Quân y Bộ đội biên phòng Lai Châu về các bản làng biên giới tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: ĐỨC DUẨN
Sì Lở Lầu theo tiếng của đồng bào dân tộc Dao nghĩa là "12 tầng dốc", là vùng biên giới xa xôi với địa hình hiểm trở của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Hành trình từ thành phố vào xã Sì Lở Lầu với gần 100km, nhiều đoạn đường núi hẹp, khúc cua tay áo, một bên là núi đá, một bên là vực sâu hun hút.
Suốt 2 năm qua, những người lính quân hàm xanh nơi Đồn biên phòng Sì Lở Lầu luôn kiên cường bám trụ, gắn bó máu thịt với bà con nhân dân, nắm chắc địa bàn, hoàn thành tốt "nhiệm vụ kép" vừa quản lý, bảo vệ biên giới vừa phòng chống dịch từ ngay trên tuyến đầu này.
Kiểm tra, đo thân nhiệt và yêu cầu người dân đeo khẩu trang, khai báo y tế bắt buộc khi di chuyển từ nội địa vào khu vực biên giới - Ảnh: DU AN
Ở đồn, một người con của dân tộc Mông - thiếu úy Mã A Phổng, vừa tốt nghiệp Học viện Biên phòng đã đảm nhận ngay nhiệm vụ phòng chống dịch. Tinh thần xung kích không quản gian nan, anh thiếu úy trẻ tuổi đã cùng với đồng đội xung phong lên thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng chống dịch khu vực cột mốc 72 ngay từ những ngày đầu lập chốt.
"Một đêm tháng 8-2020, lúc bấy giờ đang là mùa mưa. Trong đêm trực chốt gió to mưa lớn, tôi và đồng đội mỗi người ôm một chiếc cột để giữ cho cái lán không đổ.
Đường sá sạt lở, những ngày đầu chưa có nước, chúng tôi phải xuống tận suối để cõng nước về phục vụ cho sinh hoạt. Khó khăn nhưng anh em chúng tôi luôn cố gắng đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kiên cường giữ vững chốt phòng chống dịch nơi biên cương", thiếu úy Phổng tâm tình.
Con suối Na Mu Chi Hồ là ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc chảy qua địa phận xã Sì Lở Lầu. Mùa này, suối cạn, nước ít, chỉ cần mấy bước chân là sang được bên kia biên giới. Lợi dụng điều này, nhiều người tổ chức vượt biên trái phép.
Anh em biên phòng phải duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động tuần tra, kiểm soát, nắm chắc địa bàn. Bất kể mùa hè nắng nóng như đổ lửa hay mùa đông băng giá lạnh thấu xương, bước chân biên phòng không quản ngại đường xa, băng rừng, lội suối.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, chính trị viên Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, chia sẻ hằng tuần anh em chỉ huy đồn trực tiếp đi xuống các tổ chốt, động viên tư tưởng cán bộ, chiến sĩ cũng như ăn ở cùng anh em các tổ chốt.
"Từ đó, mình xác định rõ trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch, để anh em yên tâm tư tưởng công tác", thiếu tá Tuấn cho biết.
Đại tá Triệu Quốc Nguậy, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, kiểm tra các tổ chốt chặn phòng chống dịch COVID-19 trên dọc tuyến biên giới của tỉnh - Ảnh: DU AN
Nơi "12 tầng dốc", đồn biên phòng đang duy trì 6 tổ chốt, trong đó có 2 chốt đã được bán kiên cố và 4 chốt là các lán trại do bộ đội dựng lên tại các điểm giao cắt, ngã ba, cửa ngõ đường mòn qua lại biên giới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.
Với gần 30km đường biên giới được giao quản lý, có 8 cột mốc trải dài di chuyển khó khăn, phức tạp nhưng cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn kiên cường bám trụ, ngăn chặn dịch xâm nhập vào nội địa.
Tranh thủ sau phiên gác, họ gọi điện về với gia đình, là một cách để sẻ chia, cùng nhau cố gắng vì nhiệm vụ chung.
Từ đầu năm, xử lý hơn 14.000 trường hợp nhập cảnh trái phép
Thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, tính từ đầu năm đến hết tháng 4-2021, Bộ đội biên phòng đã phát hiện, xử lý hơn 14.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trong đó 158 trường hợp nhập cảnh trái phép theo đường biển.
Riêng tháng 4, đã phát hiện, xử lý hơn 3.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Tính từ thời điểm dịch bùng phát, hơn 2 năm qua, Bộ đội biên phòng đã triển khai lập các tổ, chốt kiểm soát phòng chống dịch trên các tuyến biên giới, đến thời điểm này đã triển khai 1.798 tổ, chốt. Hơn 700 cán bộ cùng chó nghiệp vụ từ các đơn vị tuyến biển đang tiếp tục được tăng cường cho tuyến biên giới bộ tại Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các quân khu 5, 7, 9 tiếp tục tăng cường quân số cùng với Bộ đội biên phòng tham gia phòng chống dịch trên các chốt biên giới. (HÀ THANH)
Cùng biên giới chống dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước giáp Việt Nam. Lực lượng bảo vệ biên giới, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang túc trực 24/24 giờ, nỗ lực hết mình trong nhiều khó khăn.
Báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tuyến biên giới. Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ những cư dân ở biên giới có hoàn cảnh khó khăn đang hỗ trợ lực lượng chức năng vùng biên cùng phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc ủng hộ chương trình "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" có thể ủng hộ kinh phí hoặc các sản phẩm thiết yếu (trang thiết bị y tế phòng chống dịch: khẩu trang, nước sát khuẩn; nhu yếu phẩm, thực phẩm...), trang thiết bị hỗ trợ tuần tra (chăn, màn; lều trại di động; đèn soi sáng...) cho chương trình.
Quà tặng, kinh phí ủng hộ chương trình, các công ty, đơn vị và bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.
Ngoài ra, có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: "Cùng biên giới chống dịch COVID-19".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận