TH.HIẾN - C.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp