Việc cung ứng điện đã qua giai đoạn căng thẳng nhất trong năm nay khi bước vào mùa lũ, song theo đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương, mùa khô năm sau vẫn có thể lặp lại tình trạng thiếu điện trong những tình huống cực đoan.
Theo tính toán, nếu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc sẽ khó khăn hơn và có thể thiếu công suất 420 - 1.770 MW trong một số giờ cao điểm tháng 6 và 7. Con số thiếu điện này bằng khoảng 1/3 mức thiếu năm nay.
Đảm bảo an ninh năng lượng, đầu tư hàng chục tỉ USD
"Tình hình rất căng thẳng" là chia sẻ được một vị lãnh đạo ngành điện nói với Tuổi Trẻ khi mô tả về thực trạng hệ thống điện Việt Nam không đủ cung ứng, miền Bắc phải cắt điện luân phiên, mức cao nhất lên tới 30% nhu cầu sử dụng.
Hệ thống điện đã không còn dự phòng, nên nguy cơ thiếu điện luôn thường trực, đặc biệt khi có những yếu tố bất lợi như hạn hán, thiếu nước, thiếu nguyên liệu.
Một lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng thiếu điện có thể được khắc phục trong trước mắt, nhưng nếu không sớm đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án điện đang chậm tiến độ từ Quy hoạch điện 7 điều chỉnh cũng như sớm đưa vào triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8 thì tình trạng thiếu điện trong dài hạn sẽ tiếp diễn vào các năm sau nghiêm trọng hơn.
Do vậy, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8, xác định vốn đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 lên tới 57,1 tỉ USD, giai đoạn 2026 - 2030 là 77,6 tỉ USD, đều không sử dụng vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính được đề xuất sẽ xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện, xây dựng chính sách giá điện theo thị trường, các cơ chế khuyến khích hỗ trợ.
Vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách như thế nào để "thúc" các dự án điện vốn nhiều năm chậm tiến độ cũng như thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là khi Việt Nam đã cam kết giảm phát thải tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050, Quy hoạch điện 8 chỉ phát triển hơn 30.000 MW điện than đến năm 2020 và phải chuyển đổi dần sang nhiên liệu sinh khối/amoniac từ năm 2035, điện tái tạo sẽ tăng tỉ trọng rất mạnh với điện gió, mặt trời...
Chỉ ra những nguyên nhân gây nên sự chậm trễ trong triển khai các dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn - chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng không chỉ khó khăn trong huy động nguồn vốn với các dự án điện hàng tỉ USD mà còn bị vướng mắc trong các quy định pháp luật.
Đặc biệt là thủ tục phức tạp và đầy rủi ro cho nhà đầu tư trong ký hợp đồng BOT, thiếu quy định hướng dẫn trong vay lại vốn từ nguồn ODA làm khó doanh nghiệp.
"Chưa kể, một số chỉ đạo từ các cấp ngành chưa thực sự quyết liệt, chưa sử dụng triệt để quyền lực nhà nước để thúc đẩy các dự án chậm trễ. Dẫn tới một số chủ đầu tư triển khai cầm chừng, thay đổi cổ đông liên doanh hoặc năng lực yếu", ông Tuấn nói.
Và cấp bách gỡ khó hàng loạt chính sách
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thái Sơn - chuyên gia lĩnh vực truyền tải điện - chỉ ra thực trạng nhiều dự án đường dây, trạm biến áp thực hiện đến bước xây dựng, triển khai thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng lại phát hiện dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Trong khi đó, thủ tục bổ sung quy hoạch phức tạp, việc tích hợp mạng lưới điện vào quy hoạch cấp tỉnh cũng không đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng nhu cầu phụ tải. Hơn nữa, quy trình đầu tư xây dựng chồng chéo, không rõ ràng làm ách tắc dự án.
Chẳng hạn, để triển khai công trình đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đã phải mất 3 năm 6 tháng cho quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Dù được trình từ năm 2016, nhưng với nhiều "văn bản qua lại" ở các cấp, đến năm 2020 mới có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Hay với việc thực hiện tuyến đường dây có cấp điện áp từ 110kV đến 500kV, thủ tục xin chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng khá phức tạp, có dự án kéo dài cả năm chưa xong.
Do vậy, ông Sơn cho rằng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cũng như điều chỉnh bổ sung những quy định để tháo gỡ cho các dự án, như quy định điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy định về chuyển đổi đất rừng, bổ sung cơ chế tài chính, vay vốn cho các dự án...
"Đặc biệt, cần quy định rõ ràng các thủ tục và trách nhiệm giải quyết thủ tục, tránh đùn đẩy, phân cấp nhiều hơn cho quản lý doanh nghiệp, tăng tính chủ động khi thực hiện dự án...", ông Sơn nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện 8, cần nhanh chóng thiết lập kế hoạch chi tiết 5 năm tới, phân định rõ quy mô nguồn điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo để sớm lựa chọn được nhà đầu tư, giám sát việc thực hiện đầu tư nguồn và lưới đồng bộ.
Các nguồn điện quan trọng quốc gia cần có giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm.
Cũng theo ông Tuấn, cần tính tới việc xem xét bảo lãnh chính phủ một số dự án ưu tiên, quan trọng. Có cơ chế mua bán điện phù hợp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia lưới truyền tải điện ở các đoạn đấu nối từ nguồn đến điểm nhận của hệ thống.
Với nguồn điện LNG, cần sớm lập kế hoạch chi tiết về địa điểm, chọn chủ đầu tư, loại bỏ dự án yếu kém.
"Cần xây dựng cơ chế đấu thầu cho dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, chọn nhà đầu tư có đủ vốn, tài chính, kỹ thuật để giảm chi phí, đảm bảo hiệu quả và tiến độ đầu tư, ban hành cơ chế dịch vụ phụ trợ...", ông Tuấn đề xuất.
Loại bỏ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Ông Nguyễn Quốc Thập - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng không những phải tháo gỡ các cơ chế thần tốc mà cần loại bỏ tư tưởng "sợ trách nhiệm" trong thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án ở các cấp.
Theo ông Thập, có nghịch lý là nhiều dự án đều rất vướng khung pháp lý nên khi triển khai thực hiện đơn vị gặp khó khăn, mong muốn trình lên để tháo gỡ nhưng có tình trạng một số cơ quan ban ngành trả lời "chưa có cơ sở pháp lý xem xét" hoặc "làm theo quy định", khiến dự án tiếp tục bị ách tắc và triển vọng cho dự án ngày càng xấu đi.
"Có tâm lý trong xử lý công việc là sợ trách nhiệm, sợ sai, trong khi nhiều năm chưa có thêm những dự án mới khởi công, thu hút được những dự án gối đầu thì khó có thể đảm bảo an ninh năng lượng" - ông Thập cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận