10/03/2013 08:03 GMT+7

Chống người thi hành công vụ: công an được bắn

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra...

Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

qN6E6Wfw.jpgPhóng to
Một thanh niên cầm vỏ chai tấn công cảnh sát giao thông ở Lạng Sơn trong một clip phát trên mạng tháng 6-2012

Trong đó có nêu rõ người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra...

Ông Trần Vi Dân - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) - khẳng định quy định này của dự thảo được đưa ra để bảo vệ người thi hành công vụ nhưng phải đảm bảo về mặt nguyên tắc không cho người thi hành công vụ lợi dụng quyền hạn nhiệm vụ của mình để xâm phạm trái pháp luật quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

10 năm: hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ

Theo ông Trần Vi Dân, người thi hành công vụ theo quy định tại dự thảo không chỉ là cảnh sát mà còn có nhiều lực lượng như biên phòng, kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển... Ông Dân cho biết dự kiến cuối tháng 6-2013, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ để ban hành nghị định này sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân và các bộ, ngành liên quan.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Công an, thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải quyết mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng chống tội phạm...

Số liệu thống kê, báo cáo của các bộ ngành cho thấy từ năm 2002 đến tháng 6-2012, trên cả nước xảy ra trên 8.500 vụ với trên 13.700 đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự gần 6.900 vụ với trên 11.000 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở.

Bộ Công an đánh giá tình trạng chống người thi hành công vụ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Nguyên nhân do chưa có quy định đầy đủ của pháp luật về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi này. Đó là lý do cần thiết phải ban hành nghị định nêu trên.

Nghị định này cũng xác định người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Được nổ súng trong trường hợp cụ thể

Tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đã cụ thể hóa các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Đặc biệt là việc xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ. Theo đó, trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác; hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Ông Trần Vi Dân cho rằng dự thảo đang lấy ý kiến, còn trong giai đoạn bước đầu nên chưa cụ thể hóa những trường hợp nguy hiểm được nổ súng. Ban soạn thảo sẽ căn cứ các ý kiến đóng góp để bổ sung cụ thể. Tuy nhiên, ông Dân đánh giá trong những trường hợp này, diễn biến cụ thể rất nhanh, người thi hành công vụ có tâm lý đề phòng cũng khó có thể phán đoán được tình huống nào phải đề phòng. Ví dụ như cảnh sát giao thông có khi vừa dừng xe người vi phạm đã bị tấn công; hay lực lượng biên phòng, hải quan thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới, đường biên, chống buôn lậu... có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Do đó, việc quy định nội dung này nhằm bảo vệ người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Tuy nhiên về mặt nguyên tắc, không cho phép người thi hành công vụ lợi dụng quyền hạn nhiệm vụ của mình để xâm phạm trái pháp luật quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. “Tại dự thảo nghị định đã quy định rõ những hành vi nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ” - ông Dân nhấn mạnh.

Không trái pháp lệnh

Về căn cứ để đưa vào dự thảo nghị định nội dung này, ông Trần Vi Dân cho biết từ trước đến nay, việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ đã có quy định tại pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nghị định chỉ cụ thể hóa các quy định trong đó và không có điều nào trái pháp lệnh. Về quyền của người thi hành công vụ, ông Dân dẫn chứng người thi hành công vụ khi thực hiện nhiệm vụ mà gặp trường hợp chống người thi hành công vụ thì được thực hiện hai quyền. Thứ nhất là quyền phòng vệ chính đáng được quy định tại Bộ luật hình sự. Thứ hai là họ được quyền thực hiện theo quy định tại pháp lệnh. Quan điểm của ban soạn thảo là người thi hành công vụ phải chủ động, không thể chờ đợi khi hành vi nguy hiểm xảy ra mới xử lý thì đã muộn.

Về các biện pháp ngăn chặn, dự thảo cũng quy định cụ thể các trường hợp, trong đó có quyền bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ hoặc hung khí (nếu có) và phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Anh Sơn (ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội): Cần định nghĩa rõ và có giới hạn áp dụng

Ở đây quy định “nổ súng trực tiếp” như trong dự thảo nghị định có thể khiến nhiều người lo ngại về sự lạm dụng, dẫn đến hậu quả xã hội phức tạp. Nôm na là sợ nhất khi cho phép như vậy rồi mà không có định nghĩa, không có khung, không có giới hạn thì lại rất dễ dẫn từ cực này sang cực khác. Những tâm lý lo ngại như vậy là điều dễ hiểu. Có lúc bản thân mình không phải trực tiếp tham gia, nhưng nhìn cảnh chống người thi hành công vụ đã thấy bức xúc với hành vi đó rồi, nữa là người thi hành công vụ đang trực tiếp ở trong hoàn cảnh đó, họ vất vả lắm chứ, đủ thứ áp lực, lúc đó mà đầu óc không giữ được bình tĩnh thì rất gay go. Tóm lại, quan điểm của tôi là nên có định nghĩa rõ ràng và có giới hạn trong áp dụng biện pháp này.

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng): Hết sức cân nhắc

Đọc dự thảo nghị định này trên báo Tuổi Trẻ Online, tôi có ngay suy nghĩ là Nhà nước nên hướng đến các biện pháp bắt giữ, khống chế đối với ai đó có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc khống chế, bắt giữ đó có nhiều biện pháp, có thể là bằng võ thuật, bằng công cụ hỗ trợ, bằng phương tiện kỹ thuật, nói chung là bằng các biện pháp nghiệp vụ của người đi thi hành công vụ. Còn với quy định “nổ súng trực tiếp” thì phải hết sức cân nhắc. Nếu như việc khống chế, bắt giữ còn có quy trình xét xử theo pháp luật sau đó, còn “nổ súng trực tiếp” thì chúng ta hiểu là “xử” ngay tại hiện trường, mà đã “xử” ngay tại hiện trường thì quy định càng chi tiết càng ràng buộc trách nhiệm tốt hơn.

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM): Dễ bị lợi dụng, lạm quyền

Theo quy định hiện hành (pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012) thì nội dung tập trung ở hai điểm:

1- Bắn vào đối tượng vi phạm khi đối tượng đang sử dụng vũ khí, vũ lực đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thi hành công vụ, người khác hay dùng vũ khí xâm phạm công trình quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, cướp vũ khí của người thi hành công vụ...

2- Bắn vào phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa khi phương tiện đó bị đối tượng sử dụng để đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người dân, người thi hành công vụ, đối tượng phạm tội dùng để bỏ trốn... Mọi trường hợp đều phải lưu ý chắc chắn không có chở khách hoặc con tin.

Tinh thần của pháp lệnh trên đã tương đối rõ, chỉ là phòng vệ chính đáng hoặc giải cứu tính mạng, xử lý tình huống ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Có nghĩa người thi hành công vụ chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết. Như vậy, Bộ Công an chỉ cần quy định cụ thể những trường hợp nào được coi là tình thế cấp thiết, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thi hành công vụ, người khác và phải xét tới tương quan lực lượng của người chống đối, người thi hành công vụ như thế nào, có khả năng gây nguy hiểm thật sự hay không. Nếu thật sự nguy hiểm tới tính mạng thì nổ súng, còn không chỉ cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ khống chế, bắt giữ xử lý là đủ.

Theo dự thảo nghị định: có căn cứ thực tế cho thấy hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ...; có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì có thể nổ súng, điều này rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, lạm quyền nổ súng vào người dân.

Đại tá Mai Văn Tấn (nguyên trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội, Công an TP.HCM): Nổ súng là cần thiết

Trong tình hình hiện nay, các băng nhóm tội phạm, các đối tượng ngày càng manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng dùng hung khí để chống lại người thi hành công vụ. Theo tìm hiểu ở một số quốc gia, việc công dân mang theo dao, kiếm, vũ khí mà không giải trình được lý do chính đáng đã có thể bị xử phạt lao động công ích, thậm chí bỏ tù một thời gian. Trong khi đó tại VN, việc mang hung khí chỉ bị xử phạt hành chính, quy định về việc lực lượng công an nổ súng trong những trường hợp bị tấn công quá khắt khe khiến các đối tượng coi thường pháp luật. Do đó, theo tôi, cần phải điều chỉnh một số quy định về việc nổ súng của lực lượng công an trước các đối tượng chống đối. Nếu cảnh sát ra hiệu lệnh, người vi phạm không chấp hành, còn rút dao, kiếm để tấn công lại thì việc nổ súng là cần thiết.

V.V.Thành - G.Minh ghi

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp