TTO - Cha bệnh tâm thần, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Thành vừa học vừa chăm lo hai đấng sinh thành. Dù vất vả, Thành vẫn vui 'còn ba má ráng mà nuôi...


"Trận đấu" diễn ra ngay giữa sân bóng đá của làng Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, người con đi làm về không thấy người cha bị tâm thần ở nhà vội đi tìm.

Thấy cha đứng như "trời trồng" giữa sân bóng, người con tiến đến "về ba, trưa rồi, về ăn cơm chứ, đi ba...". Vỗ về không được, người con ra sức kéo cha. Trời nắng to. Con kéo, cha ghì, cuộc tranh chấp khiến cả hai mồ hôi nhễ nhại.

Phải đến hơn nửa giờ người con mới đưa được cha tới chỗ có bóng mát. 15 phút sau đó, người cha tỉnh táo và theo con về. Trên đường đi, người cha lượm bất kỳ rác rưởi gì thấy được cầm trên tay, người con phải gỡ bỏ liên tục.

Giằng co mãi, hai cha con mới về đến nhà. Ở đó, người mẹ bị bệnh tai biến và Parkinson nằm một chỗ thở khò khè. Toàn cơ thể cứ run lên như thể có lò xo đẩy. Cả cha và mẹ bị bệnh khi đứa con vừa chào đời. Và dĩ nhiên, nỗi bất hạnh, đứa con phải nhận lấy.

Hai cha con Thành giằng co nơi sân bóng của làng, đến 30 phút ông Thơ mới chịu về 

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 2.
Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 3.

Cánh cửa lỗ chỗ vết nứt, kêu cọt kẹt khi chàng tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng - Nguyễn Tấn Thành mở ra. Thêm phần não nề khi mùi phân tươi và nước tiểu xộc thẳng vào mũi. Thành ngăn tôi lại, dọn dẹp sự cố trước khi mời vào nhà.

Trời nóng như nung, đứng ngoài sân vẫn không chịu nổi mùi hôi quyện vào gió trời. Nhìn qua cửa sổ, phía trong Thành nâng bà Bùi Thị Trực (50 tuổi, mẹ Thành) dậy, kéo chiếc quần ra, lau chùi sạch sẽ, thay đồ, chiếu và tấm lót lưng mới. Sau đó dọn dẹp nước tiểu chảy tràn xuống nền.

Bệnh tật khiến bà Trực nói giọng run run: "Nãy thấy con về, má kêu mà con vội đi tìm ba không nghe. Má chờ lâu quá nên...". Thành cười với mẹ rồi vỗ về: "Không sao đâu má".

Có lẽ vì quá quen với việc này nên thao tác của Thành rất nhanh, thoáng chốc đã xong. Mùi hôi thối thay bằng mùi nước lau dọn nhà. Thành lúng túng: "Ngại quá, má thỉnh thoảng hay vậy. Các anh thông cảm...".

Chưa kịp nói tròn câu thì nước tràn đầy bếp. Ông Nguyễn Thơ (48 tuổi, cha Thành) mở nước, ngồi độc thoại bằng thứ ngôn ngữ của "người điên" rồi cười phá lên. Thành nhìn cha nhưng chẳng dám hỏi, sợ cắt mạch cảm xúc thì lại... khổ.

Khóa nước, Thành rửa, lau người cho cha. Xong việc, Thành đưa cha vào ngồi bên mẹ, rồi mở tivi lên cho cha xem, nếu không phải tìm ông Thơ bận nữa. Đã 14h, ông Thơ vỗ bụng than đói. Thành vội xuống bếp đun ấm nước sôi. Trưa nay cả nhà ăn mì gói.

Nhìn bữa ăn mà não ruột, ông Thơ húp rột rột hết tô mình, xong ăn luôn tô mì của Thành. Còn bà Trực cơ thể run cầm cập, Thành đút từng thìa mà miếng được miếng đổ.

Được mấy miếng, bà Trực mệt, không ăn tiếp được. Thành kéo từ dưới chân bàn ra chiếc thúng rách vành, lấy thuốc cho mẹ uống. Nhìn thấy, ông Thơ chìa tay và Thành đưa một viên thuốc. Ông nhai ngon lành mà chẳng cần nước.

Lo xong cho bậc sinh thành, đứa con ăn trưa bằng tô mì còn lại của mẹ đã nở to như sợi bún. Vừa ăn Thành vừa nói: "Ba mình cái gì cũng chống đối, chỉ có thuốc là xin. Không đưa là mệt chuyện. Nhưng vậy cũng đỡ, từ ngày ba khoái ăn thuốc, giảm lên cơn hẳn".

Thành rửa tay, lau mặt cho cha rồi quay sang chăm sóc mẹ. Bữa trưa của họ là gối mì tôm...

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 5.

"Bản hòa tấu" đời Thành đoạn nào cũng chông chênh, đứt nhịp. Khi báo Tuổi Trẻ chốt danh sách tân sinh viên nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" và thông báo Thành sẽ nhận suất học bổng đặc biệt, bất ngờ, Thành xin nhường học bổng cho bạn khác.

Lý do là khi Thành ra Đà Nẵng nhập học được sáu ngày, đang làm thêm ở quán cà phê thì hàng xóm điện báo người cha nổi cơn vô thức, biến căn nhà đầy bóng tối trở nên ngổn ngang như vừa trải qua một trận bom. Thành phải bỏ trường về nhà giải quyết sự cố.

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 6.

"Mình sợ nhận học bổng mà không toàn tâm học sẽ phụ tấm lòng của các cô chú trao cho. Mà đi học thì lo quá" - Thành nói.

Tôi đã bốn lần đến nhà Thành, lần đầu là năm Thành học lớp 7. Lần thứ hai vào dịp tết năm 2017, khi bộ đội biên phòng tổ chức sửa nhà. Lần thứ ba khoảng nửa tháng trước, lúc đi làm hồ sơ học bổng. Lần này là thứ tư.

Khát khao học tập của Thành vô cùng lớn. Nhà gần cảng Sa Kỳ, không muốn đi học, Thành đã là "rái cá Hoàng Sa" như bao trai tráng xứ này. "Đi học thì ai mà không muốn. Nhưng mình sợ bệnh ba nặng, rồi ba lại đánh má không ai can" - Thành nhìn xa xăm.

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 7.

Nghĩ đến tình cảnh mẹ cha và bốn năm đang chờ mình phía trước, Thành bật khóc

Nỗi lo ấy có lẽ chỉ thấu tận khi ở trong hoàn cảnh của Thành. Lúc nhỏ, mỗi lần cha lên cơn, Thành đứng nhìn, đợi cơn vô thức hạ xuống thì dọn dẹp. "Khùng điên" quá, ông Thơ đánh hai mẹ con thì Thành vừa bỏ chạy vừa "nhứ" để cha đuổi theo mà không ở nhà đánh mẹ.

Từ khi học lớp 10, Thành có sức khỏe thì ôm ghì, để lưng cho cha đánh một lúc thì hạ hỏa. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Những lần cơn thịnh nộ quá lâu, Thành chạy thẳng lên hải đội 2 - Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đóng quân cách nhà chừng 2km nhờ giúp đỡ.

Để cải thiện tình hình, hải đội 2 còn "trang bị" cho Thành chiếc điện thoại, "có chuyện" là lập tức gọi điện báo.

Dở khóc dở cười khi nghe người dân kể về ông Thơ. Có lần ông ngồi xem đá bóng, thấy trai làng chạy theo tranh bóng, ông Thơ tưởng đánh nhau thế là lao vào đánh túi bụi. Báo hại sáu, bảy thanh niên lực lưỡng dồn sức lại đè, mua nước cho ông Thơ uống. Khi ông Thơ tỉnh táo, trời đã nhá nhem, trận bóng cũng dẹp luôn.

Ông Bảy Thịnh (80 tuổi), nhà ngay đầu ngõ, là người thiệt thòi nhất làng. Hai năm trước ông làm bờ rào ximăng, khi thầy thợ vừa nghỉ trưa, ông Thơ vác cuốc ra đập nát hết. Lý do là chướng mắt, hẹp ngõ đi.

"Ô, nói chi nữa, ổng quậy là số một, làm bờ rào trong đất có sổ đỏ mà thằng Thơ còn không cho. Tui phải làm bờ rào xịch vô gần 1m cho yên thân" - ông Bảy Thịnh kể.

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 8.


Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 9.

Cả làng sợ ông Thơ - ba Thành. Ông bực lên là tất cả phải im lặng nếu không muốn rắc rối. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, mọi người nhìn thấy nỗ lực của Thành lại thương hơn.

Khi nhỏ, hình bóng cậu bé Thành ra cảng Sa Kỳ xin cá về nuôi cha mẹ in sâu vào góc nhớ của mọi người. Lớn hơn tí đã lặn gành bắt con nhum, cọng rong. Khi có sức khỏe thì đi gánh nước đá chuyển xuống tàu cá kiếm tiền lo cơm cháo mỗi ngày... Tiền trợ cấp của ba và mẹ, Thành để dành mua thuốc.

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 10.

Bà Phượng, một đầu nậu ở cảng Sa Kỳ thường xuyên giúp Thành, chia sẻ: "Thấy nó hiếu thảo và nỗ lực học tập nên tui thương. Mà đâu chỉ tui, cả làng, cả xã này thương thằng Thành".

Lão ngư Bốn Hùng đã ngoài 60 tuổi, dày dạn sóng gió Hoàng Sa, bão tố cũng không làm ông mủi lòng, yếu chí. Vậy mà nhắc đến Thành lại rưng rưng. Ông Bốn Hùng thương thằng Thành hiếu thảo quá.

"Làm cha mẹ, bệnh tật ngã xuống cũng chỉ mong con cái chăm bằng nửa thằng Thành là mừng rồi. Thương nó, tui cấm tiệt anh em không cho nó đi biển xa bờ vừa khổ lại khó chăm cha mẹ" - ông Bốn Hùng tâm sự.

Thành hiếu thảo và có khát vọng nổi tiếng ở vùng đất biển cả này. Hải đội 2 thương yêu và nhận đỡ đầu từ lúc Thành lên lớp 6. Đại úy Cao Tấn Vương, chính trị viên hải đội 2, đại diện trực tiếp đỡ đầu, chia sẻ: "Nhiều khi Thành điện muộn quá, tôi chạy xuống nhà thì thấy y chang bãi chiến trường.

Ổng đang quậy mà thấy bộ đội là sợ. Nói gì cũng nghe. Thành thì tuyệt vời rồi, ngoan, hiền, lễ phép. Nhất là hiếu thảo và có ý chí, không than thở số phận".

Hôm nay, biết Thành chông chênh trước giảng đường, đại úy Vương cũng xuống tận nhà khuyên nhủ. Phương án chuyển giao số điện thoại của hải đội cho hàng xóm cũng được hải đội tính đến, giúp Thành đỡ gánh lo cho bậc sinh thành, viết tiếp giấc mơ.

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo - Ảnh 11.

'Còn ba còn má ráng mà nuôi', Thành tâm sự.



TRẦN MAI
THÙY TRANG
BẢO SUZU
4/9/2018

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp