16/12/2018 11:18 GMT+7

Chống ngập ở TP.HCM: Cần 'dành chỗ cho nước'

NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)

TTO - Ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - nói: "Sông rạch phải thành nơi thoát và trữ nước, nơi nào đã quy hoạch làm các công trình 'dành chỗ cho nước' cần thực hiện ngay".

Chống ngập ở TP.HCM: Cần dành chỗ cho nước - Ảnh 1.

Lắp đặt các môđun cross-wave, công trình hồ điều tiết thông minh đầu tiên của TP.HCM trên đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức (năm 2017) - Ảnh tư liệu

TP.HCM là một đô thị bán nhật triều, mỗi ngày hai lần nước triều ra vào, chênh lệch đỉnh triều và chân triều có khi tới 2,5-3m. Cống, mương thoát nước phải lớn gấp rưỡi đến 2 lần bình thường vì hệ thống kênh mương này mang hai chức năng: vừa thoát nước vừa trữ nước khi mưa lớn.

Hệ thống thoát nước mới đáp ứng 25% yêu cầu

Việc chống ngập ở TP.HCM, dù đã triển khai nhiều giải pháp tổng hợp nhưng theo tôi, trước tiên là phải phân vùng kiểm soát nước chống ngập úng. Vùng I: gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè. Vùng II: khu vực ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai. Vùng III: khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp. 

Trong dự án hiện nay mới tập trung vào vùng I, là vùng khống chế khu vực nội thành cũ với những vấn đề về tiêu thoát nước đô thị, môi trường và cải tạo đất.

Giải quyết vấn đề trên, cần xây dựng hệ thống công trình khép kín với 12 cống kiểm soát triều, 149km đê bao kết hợp với các tuyến giao thông, cao trình không thấp hơn 2,5m. Nhưng việc thực hiện các giải pháp nêu trên đang dang dở nên kết quả còn hạn chế và có phần lúng túng, nhất là chuyện đối phó nước biển dâng, đỉnh triều tăng cao, mưa trên 100mm, thậm chí trên 200mm xảy ra nhiều hơn và tình trạng xả lũ. 

Hiện thành phố có 105 điểm ngập (47 điểm ngập do mưa, 51 điểm do mưa - triều cường kết hợp và số còn lại là ngập do triều cường).

Hệ thống thoát nước mới đáp ứng được 25% so với yêu cầu. Nhiều tuyến đường khu dân cư chưa có cống thoát nước, nhiều miệng cống bị rác thải, đất đá chèn, phần lớn công trình cống đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu thực tại. 

Với đô thị bán nhật triều, cống thoát nước hay mương thoát nước phải lớn gấp rưỡi đến 2 lần bình thường vì hệ thống kênh mương này mang hai chức năng: vừa thoát nước vừa trữ nước khi mưa lớn.

Theo kết quả nghiên cứu, có tới 95% sông và kênh rạch TP bị xâm hại, 15-17% diện tích mặt kênh rạch bị lấn chiếm làm của riêng. Có tới 20% ao hồ kênh rạch bị san lấp (3.506ha), tương đương với diện tích chứa nước khoảng 25 triệu m3. Nếu hệ thống kênh rạch vẫn còn bị san lấp, lấn chiếm thì tất yếu thoát ngập càng rất khó khăn.

Tăng thêm diện tích thấm nước

Quy hoạch "dành không gian cho nước" đã thực hiện rất có hiệu quả tại nhiều nước (Ấn Độ, Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản và đặc biệt là Hà Lan) để chống ngập nước. Theo kinh nghiệm của Hà Lan, xây dựng đô thị có chủ động "dành chỗ cho nước" là giải pháp chống ngập có hiệu quả nhất.

Dành không gian cho nước tức là bảo vệ không gian hệ thống sông rạch hiện có thành nơi thoát nước và trữ nước. Ngoài các khu vực chứa thoát nước tự nhiên, đô thị cần có thêm hồ nhân tạo làm túi chứa nước. Mùa khô hạn, chính các hồ này sẽ cung cấp ngược trở lại làm môi trường sinh thái đô thị ổn định.

Ở TP.HCM, giải pháp hồ điều tiết nước cũng đã được đề cập nhưng thực hiện chậm. Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có hơn 100 hồ điều tiết chống ngập nước (ngoại thành có 30 hồ điều tiết lớn) gắn liền với các điểm ngập nước.

Mặt khác, diện tích bêtông hóa mặt đất ngày càng gia tăng đã làm khả năng thấm nước trung bình 50% lượng nước mưa giảm chỉ còn 15%. Ở vùng ven, nơi vốn là ao hồ, sông rạch nay bêtông hóa càng nghiêm trọng. 

"Dành chỗ cho nước" còn có nghĩa là tăng thêm diện tích thấm nước với các giải pháp tạo mảng xanh đô thị, kể cả mảng xanh trên mái nhà để tạo cảnh quan, thoát và giữ nước bền vững.

"Dành chỗ cho nước" trước mắt phải dừng ngay việc san lấp kênh rạch, tập trung xây dựng hệ thống các hồ điều tiết, tăng thêm diện tích thấm nước với các mái nhà xanh (giảm được 50% lượng nước bề mặt thoát ra từ mái nhà), vỉa hè bêtông trồng cỏ, hố cây thấm lọc, mương thực vật (người ta dùng các vật liệu tự nhiên như cát sỏi để thực hiện quá trình thẩm lọc nước mưa, phía trên là lớp phủ thực vật).

Hồ điều tiết: còn phải chờ…

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 104 hồ điều tiết. Các hồ này sẽ là nơi trữ nước, giúp giải quyết tình trạng quá tải hệ thống cống, đồng thời điều hòa không khí.

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đề xuất làm trước 3 hồ điều tiết: hồ điều tiết Bàu Cát (dung tích 10.000m3 làm ngầm), 2 hồ điều tiết hở là Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4) trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đến nay chưa dự án nào hình thành.

Mới đây, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đề xuất xây 5 hồ điều tiết ngầm tại các vị trí như: công viên làng hoa Gò Vấp (Q.Gò Vấp); dải cây xanh phân cách trên đường Phan Xích Long… Tổng vốn đầu tư các hồ điều tiết này 475 tỉ đồng.

Q.KHẢI

Xã hội hóa đầu tư thoát nước

kts-dao-ngoc-ngiem-1544853750061836925484

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Ảnh: B.NGỌC

Tình trạng ngập sau mưa lớn ở TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó quy hoạch thoát nước không theo kịp biến đổi khí hậu và thiếu vốn đầu tư hệ thống thoát nước.

Quy hoạch xây dựng đô thị đều có quy hoạch thoát nước. Thí dụ với Hà Nội, quy hoạch năm 1998 đến quy hoạch năm 2011 đều xác định, phân chia khu vực thoát nước, cao hộ và hệ thống thoát nước.

Hà Nội cũng có quy hoạch thoát nước riêng, nhưng vẫn diễn ra ngập vì việc thực hiện các dự án tiêu thoát nước chưa gắn với quản lý phát triển xây dựng, quản lý dân cư từng khu vực.

Các đô thị đều có dự án thoát nước, kế hoạch thoát nước khu vực nhưng việc quản lý phát triển đô thị chưa đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, không đồng bộ với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, nhiều khu vực không có hệ thống thoát nước.

Để giải quyết úng ngập cần nguồn lực rất lớn, không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước, phải huy động vốn tư nhân qua xã hội hóa đầu tư. Nhưng thời gian qua chúng ta đang thiếu cơ chế để huy động vốn đầu tư hệ thống thoát nước tại các đô thị.

Các chủ đầu tư dự án chỉ biết xây dựng công trình nhà ở mà không tham gia phát triển hệ thống hạ tầng chung, trong đó có cấp thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ.

Các đô thị có hệ thống sông, kênh rạch như Hà Nội, TP.HCM cần huy động vốn tư nhân để khơi thông các dòng sông. Việc này cần làm sớm. Phải có chính sách ưu đãi (về thuế đất dự án, chọn lựa dự án hoặc một số các chính sách khác) để huy động vốn tư nhân đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị.

Mặt khác, khi cấp phép các dự án đô thị cần có những ràng buộc nghĩa vụ với nhà đầu tư: ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần không gian kiến trúc bên trong dự án của họ, nên đặt ra cơ chế ưu đãi để nhà đầu tư thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên kết giữa dự án đô thị với hệ thống hạ tầng khung của thành phố.

KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN

BẢO NGỌC ghi

Hà Nội: nhiều hồ điều tiết làm bằng vốn tư nhân

Muốn xã hội hóa thành công việc đầu tư hệ thống hạ tầng thoát nước, giảm áp lực cho ngân sách, cần đưa ra các nhiệm vụ thiết kế các dự án cụ thể. Một số khu vực đô thị phải đưa ra yêu cầu bảo tồn diện tích mặt nước trên mặt đất. Thí dụ Hà Nội có hơn 120 hồ nội thành và 4 hồ ngoại thành trong quy hoạch thoát nước, đã có rất nhiều hồ thực hiện bằng vốn tư nhân.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời!

TTO - Ngập nước đô thị là hậu quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố con người trong việc quy hoạch, tuân thủ quy hoạch và cả thói quen xả rác hàng ngày... khiến bài toán ngập của TP.HCM loay hoay chưa thấy lối ra.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp