Buổi tối, con phố nhỏ ở huyện lỵ miền núi Hòa Bình nhợt nhạt ánh đèn. Cô gái trẻ tuổi 21 mà như phụ nữ đã ngoài 40. Gương mặt xanh xao, mệt mỏi, cô tuyệt vọng nói: "Em xét nghiệm dương tính HIV rồi!".
Hơn 10 năm, tôi vẫn không thể nào quên cô gái đó! Một trong nhiều phận đời đau đớn mà tôi đã tiếp cận, viết các loạt bài "địa ngục trần gian" xứ người...
Và cũng ngần ấy thời gian, tôi không ngừng quan tâm vấn nạn này. Thực trạng VN vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế rất đau lòng! Biết bao cảnh đời bị đày đọa khủng khiếp, và khủng khiếp hơn cả người ta có thể tưởng tượng!
Mới đây ngày 23-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên họp tình hình phòng chống mua bán người giai đoạn 2012-2015.
Theo ông Nguyễn Văn Pha (phó chủ nhiệm ủy ban) thì có 75% nạn nhân mua bán người VN bị đưa sang Trung Quốc. Thủ đoạn là lừa du lịch, nhận làm việc lương cao... Phần lớn qua Internet, chúng giả kết bạn, yêu đương rồi lừa bán vào mại dâm hoặc cưỡng bức lao động vất vả...
Hầu hết nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu vùng xa...
Thực tế đã có không ít hội nghị tìm phương hướng giải quyết vấn nạn. Công an, tòa án cũng rất nhanh nhạy điều tra, xét xử. Nhưng tại sao thực trạng vẫn diễn biến phức tạp, tại sao các em gái vẫn bị lừa đảo, đày đọa xứ người?
Có lẽ, vấn đề chính ở đây là giải pháp tuyên truyền. Tuy nhiên, việc tuyên truyền này liệu đã được thực hiện đúng nơi, đúng người và thật sự hiệu quả? Trong khi kẻ xấu chủ yếu lợi dụng mạng xã hội để lừa gạt nạn nhân, thì ngược lại việc phòng chống đã tận dụng sức mạnh Internet?
Luật sư Tạ Ngọc Vân, cộng tác viên Bộ Công an, từng trực tiếp giải cứu gần 500 nạn nhân , rất đau đáu vấn đề này.
Ông từng bị một số chính quyền cơ sở không hợp tác, nghi kỵ. Ông cũng từng nghe nhiều em, thậm chí bậc cha mẹ, nghĩ nạn buôn người là chuyện đẩu đâu, không thể xảy ra với mình.
Lý do chính là bản làng họ chưa hề được tuyên truyền đầy đủ vấn nạn này. Người dân vùng hẻo lánh không có điều kiện hiểu được tình trạng phức tạp thế nào...
Các giải pháp truyền thống như tuyên truyền ở trường lớp, chính quyền cơ sở, băngrôn, khẩu hiệu, tờ bướm tận nơi là không thể thiếu. Nhưng thời đại này cũng cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền thẳng vào không gian mạng.
Cuộc "chiến đấu" trực tiếp ngay nơi kẻ xấu đang ngày đêm dụ dỗ nạn nhân...
Tất nhiên, việc phòng chống buôn người đòi hỏi phải kết hợp nhiều phía từ công an, tòa án, biên phòng... Nhưng cái gốc là làm sao cho chính những người có nguy cơ thành nạn nhân nhận thức được và có ý thức tự bảo vệ mình.
Đó chính là giải pháp tuyên truyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận