07/02/2021 09:37 GMT+7

Chống dịch COVID-19 xuyên Tết

X.LONG - C.TUỆ
X.LONG - C.TUỆ

TTO - Lúc này mọi người đã có lịch nghỉ Tết, nhưng với lực lượng phòng chống dịch COVID-19, họ sẽ làm việc xuyên Tết.

Chống dịch COVID-19 xuyên Tết - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ thảo luận các phương án xây dựng bệnh viện dã chiến - Ảnh: AN CHI

Xuyên Tết tức là phòng dịch trước, trong và cả sau Tết để mọi người có cơ hội nắm bắt được sự bình an, thuận lợi nhất khi trở lại nhịp sống thường ngày. 

"Chỉ có duy trì lực lượng, làm việc không nghỉ tết thì đầu năm, năm mới, khi người dân trở lại, chúng ta có thể kiểm soát tốt được dịch trên địa bàn thành phố", ông Nguyễn Khắc Hiền - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội - cho biết.

Tết vẫn phạt người không đeo khẩu trang

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết chủ tịch UBND thành phố đã chỉ thị các cấp phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 

Cả ba giai đoạn trước, trong và sau Tết, thành phố đã quán triệt các lực lượng kiên quyết thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch như ngăn chặn, phát hiện, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh chóng, cách ly triệt để, lấy mẫu kịp thời, xét nghiệm và xử lý nhanh.

Trong triển khai thực hiện, theo ông Hiền, càng gần những thời điểm cận Tết, trong Tết, tính kỷ luật, kỷ cương càng phải tăng cường, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. 

"Chúng ta thấy việc chấp hành đeo khẩu trang, sát khuẩn được chấp hành nghiêm trong giai đoạn trước Tết. Nhưng chúng tôi cũng nhận định thời điểm trong Tết, việc chấp hành đeo khẩu trang có thể không nghiêm túc, sẽ có tâm lý ngày Tết không ai xử phạt, vì vậy Ban chỉ đạo đã quán triệt tới các quận, huyện tiếp tục duy trì các lực lượng kiểm tra, xử phạt việc không đeo khẩu trang" - ông Hiền cho hay.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết ngay cả thời điểm các cơ quan, người dân nghỉ Tết, việc khoanh vùng, dập dịch vẫn phải theo công thức 4-6. Tức là sau khi phát hiện F0, trong 4 giờ đầu phải truy vết được F1 và tổ chức lấy mẫu chuyển cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm, trong 6 giờ tiếp theo phải trả kết quả xét nghiệm để triển khai kịp thời các biện pháp phòng dịch tiếp theo. Các xã, phường tiếp tục duy trì lực lượng y tế, phải sẵn sàng trực 24/7 để đáp ứng mọi yêu cầu về công tác phòng chống dịch.

"Hà Nội hiện có trên 10.000 đội phòng chống dịch COVID cộng đồng, những đội này lâu nay hoạt động rất tốt, là tai mắt xuống tận xóm thôn. Ngay thời điểm nghỉ Tết, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 vẫn có 4 nhiệm vụ: đến từng nhà tuyên truyền về phòng chống COVID-19; nắm bắt xem trong gia đình có người có triệu chứng, báo ngay cho cơ quan y tế; tiếp tục rà soát xem còn sót ai đi từ vùng dịch về nhưng không khai báo; cuối cùng là kịp thời phát hiện người nhập cảnh trái phép. 

"Với 4 nhiệm vụ đó, nếu làm tốt thì sẽ phòng chống dịch hiệu quả ngay từ từng nhà dân, đây chính là chống dịch nhân dân" - ông Hạnh nói.

Ông Nguyễn Thế Trung, tổ phó tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19, cũng khẳng định: "Trong thời gian nghỉ Tết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cần hỗ trợ, chỉ cần gọi điện hoặc báo lên nhóm, chúng tôi sẽ xử lý ngay lập tức" - ông Trung nói.

"Chúng tôi phát hiện tất cả những trường hợp bị lây COVID-19 đều không đeo khẩu trang, còn chưa thấy trường hợp nào nói đeo khẩu trang gần nhau mà lây cả. Ngay cả chuyện giãn cách 1m cũng là tốt, nhưng về cơ bản là phải đeo khẩu trang" - ông Trung nói.

Chống dịch COVID-19 xuyên Tết - Ảnh 2.

Cán bộ y tế của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, một trong những lực lượng phải ứng trực xuyên Tết khi diễn biến của COVID-19 vẫn còn phức tạp. Trong ảnh: xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các cư dân tại chung cư Sky City Tower, Hà Nội, sau khi chung cư này có người dân dương tính COVID-19 (ảnh chụp tối 5-2) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Điện Biên dựng bệnh viện dã chiến

Ngày 6-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vừ A Bằng - phó chủ tịch UBND tỉnh, phó trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Điện Biên - cho biết ngày 6-2 đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế gồm đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh và Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên để triển khai thành lập bệnh viện dã chiến, sẵn sàng thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.

Theo ông Bằng, trước khi xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh, địa phương đã có những phương án cụ thể để ứng phó với từng tình huống dịch xảy ra, trong đó có cả phương án lập bệnh viện dã chiến.

Theo ông Bằng, hiện Điện Biên có 3 trường hợp dương tính, tỉnh tiên lượng là có khả năng có thêm trường hợp dương tính nên đề nghị Bộ Y tế cử đoàn chuyên gia lên hỗ trợ về chuyên môn, tập huấn, trang thiết bị của bệnh viện dã chiến nếu thiếu thì cần bổ sung gì để sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến khi có nhiều bệnh nhân.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết về việc thành lập bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ, hiện nay cơ sở phòng ốc tại đây có thể đảm bảo, tuy nhiên thiếu về nhân lực và trang thiết bị. 

Đối với vấn đề nhân lực, ngoài các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai sẽ huy động thêm lực lượng chuyên ngành truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu và các chuyên ngành khác ở Điện Biên; tiến hành tập huấn, đào tạo để những cán bộ y tế này có thể tham gia hoạt động của bệnh viện dã chiến trong thời gian có bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo ông Cơ, ngày 6-2 Bệnh viện Bạch Mai tăng cường thêm 5 kỹ sư y sinh là những kỹ sư chuyên về thiết kế bệnh viện, thiết kế các đơn vị hồi sức cùng với trang thiết bị vận chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai lên tỉnh Điện Biên. 

"Đội ngũ này sẽ cùng với các chuyên gia về chuyên môn của bệnh viện thiết lập lại hệ thống hồi sức cấp cứu cho Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ để đáp ứng được yêu cầu hồi sức cho bệnh nhân nặng. Tại đây, đoàn công tác có thể triển khai các kỹ thuật cao về hồi sức tương đương với bệnh viện tuyến trung ương" - ông Cơ nói.

Cũng theo ông Cơ, trong chiều 6-2 có thêm đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tăng cường lên Điện Biên để rà soát lại hệ thống xét nghiệm và đặc biệt là nâng cao năng lực xét nghiệm cho tỉnh để tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Phải rất nhanh mới đuổi kịp dịch

Hôm qua 6-2, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận 5 bệnh nhân COVID-19 mới, trong số này có 4 ca lây nhiễm cộng đồng (có bệnh nhân là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM). Đây là ngày ít bệnh nhân nhất trong 11 ngày chống dịch vừa qua.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), người đã đến Hải Dương từ ngày đầu của dịch, cũng là người có mặt hàng tháng trời ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc, ổ dịch COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam) và ở Đà Nẵng khi dịch bùng phát mạnh tại đây - nhận định điểm khác của đợt dịch này là lây nhiễm nhanh hơn vì chủng virus gây bệnh là chủng đã biến chủng.

Đợt này lại có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, áp lực xuất hiện ca bệnh nặng giảm đi nhưng lại cần có những yêu cầu riêng về khoanh vùng dịch, tránh lây lan rộng.

"Có rất nhiều anh chị em y bác sĩ rất sẵn sàng làm nhiệm vụ, không chỉ y bác sĩ từ tuyến trung ương mà cả những y bác sĩ của bệnh viện ở Hải Dương. Tết sắp đến nhưng với chúng tôi thì tết là phụ thôi, việc chính vẫn là kiểm soát dịch làm sao để đảm bảo 3 mục tiêu: kiểm soát dịch tốt nhất không để lây lan, giảm tối đa ca nhiễm, ca tử vong và không lây nhiễm trong nhân viên y tế. Tôi rất tự hào về các đồng nghiệp của mình" - ông Khoa nói.

L.ANH

Giữ an toàn để còn "cày" trong năm trâu

Năm con chuột sắp qua, năm con trâu sắp đến, nhiều người nói vui năm con trâu nên sẽ "cày" như trâu thay cho một năm con chuột te tua. Nhưng mà muốn "cày" thì cũng phải có việc để "cày", nếu COVID-19 mà không kiểm soát được, giãn cách khắp nơi thì trâu cũng chỉ có thể "nằm chuồng" mà thôi.

COVID-19 trở lại. Chúng ta đã "chơi" một trận đấu với COVID-19 bằng phương châm phòng thủ chặt. Nhưng chỉ thiếu tập trung ở một vài vị trí, lơ là vài phút giây, COVID-19 đã xâm nhập vào đến "sân nhà" và "ghi bàn" nhanh chóng vì nó đã được "ông trời" ban thêm tốc độ. Chúng ta phải "đá lại từ đầu" và đang lấy lại thế trận từ tay COVID-19 với sự cổ vũ của cả nước.

Tuy nhiên, trận chiến này chỉ có thể thắng khi sự cổ vũ biến thành hành động. Nhắc đến Tết thì phải đi chung với lễ, Tết là phải có lễ, có hội để chúng ta đi du xuân, lễ chùa. Nhưng lúc này, giữ không khí Tết cũng không thể quên giữ gìn sự an toàn, không thể quên phòng bệnh. Bằng cách nào đây?

Để những ngày xuân trọn vẹn, khi di chuyển hay làm bất cứ gì hãy nhớ đến 5K. Khi đi du xuân, tham gia các lễ hội, hãy cập nhật và tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương. COVID-19 chủng mới được thông tin là lây qua không khí cộng với 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, vì vậy khẩu trang trở thành tấm chắn rất quan trọng.

Rửa tay, làm sạch các bề mặt tiếp xúc là cách không cho virus cơ hội tồn tại khi ra ngoài và xâm nhập vào người chúng ta.

Giữ khoảng cách an toàn khi đến nơi công cộng là không cho virus từ người khác có đủ sức "nhảy dù" vào chúng ta.

Hạn chế việc tụ tập đông người, bớt các cuộc hẹn gặp không cần thiết. Thực hiện khai báo y tế và cài đặt ứng dụng Bluezone. Ứng dụng này sẽ giúp phát hiện liệu chúng ta có tiếp xúc người nhiễm COVID-19, hỗ trợ nhanh chóng cho việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Nếu di chuyển nhiều nên ghi lại nhật ký tiếp xúc, chủ động theo dõi thông tin nơi mình ở, nơi mình đến, hướng dẫn từ cơ quan chức năng để phản ứng phù hợp. Chủ động khai báo y tế khi biết mình có nguy cơ để được ngành y tế xét nghiệm, điều trị.

Phát hiện sớm đối thủ là chúng ta đã chiếm được lợi thế phần nào, càng để lâu càng làm tăng nguy cơ COVID-19 lây lan. Nếu có lỡ bị nó "ghé thăm", hãy khai báo thành thật để các hậu vệ có thông tin, truy bắt cho kịp tốc độ lây lan của nó. Chậm một nhịp là càng khó chống đỡ.

Cuối cùng, tránh nghe theo các thông tin giả trên mạng làm chúng ta hoang mang. Không nghe theo những phương thức bí hiểm, gia truyền để điều trị COVID-19. Nếu họ thực sự có phương thức ấy thì đã được khoa học công nhận, nổi tiếng toàn thế giới chứ không phải thậm thà thậm thụt trong các nhóm kín trên mạng.

COVID-19 rồi sẽ đi qua, nhưng hậu quả và ảnh hưởng khủng khiếp của nó đến tất cả mọi người sẽ cần thời gian khôi phục. Chúng ta cần thay đổi, hình thành những nếp sống mới tốt hơn như đã nói ở trên.

Với sự đồng lòng, hợp sức của toàn dân tộc, chúng ta sẽ giành lại sự bình yên cho đất nước, để năm con trâu chúng ta có sức khỏe, có "ruộng" (việc làm) mà "cày".

Thân chúc mọi người năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe và luôn nhớ 5K dù đi đâu, làm gì.

BS Đinh Thị Hải Yến (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)

Thêm 4 ca mắc COVID-19 cộng đồng ở Hải Dương, Gia Lai, học sinh Xuân Phương âm tính lần 2 Thêm 4 ca mắc COVID-19 cộng đồng ở Hải Dương, Gia Lai, học sinh Xuân Phương âm tính lần 2

TTO - Sáng nay 7-2, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19 ở Hải Dương và Gia Lai. Hôm nay là ngày thứ 12 tính từ khi ổ dịch mới bùng phát tại Hải Dương và Quảng Ninh rồi lan ra 11 địa phương.

X.LONG - C.TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp