Các đại biểu doanh nhân kiều bào, chuyên gia... tham dự hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 30-10, Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam diễn ra tại TP.HCM, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nhân kiều bào, chuyên gia, tri thức trong và ngoài nước dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động
Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết dịch COVID-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng trên cả nước, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2% và lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động.
Đặc biệt, ngành du lịch thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu.
"TP.HCM mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào thảo luận sâu hơn các giải pháp phát triển thành phố trong trạng thái bình thường mới, nhất là tận dụng lượng kiều hối hằng năm gửi về thành phố khoảng 5 tỉ USD để phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh của 44.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, để đây là hạt nhân trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số của quốc gia", ông Phong nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cũng khẳng định vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội đặc biệt sau dịch COVID-19.
"Chuyển đổi số là đòn bẩy tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong quá trình này, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 5,3 triệu người là bộ phận không tách rời", ông Đặng Minh Khôi khẳng định.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng kiều bào luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của kiều bào đã và đang được áp dụng triển khai - Ảnh: TỰ TRUNG
Cần có tư duy mới về cơ cấu và chính sách kinh tế
Theo giáo sư Chung Trần, kiều bào Úc, để khôi phục kinh tế, thoát khỏi tác động của đại dịch thì dư địa của chính sách tiền tệ còn rất ít, hiện ngân hàng Trung ương các nước đã giảm lãi suất cơ bản về mức rất thấp cận 0 hoặc âm, việc nới lỏng cung tiền phi truyền thống cũng không thể mở hơn nữa. Những thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất cũng buộc các doanh nghiệp phải có nhận thức mới, tư duy mới về cơ cấu và chính sách kinh tế.
Giáo sư Hà Tôn Vinh, kiều bào Mỹ, cũng cho rằng chính phủ cũng như doanh nghiệp cần có tầm nhìn và giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn và chuyển đổi số là một phần không thể thiếu.
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Chính phủ cần quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang chậm trễ hay tạm dừng. Về dài hạn, chính phủ và doanh nghiệp nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn.
Đưa tới hội nghị giải pháp tài chính cho doanh nghiệp khắc phục tác động của dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào Mỹ, cho biết hiện nay nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn để duy trì tính thanh khoản. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lại không có khả năng vay tiền của ngân hàng.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 6,09%, với tổng dư nợ hiện nay của toàn hệ thống ước tính đạt 8,67 triệu tỉ đồng, mức tăng trưởng này rất thấp so với những năm trước đây.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong tình hình này, chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo ngân hàng thành lập một tổ hợp tín dụng. Tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỉ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổ hợp này dùng để cho các doanh nghiệo đang khó khăn vì dịch bệnh vay.
"Một tổ hợp tín dụng cộng với một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có thể là một giải pháp tài chính hữu hiệu để giải quyết bài toán vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang và sẽ bị tác động bởi dịch bệnh khắp toàn cầu", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất tại hội nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận