Dạng thức lãng phí dự án, công trình mà các đại biểu Quốc hội đặt ra đúng với một trong bốn dạng thức lãng phí đang "nổi lên gay gắt hiện nay" được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu trong bài viết "Chống lãng phí".
Than thở từ địa phương
Cách trung tâm Hà Nội 60km có hai bệnh viện lớn xây dựng gần xong nhưng bỏ hoang, bao nhiêu năm nay không đi vào hoạt động, đó là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.
Hai bệnh viện này có tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng mỗi bệnh viện, cùng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014. Sau 10 năm xây dựng các công trình gần hoàn thiện nhưng chưa biết khi nào mới đi vào hoạt động, trong khi những hạng mục xây dựng xong đã dần xuống cấp.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay ban đã nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị làm rõ nguyên nhân của việc chậm trễ và cần có giải pháp sớm đưa hai công trình vào hoạt động.
Ban cũng đã chuyển ý kiến của cử tri đến Bộ Y tế để giải quyết. "Việc có phương án cụ thể, thời gian cụ thể cho từng tiến độ công việc rất quan trọng khi xử lý chống lãng phí với hai dự án này", bà Hà nói.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, mới đây tiếp tục đề nghị
Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị có liên quan để xử lý dứt điểm những vướng mắc tồn đọng ở hai bệnh viện này. Ý kiến của ông Thắng chính là than thở từ địa phương của nhiều cử tri.
"Oan có đầu, nợ có chủ"
Hai dự án bệnh viện và dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM được Tổng Bí thư dẫn ra để nói về thực trạng lãng phí đáng báo động.
Từ "lời hiệu triệu" của Tổng Bí thư, các đại biểu Quốc hội mong muốn việc gỡ vướng, giải quyết khai thông cho các dự án này sẽ là "vụ việc điểm" mở đường cho việc tháo gỡ khó khăn các dự án khác.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chia sẻ hai dự án bệnh viện "đắp chiếu" ở Hà Nam điển hình nhất về tình trạng lãng phí. Việc để 10.000 tỉ đồng "nằm bất động" cả 10 năm nay vô cùng lãng phí. Quan trọng nếu không nhanh chóng gỡ vướng, cơ sở vật chất y tế và nhất là máy móc thiết bị y tế xuống cấp rất nhanh sẽ gây ra "lãng phí chồng lãng phí".
Theo ông Trí, "hai dự án đã được đưa vào nội dung lớn trong đấu tranh chống lãng phí của Đảng nên phải tập trung giải quyết ngay sau kỳ họp này. Không thể để lãng phí kép khi tiếp tục để không hai cơ sở khám chữa bệnh như vậy".
Việc quan trọng phải chuẩn bị toàn bộ hồ sơ tư liệu về đầu tư, đất đai, trang thiết bị, thậm chí thống kê xem bao nhiêu phần trăm hư hại... để làm thủ tục, làm bằng chứng xử lý tổ chức, cá nhân gây ra tình trạng ách tắc lãng phí. Tiếp đó phân định, khoanh vùng phần nào hoạt động được cho hoạt động trước, phần nào xử lý vi phạm (cả sai phạm) xong tiếp tục thực hiện.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) so sánh nếu hai dự án bệnh viện do tư nhân làm sẽ khó xảy ra ách tắc này. Giả sử khi làm có khó khăn khiến dự án ngưng trệ, doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm mọi nguồn lực tháo gỡ hoặc tìm cách chuyển nhượng thu lại nguồn tiền.
Trong khi hai bệnh viện làm từ đất và tiền nhà nước khi vướng lại bỏ không, rất lãng phí. Loay hoay xử lý thời gian dài không hiệu quả cũng rất lãng phí về thời gian.
Bà Lan cho rằng: "Hai bệnh viện to sừng sững bỏ không trong khi người dân phải xếp hàng, chen chúc, không có chỗ khám, chữa bệnh là sự lãng phí rất lớn.
Tuy nhiên "oan có đầu, nợ có chủ", cần phải xác định rất rõ xem trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị, cá nhân nào và lý do vì sao mà 10 năm vẫn chưa thể đưa vào hoạt động".
Phải quyết liệt tháo gỡ
Không chỉ bệnh viện, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời hay công trình chống ngập... ở các địa phương làm xong không vận hành hoặc xây hoài xây mãi không xong. Giải quyết được tình trạng lãng phí diện rộng này là diệt được một mối họa lớn cho đất nước.
Từ một trong những địa phương "thủ phủ" điện gió, điện mặt trời, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) xót xa khi nêu thực trạng: "Các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hay hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trơ gan cùng tuế nguyệt".
Theo ông Thông, các dự án này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, tựu chung là có sai phạm, vi phạm, qua thanh tra, kiểm tra, có bản án và các dự án chưa phù hợp quy định pháp luật hiện tại nên không thể triển khai được (luật không cho hồi tố). Từ đó dự án không tiếp tục làm được.
Do vậy ông Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung, quyết liệt sớm tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc, bất cập bằng các cơ chế, chính sách đặc thù. "Việc tháo gỡ giống như sắp tới Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Nói như vậy không phải là hợp thức hóa các sai phạm mà xem xét giải quyết sau khi các cơ quan thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có khuyết điểm, vi phạm", ông Thông nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng: "Còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội". Với sự sốt ruột về lãng phí mà Tổng Bí thư nhiều lần chia sẻ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng bối cảnh hiện nay lãng phí đang gây bức xúc, lãng phí nguồn lực, hạn chế động lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Do vậy cần phải quyết liệt thực hiện việc chống lãng phí từ những thứ nhỏ nhất. "Với sự quyết liệt, lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng thì mỗi đơn vị, mỗi bộ ngành, địa phương... phải rà soát lại các công việc của đơn vị mình. Việc hình thành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí rất quan trọng, tiết kiệm từ cái nhỏ sẽ tạo nên những giá trị lớn", bà Hà nhấn mạnh.
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Tiến độ giải quyết vướng mắc rất chậm
Khi giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ danh sách các công trình từ trung ương đến địa phương chậm tiến độ, xảy ra lãng phí. Những vướng mắc cụ thể hiện các cơ quan chức năng đang chỉ đạo làm rõ, xử lý về trách nhiệm.
Dù vậy ba năm kể từ khi Quốc hội giám sát vẫn chưa giải quyết được và hai dự án bệnh viện gần 10 năm vẫn chưa đưa vào hoạt động cho thấy việc tháo gỡ rất chậm. Trách nhiệm chính của chủ đầu tư, các cơ quan chức năng đã chưa nỗ lực, quyết liệt, không làm hết trách nhiệm. Ngoài ra cần làm rõ vướng mắc do đâu, có vượt tầm giải quyết của các cơ quan này dẫn đến không xử lý được hay không.
Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã đưa một số dự án, trong đó có hai dự án vào diện chỉ đạo, theo dõi, xử lý chống lãng phí. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Chắc chắn tới đây các cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân để khắc phục và trách nhiệm để xử lý.
* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):
Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân
Đối với các dự án cụ thể như hai dự án bệnh viện y cần sớm có lời giải chứ không thể để công trình nằm phơi nắng, phơi mưa, xuống cấp cả chục năm như vậy. Các cơ quan cần tập trung làm rõ xem nguyên nhân vướng mắc do đâu, có phải do quy trình thủ tục, cơ chế hay vì đâu.
Đặc biệt hiện nay còn rất nhiều dự án khác cùng cảnh ngộ, nếu giải quyết được cho hai bệnh viện sẽ tạo ra phương án, cơ chế giải quyết các dự án khác. Khi giải quyết các dự án, có những dự án Nhà nước không làm tiếp được cần tạo cơ chế cho tư nhân vào triển khai, vận hành. Cụ thể có thể tính toán cơ chế đặc thù về đấu thầu, đấu giá hoặc cho liên kết, liên doanh, cho thuê... tránh lãng phí.
Điều quan trọng nhất phải có quyết tâm, có chế tài, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan thay vì chỉ hô hào khẩu hiệu để rồi "đâu lại vào đó".
Ba dự án lãng phí lớn
Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương có nêu đích danh ba dự án gây lãng phí lớn: Dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2, các dự án điện tái tạo, dự án chống ngập tại TP.HCM.
Hai bệnh viện hàng ngàn tỉ đồng lỗi hẹn lần thứ n
Trong lần trả lời báo chí tháng 7-2024, lãnh đạo Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế (Bộ Y tế) cho biết hai bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 đang được đẩy nhanh tiến độ giải quyết vướng mắc nhưng đến nay đã cuối năm 2024 hai dự án này vẫn rất ngổn ngang. Cả hai dự án khởi động tháng 2-2015, dự kiến hoàn thành năm 2017, sau đó dời đến 2019 rồi 2020 và hiện nay là 2024 dù đã xong 97,8% giá trị xây lắp vẫn để hoang phế.
Tháng 10-2018, hai bệnh viện này từng được chỉnh trang để khai trương khoa khám bệnh, trong đó riêng Bạch Mai 2 khoa khám bệnh đã từng mở cửa hoạt động một thời gian. Trong dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai 2 cũng từng có thời gian mở cửa tiếp nhận người dân đến cách ly phòng dịch. Còn Bệnh viện Việt Đức 2 do đặc thù là bệnh viện chuyên ngoại khoa, khám bệnh gắn với phẫu thuật, điều trị nên chưa hoạt động chính thức sau khi khai trương khoa khám bệnh ở thời điểm kể trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết hai dự án này đã bị đình hoãn các hoạt động hoàn thiện, mua sắm trang thiết bị... từ giữa năm 2020 đến nay. Theo quy chế thông thường, để một bệnh viện đi vào hoạt động là phải hoàn thiện xây lắp, mua sắm - lắp đặt trang thiết bị, được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép. Hai dự án này mới gần xong phần xây lắp, để đi vào hoạt động còn rất nhiều việc.
Hàng loạt dự án điện tái tạo "đắp chiếu"
Đến nay hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời với nguồn vốn đầu tư xã hội lên đến hàng tỉ USD vẫn "đắp chiếu". Đây là các dự án đã được xây dựng nhưng không hoàn thành đúng tiến độ, có những vi phạm trong hoạt động đầu tư nên không thể bán điện, không thể hưởng giá khuyến khích hoặc đã bán điện nhưng không được thanh toán tiền.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có 81/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất gần 4.500MW đã gửi hồ sơ đàm phán giá bán điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó 64 dự án được EVN và chủ đầu tư hoàn tất đàm phán và ký tắt hợp đồng mua bán điện và trong nhóm này mới chỉ 29 nhà máy hoặc một phần nhà máy được phát điện thương mại lên lưới với tổng công suất hơn 1.577MW. Đáng chú ý còn bốn dự án với tổng công suất hơn 136MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện. Như vậy vẫn còn hàng ngàn MW nguồn năng lượng tái tạo còn tắc nghẽn, chưa thể đẩy điện lên lưới trong khi chủ đầu tư đã nhiều năm trắng doanh thu, thậm chí bỏ vốn duy tu, trả tiền lãi mỗi ngày cho dự án.
Mới đây Chính phủ đã làm việc với các địa phương và các bộ ngành liên quan các dự án năng lượng tái tạo, trong đó lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh việc tháo gỡ những khó khăn, đưa các dự án đã đầu tư vào vận hành, huy động nguồn điện tái tạo.
Dự án ngăn triều đội vốn hàng ngàn tỉ đồng
Theo báo cáo của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án (nếu hoàn thành năm 2025) dự kiến lên đến 14.398 tỉ đồng. Hiện nay lãi vay phát sinh mỗi ngày khoảng 1,73 tỉ đồng. Mới đây Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng khẩn trương xem xét, cấp giấy phép cáp ngầm và trụ cần vươn tại cống ngăn triều Bến Nghé cho nhà đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định dự toán, ca máy và thiết bị thi công các hạng mục dự án.
Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương xem xét đề nghị của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 về đề xuất nguồn cát đắp nền các hạng mục thuộc dự án, khẩn trương có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng quy định; phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị xem xét việc xác nhận khối lượng hoàn thành và xác nhận giá trị khối lượng thực hiện dự án; rà soát nhân sự, gửi Sở Nội vụ để trình ban hành quyết định kiện toàn nhân sự tổ công tác dự án; rà soát trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có), báo cáo nghiên cứu khả thi và các công việc có liên quan...
Những công việc trên phải hoàn thành ngay trong tuần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận