Phóng to |
Vợ chồng anh Phi chị Lành - Ảnh: D.T. |
Người dân ở bản Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị luôn lấy vợ chồng này làm gương để giáo dục con cháu...
Vượt lên số phận
Niềm tự hào của bản “Dân bản rất khâm phục nghị lực vượt khó của gia đình anh Phi chị Lành, họ đã mang về niềm tự hào cho dân bản Khe Van, là những tấm gương để dân bản học tập” - ông Lê Xuân Tin, trưởng thôn Khe Van. |
Lành bị liệt chân trái từ khi lọt lòng vì di chứng chất độc da cam. Mỗi khi thấy bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy vui đùa, Lành lại nhói đau, buồn bã. “Có đứa bạn trêu chọc thách mình thi chạy, kêu mình biệt danh Lành “liệt”. Nhiều khi thấy tủi thân không muốn ra khỏi nhà”, Lành tâm sự.
Liệt chân nhưng Lành vẫn ước ao được đến trường học chữ. Thương con, hằng ngày cha mẹ Lành thay nhau cõng con đến trường. Những lúc cha mẹ làm rẫy thì anh trai cõng đi. Cuộc sống gia đình ngày càng khốn khó, Lành bỏ học để mọi người đỡ mất công đưa đón tới trường. Thế nhưng chỉ một tuần bỏ học, Lành lại nhớ lớp, nhớ bạn nên tự lết đến trường. Từ đó, Lành bắt đầu vận động lết đi học mà không còn nhờ cha mẹ cõng. Rồi Lành còn tập bò bằng hai tay lên rẫy trỉa ngô, trỉa lúa với cha mẹ...
Năm 2005, Lành gặp được huấn luyện viên đoàn thể thao người khuyết tật của huyện Đakrông và hướng cho Lành tham gia đoàn. Từ đó, cuộc đời Lành đã mở ra một trang mới với những nỗ lực vượt lên chính mình. Lành hăng say tập luyện và đã giành được huy chương vàng ở nội dung đua xe lăn. Giải thưởng như tiếp thêm sức mạnh cho Lành ở chặng đường tiếp theo. Lành tiếp tục chứng minh nghị lực của mình với 11 năm liên tiếp giành huy chương vàng, huy chương bạc trong những giải thi đấu thể thao cấp tỉnh và các giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Năm 2012-2013, Lành đạt thành tích xuất sắc tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lao động học tập và trong các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Nhìn huy chương, giấy khen của Lành treo trong nhà khiến không ít người dân ở bản Khe Van khâm phục nghị lực vượt khó của chị. Lành tâm sự: “Mình nhớ những lần tập ném lao, ném đĩa, đẩy tạ (ba môn thi chính của chị) bong tay, rỉ máu... nhưng mình dùng vải buộc chỗ sưng lại để tập tiếp. Tập chưa tốt mình tập đi tập lại, có những lần hai bàn tay bê bết máu... Những lúc như vậy mình lại tự động viên. Mình nghĩ cái chân có thể bị liệt nhưng ý chí thì không”.
Hạnh phúc mỉm cười
Thể thao đã giúp chị Lành kết duyên cùng anh Lê Xuân Phi, một nạn nhân của bom mìn, bị cụt tay phải. Năm 2007, Phi tham gia Hội thể thao người khuyết tật huyện Đakrông. Tại đây, Lành và Phi gặp nhau và nảy sinh tình cảm. “Gặp Phi đầu tiên mình đã có tình cảm với anh vì anh rất hòa đồng, biết chia sẻ. Nhưng vì mặc cảm mình không dám nghĩ đến chuyện yêu anh. Không ngờ sau này anh Phi đã ngỏ lời với mình” - Lành kể. Ngồi bên cạnh vợ, anh Phi góp chuyện: “Những ngày tập luyện với Lành, tôi rất ấn tượng về nghị lực của Lành, bàn tay rỉ máu nhưng vẫn cầm lao, cầm tạ. Từ khâm phục, tôi đã thầm yêu thương Lành. Tôi tự nhủ phải cố gắng để chứng tỏ mình trước khi nói một điều gì đó với cô ấy. Và tôi đã trở thành một trong những vận động viên nam tiêu biểu của đoàn, mỗi năm mang về hàng chục tấm huy chương”.
Năm 2009, hai người kết hôn và sinh một bé gái kháu khỉnh. Cuộc sống hai vợ chồng dù đầy khó khăn nhưng họ luôn biết san sẻ những vất vả với nhau. Sáng sớm, vợ chồng cùng lên nương làm rẫy. Chiều họ lại gùi bắp ngô, củ sắn ra chợ bán đổi gạo. Và đến hẹn lại lên, khi tỉnh có những cuộc thi lớn họ lại cùng nhau sống với đam mê thể thao của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận