Khoảng 10 năm trước, ô nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đáng báo động khi thành phố này bị bao phủ dày đặc bởi sương mù màu vàng và xám, màn sương này dày đến nỗi gần như che mất tầm nhìn.
Người dân khi ấy phải khóa chặt cửa sổ, đeo khẩu trang, và mở máy lọc không khí ở công suất cao nhằm đối phó với "bầu không khí tận thế" của thành phố.
Chất lượng không khí ở Bắc Kinh tệ đến nỗi gây tai tiếng trên toàn thế giới, chính quyền đã phải phát động "cuộc chiến chống ô nhiễm" trị giá hàng tỉ USD.
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ thời điểm đó, các nỗ lực của Trung Quốc đang được đền đáp.
Theo báo cáo Air Quality Life Index (Chỉ số chất lượng không khí cuộc sống) của Viện Chính sách năng lượng tại Đại học Chicago, Mỹ xuất bản ngày 29-8, mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc năm 2021 đã giảm 42% khi so với năm 2013. Đây được cho là một thành công hiếm hoi trong việc cải thiện chất lượng không khí ở khu vực.
Mức độ ô nhiễm trên toàn thế giới ghi nhận giảm nhẹ trong giai đoạn từ 2013-2021. Báo cáo Air Quality Life Index cho rằng kết quả này "hoàn toàn nhờ vào sự cải thiện ở Trung Quốc". Ngược lại, mức độ ô nhiễm trung bình của thế giới có thể đã tăng.
Kể từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm như: hạn chế số lượng ô tô lưu thông ở các thành phố lớn; cấm xây dựng nhà máy than mới ở các khu vực ô nhiễm nhất; cắt giảm khí thải hoặc đóng cửa nhà máy; giảm các hoạt động gây ô nhiễm cao như sản xuất sắt thép.
Cũng theo báo cáo, nhờ sự cải thiện này, tuổi thọ trung bình của công dân Trung Quốc đã tăng thêm 2,2 năm.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời bộ trưởng môi trường của đất nước vào thời điểm năm 2021 cho biết "Bắc Kinh xanh" đang dần trở thành một điều bình thường mới cho người dân thành phố.
Tuy nhiên, báo cáo Air Quality Life Index cũng cảnh báo đất nước tỉ dân còn rất nhiều việc phải làm khi vẫn đang là quốc gia ô nhiễm đứng thứ 13 thế giới.
Tại Trung Quốc, ô nhiễm hạt, các hạt ô nhiễm nhỏ nhưng có khả năng xâm nhập hệ thống miễn dịch thông thường của cơ thể, vẫn đang ở mức cao hơn 40% so với các khu vực ô nhiễm nhất ở nước Mỹ.
Người dân ở Nam Á giảm 5 năm tuổi thọ do ô nhiễm
Đài CNN dẫn thông tin từ báo cáo cho thấy Nam Á - nơi có bốn quốc gia được cho là ô nhiễm nhất thế giới, bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan - đang là "trung tâm ô nhiễm toàn cầu".
Năm 2021, Ấn Độ ghi nhận mức ô nhiễm hạt cao hơn 10 lần so với hướng dẫn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ô nhiễm đã khiến người dân ở các quốc gia này bị rút ngắn 5 năm tuổi thọ. Con số này còn có thể cao hơn ở những khu vực ô nhiễm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận