Bà Nguyễn Thị Kim Anh - trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang bị điều tra hành vi nhận hối lộ tại tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh tư liệu
Dưới đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Tựa và tít nhỏ do Tuổi Trẻ đặt..
Thoạt đầu, tham nhũng vặt (TNV) bắt nguồn từ thu nhập thấp, đời sống khó khăn của các cán bộ, công chức. Do đó họ hay hạch sách, nhũng nhiễu để được quà cáp, biếu xén.
Tham nhũng vặt không còn vặt nữa!
TNV dần dà trở thành nguồn thu nhập ngoài lương, thường xuyên và cao gấp nhiều lần thu nhập chính. Nhũng nhiễu, trì hoãn, vòi vĩnh hay hạch sách trở thành đặc tính cố hữu trong công vụ của nhiều cán bộ, công chức thoái hóa ở nhiều cấp, nhiều địa phương.
TNV giờ đây không còn vặt nữa, bởi nó tác hại không kém gì tham nhũng to, nếu tính gộp thì số lượng tiền bẩn rất lớn, chưa kể tác hại nhiều chiều khác như tổn hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây mất niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp, làm cho pháp luật bị méo mó, bị "lờn thuốc".
Tôi từng gặp những giám đốc doanh nghiệp tóc bạc phơ, rớm nước mắt kể lại chuyện bị những quan chức hành hạ, bắt chi trả cho những cuộc ăn chơi, ra giá cho những khoản chung chi có khi hàng tỉ đồng, chà đi xát lại... rồi mới chịu giải quyết công việc.
Không ít doanh nghiệp bị các cán bộ kiểm tra, thanh tra moi móc, phát hiện sai phạm và dùng nó để đe dọa "chuyển lên trên" hay "chuyển cho cơ quan chức năng", rồi ra giá và nhận chung chi rất khôn khéo, khó phát hiện, để giảm nhẹ hay bỏ qua các sai phạm đó.
Lẽ ra không nên dùng từ TNV vì sẽ gây ngộ nhận là tác hại không đáng kể. Thực ra TNV gây hại rất nghiêm trọng và lâu dài. Hãy hình dung một công chức cấp thấp, liên tục nhũng nhiễu để nhận hối lộ nhưng không bị phát hiện.
Vài năm sau, anh ta được vào Đảng, lên chức trưởng phòng, rồi vụ trưởng, thứ trưởng, hay giám đốc sở, phó chủ tịch tỉnh... Khi đã có vị trí cao, quyền lực lớn, để tham nhũng, anh ta sẽ không cưỡng được, thậm chí chủ trì hay bảo kê những vụ phạm pháp cực lớn, gây thiệt hại nặng nề cho dân, cho nước...
Người đứng đầu phải có dũng khí, bản lĩnh để đứng vững, chống trả và vô hiệu hóa những cám dỗ, thủ đoạn, thậm chí đe dọa... của những đường dây chuyên mua chuộc cán bộ để phạm pháp.
ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Người đứng đầu "không thể" tham nhũng
Chống TNV (tạm gọi thế) cực khó. Một nguyên tắc đầu tiên, bất di bất dịch là: tuy công chức không thể làm giàu bằng lương nhưng mọi cán bộ, công chức phải có thu nhập "đủ sống" ngay khi mới vào bộ máy nhà nước và càng thâm niên thì công chức phải có thu nhập của tầng lớp trung lưu. Không được để công chức nghèo trong nền kinh tế thị trường.
Singapore còn chủ trương mạnh hơn: thu nhập của công chức phải bằng hoặc hơn viên chức khu vực tư nhân. Trong điều kiện kinh tế phát triển của nước ta hiện nay, điều này hoàn toàn khả thi, nếu chúng ta đạt hiệu quả cao trong chống tham nhũng, lãng phí và tinh giản biên chế.
Trên nguyên tắc này, cần nỗ lực tuyển dụng những người trẻ có năng lực và phẩm chất tốt, chấp nhận làm "công bộc" với mức lương "đủ sống", vào bộ máy nhà nước vì lý tưởng phục vụ xã hội, không vì mục tiêu làm giàu hay trục lợi.
Song song với việc đó phải chấm dứt mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi cử, tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý nhân sự. Đồng thời phải kiểm soát nội bộ một cách chặt chẽ, phát hiện và thuyên chuyển ngay lập tức hay sa thải những "công bộc" thoái hóa, biến chất, kiên trì thanh lọc bộ máy. Để làm được điều này, vai trò người đứng đầu cực kỳ quan trọng.
Muốn chống TNV phải có những người đứng đầu "không dám", "không thích", "không cần" và "không thể" tham nhũng. Người đứng đầu phải có dũng khí, bản lĩnh để đứng vững, chống trả và vô hiệu hóa những cám dỗ, thủ đoạn, thậm chí đe dọa... của những đường dây chuyên mua chuộc cán bộ để phạm pháp, hay những êkip chuyên nhũng nhiễu, bắt chẹt người dân và doanh nghiệp để trục lợi.
Một yếu tố xuyên suốt, mang tính chiến lược là củng cố lực lượng phòng chống tham nhũng, đặc biệt là bộ máy tư pháp.
* Luật sư Nguyễn Tri Thắng - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp bất động sản TP.HCM:
Hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng
Hiện nay, tình trạng TNV làm người dân, doanh nghiệp giảm lòng tin vào cán bộ, công chức. Nói riêng đối với những doanh nghiệp bất động sản như chúng tôi, tình trạng sách nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết công việc... sẽ làm tăng chi phí cho dự án, giảm hiệu quả kinh doanh và ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. Một số biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng TNV như:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật để thống nhất, tránh kẽ hở. Rà soát để giảm bớt trình tự, thủ tục rườm rà, thiếu công khai, minh bạch. Nhất là tình trạng còn rất nhiều "giấy phép con" trong kinh doanh.
Thứ hai, phải mô tả được chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục liên quan công việc tương thích với vị trí của từng cán bộ, công chức, viên chức (nói chung cán bộ). Trên cơ sở đó tuyển dụng, bố trí con người cho phù hợp. Đồng thời cũng kiểm soát được hành vi công vụ của cán bộ. Đây cũng là cơ sở để trả lương, tính chế độ, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển... cán bộ. Lưu ý đến việc bảo đảm đời sống cho cán bộ.
Thứ ba, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và giám sát toàn bộ hành vi công vụ của cán bộ. Tăng cường việc thực hiện thủ tục hành chính qua mạng, hạn chế thấp nhất tiếp xúc giữa cán bộ và người dân, doanh nghiệp.
Cuối cùng, hoàn thiện các cơ chế giám sát, phản biện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội:
Công chức phải có đạo đức công vụ
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc tiếp công dân của người đứng đầu - người có thẩm quyền giải quyết các thắc mắc của người dân - chưa thực hiện nghiêm. Chỉ khoảng 60% lãnh đạo cấp tỉnh, 75% lãnh đạo cấp huyện, 25% lãnh đạo cấp xã thực hiện đúng quy định tiếp công dân.
Thực trạng này cần cải thiện, bởi thực hiện nghiêm việc tiếp công dân ở cơ sở giúp cho người dân, doanh nghiệp gặp trực tiếp người đứng đầu, phản ảnh những nhũng nhiễu, phiền hà, bức xúc họ gặp phải khi thực hiện các dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư.
Từ đó lãnh đạo các cơ quan nắm được thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà của công chức dưới quyền mình để đưa ra biện pháp xử lý, kịp thời chấn chỉnh. Đây là một giải pháp quan trọng để hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của cán bộ, công chức hiện nay.
Nhưng quan trọng hơn vẫn là đạo đức công vụ, người công chức cần được rèn luyện các chuẩn mực đạo đức công vụ để họ không vin vào những kẽ hở pháp luật hay các quy định chồng chéo để gây phiền hà, nhũng nhiễu, trục lợi từ người dân, doanh nghiệp. Những công chức lợi dụng kẽ hở pháp luật để nhũng nhiễu, trục lợi cần loại bỏ khỏi bộ máy hành chính nhà nước.
Làm sao để công chức không muốn, không thể và không dám tham nhũng? Muốn vậy, người công chức phải có đạo đức công vụ, từ phía cơ quan nhà nước phải cải cách tiền lương, tinh giản biên chế để công chức có thể sống bằng lương.
Còn để công chức không thể tham nhũng, không có cách nào khác là các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, UBND, HĐND, các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải rà soát để không ban hành chồng chéo, không đẻ ra các điều kiện kinh doanh, bịt mọi kẽ hở để công chức không có cớ để trục lợi. Cần thực hiện rà soát, sửa đổi quy định pháp luật hiện nay dựa trên lợi ích người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời cần có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc để cán bộ, công chức không dám tham nhũng. Việc xử lý nghiêm các công chức tham nhũng sẽ có tính răn đe với tất cả đội ngũ công chức trong bộ máy. Cần thường xuyên luân chuyển vị trí công tác để đảm bảo hiện tượng này khó có thể xảy ra. Ứng dụng công nghệ trong giám sát và giám sát của người dân trong phòng chống tham nhũng. Càng minh bạch thì cơ hội để công chức có thể vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt sẽ ít đi.
B.NGỌC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận