25/07/2018 08:47 GMT+7

Chống còi xương, thấp bé ra sao?

H.PHƯƠNG - M.HUỲNH
H.PHƯƠNG - M.HUỲNH

TTO - Mỗi ngày, tại khoa dinh dưỡng và nội tổng quát Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM có rất đông phụ huynh đưa con nhỏ đến chờ khám, đa số phụ huynh đưa trẻ đến đây để khám, tư vấn dinh dưỡng vì trẻ biếng ăn.

Chống còi xương, thấp bé ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh cho con khám dinh dưỡng - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Khu vực hàng ghế chờ khám bệnh trước khoa này đều chật kín người từ sáng sớm, nhiều đứa trẻ ở đây thấp bé, ốm yếu hơn so với tuổi của mình.

2 tuổi chỉ nặng 8kg

Nhón chân lấy hộp bánh trên tay mẹ, bé Anh C. mặc dù đã 2 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 75cm và nặng vừa hơn 8kg. Chị N.T.L., mẹ của bé, cho biết đã hơn 5 tháng này bé biếng ăn, qua theo dõi chị thấy con không phát triển thêm chút nào về cân nặng. Chị đưa con đến bệnh viện để khám và tư vấn về dinh dưỡng cho bé.

Nhìn con ngày càng yếu, chị L. lo lắng kể lại trong những tháng đầu khi bé mới sinh, thể hình của bé khá bụ bẫm, tròn trịa. Tuy nhiên, dạo gần đây bé có biểu hiện kén ăn, hay quấy khóc. Biết con biếng ăn, chị đã dùng nhiều cách cho con ăn tốt hơn nhưng không hiệu quả.

"Tôi không biết nguyên nhân vì sao bé lại ngày càng nhẹ cân và thấp bé hơn so với các bạn cùng trang lứa. Mỗi lần tôi đưa bé đến nhà người quen hoặc về quê chơi đều bị mọi người "quở" là không biết cách chăm con. Nuôi thế nào mà để cha mẹ thì to con, con gái thì nhỏ xíu. Tôi vừa buồn vừa lo lắng cho sức khỏe con gái" - chị L. chia sẻ.

Tương tự, chị H.T.N. ở Vũng Tàu trăn trở vì con chị ăn vẫn đều nhưng cân nặng chậm tăng, chiều cao kém phát triển. Theo chị N., con chị đã gần 3 tuổi nhưng chiều cao khá hạn chế. Đồng thời, bé dễ mắc các bệnh vặt khi thời tiết thay đổi.

Chị N. chia sẻ rằng ban đầu chị tưởng thức ăn không hợp khẩu vị với lứa tuổi của con, chị đã cố gắng chế biến các món ăn khác nhau hợp khẩu vị với bé hơn. Thế nhưng hằng ngày bé vẫn ăn rất ít. Thời gian qua chị N. lo lắng bé bị thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chiều cao của bé nhưng chưa có cách nào giúp bé ăn uống tốt hơn.

Nguy cơ suy dinh dưỡng

Theo BS CK2 Nguyễn Huy Chưởng - Bệnh viện Nhi đồng TP (Bình Chánh, TP.HCM), trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng từ sau tuổi ăn giặm. Ở độ tuổi này các bà mẹ thường cho trẻ ăn giặm không đúng cách vì cứ nghĩ rằng ăn giặm là phải ăn no nhưng tuổi để hấp thu tinh bột, ngũ cốc thường phải trên 9 tháng tuổi. Do vậy, trẻ chỉ ăn cháo, cơm, bột cho no khi sau thôi nôi.

Cũng theo bác sĩ Huy Chưởng, trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi thường mắc bệnh, đặc biệt cảm cúm, viêm mũi họng kéo dài hơn. Bên cạnh đó, trẻ thường bị áp lực ăn uống từ người thân. Nhưng việc ăn uống của trẻ luôn trong tình trạng không muốn ăn, tinh thần bị ảnh hưởng. Sau đó một số trẻ phải chấp nhận nuốt nhanh, không thưởng thức món ăn, một số khác tâm lý sợ ăn, làm mọi cách để được nhịn ăn hoặc nôn ói.

BS Hoàng Hồ Thống Nhất, chuyên gia dinh dưỡng Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood, cho biết trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng khi đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng, đường vạch phát triển cân nặng theo tuổi đi theo hướng nằm ngang hoặc bên dưới đường chuẩn của biểu đồ. Bên cạnh đó, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi được phát hiện khi đường phát triển chiều cao nằm dưới đường chuẩn bình thường trên biểu đồ.

Trẻ em mắc bệnh suy dinh dưỡng về cân nặng nếu được phát hiện, điều trị sớm sẽ nhanh chóng phục hồi. Điều đó cũng có nghĩa nếu không được phát hiện kịp thời, dần dần trẻ sẽ chuyển sang bệnh suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao, sẽ khó điều trị và để lại nhiều hậu quả về lâu dài cho trẻ em.

Làm gì để trẻ vừa cân, cao khỏe?

Theo BS Hoàng Hồ Thống Nhất, để trẻ tăng cân, trong thực đơn hằng ngày cần cho trẻ ăn đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau và trái cây) trong các bữa ăn chính. Phụ huynh nên chú ý bổ sung đầy đủ cho trẻ các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm như: sữa, trứng, thịt, cá, tôm, cua, lươn, ếch...

Bên cạnh đó, trẻ cần được bổ sung các sản phẩm từ sữa để hỗ trợ tăng trưởng cân nặng và chiều cao. Phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ uống ít nhất 600ml sữa mỗi ngày và dùng thêm các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua. Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ dùng các loại sữa giàu canxi, kẽm, sắt, iốt, vitamin A, D, E... để giúp trẻ phát triển chiều cao hiệu quả.

Đồng thời, để đảm bảo trẻ phát triển tốt, phụ huynh nên cho trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 10h đêm. Khuyến khích trẻ vận động, chạy nhảy ngoài trời.

Cách cho bé ăn rất quan trọng

Bạn đọc Trần Bích Ngân (Bình Chánh, TP.HCM):

Con trai tôi cải thiện cân nặng sau một thời gian nhờ cho bé ăn đúng cách. Trước đó, lúc 13 tháng tuổi bé nặng 8,2kg, cao 71cm. Hằng ngày bé vẫn ăn cơm mỗi buổi 1 chén. Tuy nhiên sau đó bé ít ăn hẳn, chỉ bú mẹ, bé từ chối tất cả các món từ bún, cháo, kể cả cơm. Mỗi lần đút bé ăn rất khó nhọc, bé hay tìm cách để tránh không ăn. Đêm đến bé ngủ rất trằn trọc, đổ mồ hôi trộm, hay quấy khóc. Tôi lo lắng bé có nguy cơ suy dinh dưỡng nên đã đưa bé đi bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị thiếu canxi, thiếu cân nặng lẫn chiều cao. Sau đó, theo hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ, tôi thay đổi cách chế biến các món ăn, kết hợp đầy đủ dinh dưỡng đồng thời chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, tạo cảm giác vui vẻ cho bé khi ăn. Nhờ vậy mấy tháng gần đây bé ăn ngon miệng hơn, cân nặng cũng cải thiện khá tốt.

H.PHƯƠNG - M.HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp