16/05/2023 11:39 GMT+7

Chọn tử tế khi khởi nghiệp

32 tuổi, Nguyễn Văn Thiên Vũ - nhà sáng lập, tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần thiết bị bay Agridrone Việt Nam - có trong tay hai công ty khởi nghiệp với doanh thu hằng năm hơn 80 tỉ đồng.

Nguyễn Văn Thiên Vũ cùng các sản phẩm máy bay nông nghiệp do công ty mình nghiên cứu, chế tạo - Ảnh: NVCC

Nguyễn Văn Thiên Vũ cùng các sản phẩm máy bay nông nghiệp do công ty mình nghiên cứu, chế tạo - Ảnh: NVCC

Anh cũng là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, được Trung ương Đoàn vinh danh nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3 năm nay.

Ngay khi chập chững bước chân vào khởi nghiệp, tôi tự dặn mình phải hành động bằng sự tử tế, không thể làm ăn chụp giựt, lừa lọc khách hàng vì như thế sẽ bị đào thải rất nhanh.

NGUYỄN VĂN THIÊN VŨ

Ước mơ thay đổi nền nông nghiệp

* Hãy bắt đầu bằng lý do anh chọn khởi nghiệp, thế nào nhỉ?

- Quê tôi ở làng Mậu Tài (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) - ngôi làng nhỏ cạnh sông Hương, bạt ngàn ruộng lúa.

Tôi nhớ hoài ngày bé cùng chúng bạn lội đồng nhưng cá tôm cũng ngày một ít dần, đất cũng bạc đi nhiều. Và tôi nung nấu ý định phải làm điều gì đó đặc biệt cho cánh đồng quê mình.

Khi vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tôi thật sự đam mê với máy bay không người lái (drone). Càng nghiên cứu lại càng thấy lợi ích to lớn mà drone mang lại, nhất là trong nông nghiệp.

Tích lũy cho mình một số vốn nhất định, tôi quyết định rời công việc đang làm ở một tập đoàn công nghệ của Mỹ với thu nhập khá cao khi đó để bắt đầu con đường khởi nghiệp.

* Quyết định đó đồng nghĩa với bước ra khỏi vùng an toàn, dấn thân vào lựa chọn chông gai, thậm chí chưa biết được ngày mai ra sao?

- Thời sinh viên, tôi cũng từng khởi nghiệp với một vài người bạn. Cùng nghiên cứu về drone, chúng tôi cũng đầu tư lĩnh vực máy bay không người lái mà chủ yếu phục vụ nhu cầu quay phim và... đua máy bay.

Dĩ nhiên là thất bại vì không ai nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường khi ấy. Sau đó, tôi đầu quân vào tập đoàn công nghệ nói trên và chính là thời gian tôi trau dồi nhiều kiến thức và cả cách vận hành, quản trị doanh nghiệp.

Phải đến năm 2018, gặp được một người anh cùng chí hướng khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là phun thuốc tự động trên những cánh đồng lớn bằng máy bay không người lái, chúng tôi rời Huế ra Hà Nội khởi sự lại.

Lúc mới ra Hà Nội, tôi đã phải xin ở nhờ tại một ký túc xá sinh viên để tiết kiệm tối đa chi phí. Đã có lúc tôi phải bán gần như tất các tài sản mà mình có để có tiền nghiên cứu. May mắn là sau những ngày khó khăn ấy, tôi đã nhận được những quả ngọt đầu tiên.

"Thằng khùng" làm đối tác của nông dân

* Quả ngọt anh vừa nói ấy là gì?

- Đó là sự đồng ý của bà con nông dân khi sẵn sàng "mở cửa không phận" cho máy bay của chúng tôi bay trên cánh đồng của họ. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này chúng tôi vác máy bay tìm về những cánh đồng miền Tây thuyết phục bà con cho mình bay, cũng là tìm hiểu thị trường.

Tôi nhớ không ít lần bị mấy bác nông dân mắng "thằng khùng". Họ không tin máy bay nông nghiệp với công nghệ phun sương thấm đẫm từ trên cao của chúng tôi có thể giúp họ tiết kiệm nước đến sáu lần.

Bằng kinh nghiệm, các lão nông cho biết mỗi héc ta ruộng phun thuốc bằng tay cần đến 350 lít hỗn hợp nước và thuốc bảo vệ thực vật. Họ kêu "tắm" cây lúa cỡ vậy còn chưa ăn thua, nói gì chỉ dùng 20 lít cho mỗi héc ta ruộng như tôi nói.

Nói thật bị mắng cũng buồn, nhưng không thể bỏ cuộc. Họ càng mắng, mình càng phải lì đòn, quyết tâm thuyết phục họ, thậm chí chấp nhận rẻ hơn giá bà con thuê người phun thuốc bằng tay, có khi còn bay phun miễn phí. Thực lòng tôi nghĩ chịu lỗ cũng được, miễn bà con cho cơ hội chứng minh mình không nói xạo.

Được bay, được chứng minh hiệu quả, cảm giác không gì "đã" bằng khi nghe mấy bác nông dân lại gần hỏi: "Máy này mua đâu mày? Mai qua ruộng bác bay thử cái hen". Đó chính là những viên gạch đầu tiên tạo nên thương hiệu Agridrone hôm nay với 75 chi nhánh có mặt tại 50 tỉnh thành cả nước.

* Con đường phía trước anh đang hoạch định cho mình ra sao?

- Hiện chúng tôi đang tập trung phát triển thị trường máy bay nông nghiệp để phục vụ cho nhiều bà con nông dân hơn. Ngoài nông nghiệp, drone còn có thể hữu ích cho cứu hộ cứu nạn, công nghiệp, media, quản lý rừng, xây dựng, thậm chí chữa cháy.

Chúng tôi có xưởng nghiên cứu, chế tạo tại TP.HCM rộng hơn 2.000m2 và hướng đến sản xuất drone đại trà như sản xuất, lắp ráp ô tô trong tương lai. Chúng tôi cũng đang xây dựng "Sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse".

Hiểu đơn giản nó như cái chợ nông sản trên mạng mà nông dân có thể đem bất kỳ thứ gì từ nông trại của mình lên đó bán. Bằng công nghệ thực tế ảo, hai bên mua - bán có thể gặp, nói chuyện và dẫn nhau đi xem nông trại, sản phẩm dù đang ở cách xa nhau vạn dặm.

Đừng khởi nghiệp khi bản thân chưa là phiên bản tốt nhất

Anh Thiên Vũ nói kim chỉ nam đã chọn khi khởi nghiệp là phụng sự người nông dân bằng sự tử tế nhất có thể. Đó cũng là gốc rễ để bản thân anh cùng cộng sự có được như ngày hôm nay.

Chia sẻ về đam mê khởi nghiệp, anh Vũ nói rất ủng hộ song các bạn trẻ đừng vội bỏ việc để khởi nghiệp khi chưa phải là phiên bản tốt nhất của bản thân trong công việc hiện tại đang làm.

"Đừng khởi nghiệp chỉ vì thấy nhàm chán với công việc hiện tại vì bạn sẽ rất dễ gặp thất bại và nản chí, chẳng ai muốn điều đó cả. Hãy khởi sự khi có sự chuẩn bị thật tốt và sẵn sàng cho hành trình mới" - anh Vũ khuyên.

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam khởi nghiệp ca hát thành công ở tuổi 50Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam khởi nghiệp ca hát thành công ở tuổi 50

Phạm Hoài Nam từ một nhiếp ảnh gia có tiếng đã trở thành giọng ca triệu view, là hiện tượng trên khắp các nền tảng âm nhạc ở độ tuổi U50. 'Bí kíp' từ đâu?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp