Các tiểu thương tại chợ vải Đồng Khánh, Q.5, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan và chồng chéo cũng là một trong những yếu tố giúp các hộ kinh doanh yên tâm hơn khi xem xét đến việc chuyển sang hoạt động theo mô hình DN.
* Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu:
Cần chính sách kiểu “cây gậy và củ cà rốt”
Có nhiều lý do cản bước hộ kinh doanh lên DN. Các hộ kinh doanh sống trong môi trường quá yên ổn, muốn không bị áp mức thuế cao, thay vào đó chỉ cần thương lượng với viên chức điều tra doanh số là “êm”. Mỗi năm mức thuế khoán có nhích lên một chút nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, cũng không phải lo sổ sách, chứng từ hay bị kiểm tra.
Trong khi đó nếu chuyển lên DN, họ phải lưu giữ sổ sách kế toán bởi không biết cơ quan thuế kiểm tra lúc nào, có bị “làm khó” hay không. Lợi ích được hưởng khi lên DN cũng chưa đủ sức thuyết phục, trong khi hộ kinh doanh đang hoạt động ổn định nên khó tự giác chuyển đổi.
Không chỉ hộ kinh doanh không muốn lên DN, ngay cả cấp quản lý ở dưới cũng không muốn hộ kinh doanh lên DN vì bị mất quyền lợi.
Đất nước tiến lên giai đoạn phát triển mới, hộ kinh doanh cũng phải tiến lên, chuyển sang mô hình DN để mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có chính sách để làm sao tiến đến dẹp bỏ được nạn chung chi giữa hộ kinh doanh và cán bộ quản lý.
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích kiểu như “cây gậy và củ cà rốt”, tức tăng thêm quyền lợi cho hộ kinh doanh lên DN như giảm thuế, đồng thời tăng thêm ràng buộc với hộ kinh doanh để họ chuyển đổi lên DN.
* Một chuyên gia thuế (đề nghị không nêu tên):
Thiếu các chính sách hỗ trợ dài hạn
Ngoài hàng loạt nguyên nhân khiến hộ kinh doanh ngại lên DN như dư luận phản ảnh, vẫn còn nhiều vấn đề khác cần bàn tới. Chẳng hạn, từng có đề xuất giảm thuế thu nhập DN cho DN khởi nghiệp còn 15%, nhưng đến nay đề xuất này chưa được thực hiện vì nhiều lý do, trong đó có lo ngại tình trạng thất thu.
Việc chọn mô hình hộ kinh doanh thay vì DN khi bắt đầu khởi nghiệp cũng xuất phát từ tâm lý thăm dò, vì việc khởi đầu kinh doanh còn bấp bênh.
Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh cũng không có tài sản đảm bảo, nên có lên DN cũng khó được ngân hàng xét duyệt cho vay, trong khi nhiều hộ kinh doanh lớn hiện đang bị nợ thuế do tiền hàng chưa về kịp.
Nếu những hộ này lên DN, cơ quan thuế có chính sách cho phép chuyển khoản nợ thuế đó từ hộ cá thể lên DN không? Theo tôi biết là không cho phép vì hộ kinh doanh phải khóa mã số hộ, tức phải hoàn tất các nghĩa vụ về nợ thuế, trước khi chuyển lên DN.
Thời gian qua cơ quan thuế cũng công bố nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng cần gỡ thêm những chính sách từ bên trong, nhất là các biện pháp hỗ trợ dài hơi để các DN mới chuyển từ hộ kinh doanh lên có thể phát triển bền vững, chứ không rơi vào tình trạng “đứt gánh giữa đường”.
* Ông Phạm Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):
Đừng để hộ kinh doanh lo “rước thêm phiền”
Việc các hộ kinh doanh không muốn lên DN cũng là điều bình thường vì chẳng ai muốn rước thêm các phiền phức, rắc rối, chưa kể nhiều hộ đã quen với chính sách thuế khoán.
Về mặt lý thuyết, mức thuế khoán phải được xác định dựa trên nhiều bước khảo sát và đánh giá hoạt động kinh doanh.
Nhưng việc xác định một mức doanh thu hợp lý đối với hộ kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau là vấn đề mà pháp luật chưa giải quyết được triệt để vì mỗi hộ kinh doanh, mỗi loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau, mức doanh thu đạt được hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, có một thực tế không thể phủ nhận là tùy theo mối quan hệ với cán bộ thuế phụ trách, nếu có quan hệ tốt, mức thuế khoán được xác định sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức lẽ ra hộ kinh doanh phải đóng nếu tính trên doanh thu thực.
Nhưng nếu có mối quan hệ “căng thẳng” với đại diện cơ quan thu thuế, mức thuế đóng đương nhiên sẽ cao hơn là điều không có gì lạ.
* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Cần phải loại trừ vấn nạn thanh tra, kiểm tra tràn lan
Tại nhiều nước, việc thanh tra, kiểm tra DN được thực hiện theo tỉ lệ xác suất, chọn ngẫu nhiên trong số hàng ngàn DN vào mỗi kỳ thanh tra, kiểm tra. Riêng DN nào hay vi phạm cũng được tập trung kiểm tra rốt ráo.
Nếu phát hiện lỗi vi phạm, DN sẽ bị phạt rất nặng, rồi bị “bêu tên” công khai để răn đe các DN khác. Trong khi tại VN, mỗi ban ngành đều có quy định gắn trách nhiệm về mặt quản lý nếu DN có xảy ra chuyện gì.
Do đó, các cơ quan hay ban ngành phụ trách đều “hăm hở” đi thanh tra, kiểm tra thay vì sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra lẫn nhau, dù rất khó tìm ra cơ quan hay địa chỉ cụ thể để gánh trách nhiệm liên đới một khi DN “có chuyện”.
Cũng không lạ khi DN kêu ca mỗi năm phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc, dù DN đó hàng chục năm trời chưa từng bị phát hiện vi phạm pháp luật hay để xảy ra sự cố gì nghiêm trọng.
Dù muốn nghĩ tốt cho cơ quan quản lý, nhưng cũng khó nghĩ khác đi được khi mục đích đến thanh tra, kiểm tra DN nằm ở cái đoạn lúc... đi về là luôn phải có “cái gì đó”. Các hộ kinh doanh cá thể đều chứng kiến thực tế này mỗi ngày, nên sẽ rất khó thuyết phục họ chuyển đổi lên DN nếu vấn nạn này không được giải quyết dứt điểm.
Ngăn chặn thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Tài chính mới đây, ông Nguyễn Đại Trí - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho rằng hộ kinh doanh được ấn định mức thuế trên doanh thu, trên cơ sở lấy ý kiến hội đồng tư vấn thuế xã, phường để đảm bảo mức thu là phù hợp và công khai, minh bạch. Nhưng do các hộ kinh doanh thường không có sổ sách nên việc đánh giá hiệu quả kinh doanh, doanh thu cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất thu thuế. Ngành thuế cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh, chẳng hạn phải có máy thu tiền, nhưng việc đầu tư máy thu tiền với hộ kinh doanh sẽ có khó khăn vì đội chi phí. Việc hộ kinh doanh chuyển lên DN chắc chắn là câu chuyện không đơn giản, trước hết là phát sinh kinh phí quản lý khi phải có sổ sách, kế toán... Tuy nhiên khi lên DN, người kinh doanh sẽ kê khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử... thuận tiện hơn rất nhiều, chưa kể chỉ phải nộp thuế theo thực tế kinh doanh thay vì thuế khoán. Ngành thuế sẽ đánh giá những điều kiện thuận lợi, khó khăn để hỗ trợ hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển đổi thành DN. * Ông Bùi Văn Dũng (nguyên trưởng ban cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương - Ciem): Cần có chính sách hỗ trợ riêng cho DN siêu nhỏ Một trong những rào cản lớn nhất khiến các hộ kinh doanh không muốn lên DN là chế độ tài chính, kế toán. Theo quy định, các DN nhỏ và siêu nhỏ phải đáp ứng chuẩn mực tài chính, kế toán lên đến trên 30 loại sổ sách, giấy tờ. Các hộ kinh doanh chỉ cần đáp ứng 3 - 4 loại nên khi phát triển thành DN, nhiều hộ kinh doanh sợ và lo ngại các giấy tờ, thủ tục phức tạp trong khi quy mô hoạt động rất nhỏ, chỉ trên 10 lao động. Ngoài ra, khi lên DN, các hộ kinh doanh sẽ bị các cơ quan quản lý, chính quyền, đặc biệt là quản lý chuyên ngành, đòi hỏi kiểm tra tần suất cao hơn. Vấn đề quan trọng là mở khung pháp lý, cơ chế chính sách để hoạt động hộ kinh doanh khi thành DN được thuận lợi hơn. Theo đó, cần phải quy định rõ về loại hình hộ kinh doanh, có cơ chế quản lý phù hợp với từng đối tượng, chứ không áp dụng một cách thức quản lý cho DN với doanh thu hàng chục tỉ đồng, cũng như DN siêu nhỏ với doanh thu vài trăm triệu đồng. Phòng đăng ký kinh doanh cũng phải tổ chức sao cho phù hợp, thuận tiện để khuyến khích hộ kinh doanh. |
* Ông Nguyễn Thành Nhân (tổng giám đốc Saigon Co.op): Hỗ trợ DN tham gia kênh phân phối hiện đại Để có thể tham gia kênh phân phối hiện đại, có 3 điểm cơ bản nhất mà các đơn vị sản xuất cần phải đáp ứng. Đó là hàng hóa phải có chất lượng ổn định, đảm bảo được các điều kiện cung ứng, phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng. Trong khi đó, do hạn chế về vốn và năng lực quản lý, sản phẩm của các DN quy mô nhỏ thường không ổn định về lượng và chất, ít đầu tư cải tiến về mẫu mã và đầu tư quảng bá thương hiệu... nên rất khó khăn trong việc mở rộng phạm vi bán hàng, chưa nói đến chuyện tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại. Để phần nào khắc phục những hạn chế nêu trên, chúng tôi đang hỗ trợ các nhà sản xuất, nhất là các hộ sản xuất nhỏ, cải thiện chất lượng, mẫu mã hàng hóa thông qua việc hỗ trợ ứng vốn, chia sẻ thông tin thị trường để định hướng sản xuất và bao tiêu sản phẩm... Tuy nhiên, bản thân các hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ cũng phải thay đổi, tính toán cân đối kênh phân phối, chọn kênh phân phối phù hợp cho từng loại sản phẩm, thay vì chỉ tập trung kênh phân phối truyền thống như hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận