Tôi trả lời cho qua thắc mắc của mọi người rằng khách sạn cũng có WiFi, nơi họp cũng vậy và tôi không có nhu cầu sử dụng 5G trên điện thoại nhiều. Nhưng đó không hoàn toàn là thật!
Heidelberg "quen mà lạ"
Sau mỗi buổi họp, tôi lại rảo bộ "thành phố khoa học" Heidelberg. Cũng phải vài lần mới sực nhớ ra việc phải hạn chế tối đa rút điện thoại, dừng phụ thuộc vào "dế" nếu không muốn dung lượng sim điện thoại hết sớm.
Thường Google Map sẽ chỉ hướng dẫn những con đường lộ, ít chỉ ra những con đường cùng hướng nhỏ hơn. Thoáng chần chừ nhưng tôi quyết định chọn một lối đi nhỏ, phủ đầy cây xanh và rong rêu hướng đi xuống con sông Neckar.
Hóa ra con đường mòn lại dẫn đến nhiều thảm cỏ đẫm sương, nơi những ai tìm đến có thể nằm nghỉ ngơi giữa thiên nhiên hoặc vừa đọc sách vừa chiêm ngưỡng tòa lâu đài 809 tuổi Heidelberg ở một khung cảnh "hoang sơ".
Heidelberg bỗng dưng "quen mà lạ" trong tôi là vì vậy.
Mùa thu ở Heidelberg thường tầm 12 độ vào sáng sớm. Nhưng đến tầm 10h hơn, trời lại se lạnh xen lẫn trong ánh nắng vàng, rất lý tưởng để vừa đọc sách vừa cắn và cảm nhận cái mọng nước của trái táo, quả đào…
Dù thích đọc nhưng ở Việt Nam hầu như tôi khó tập trung vào quyển sách nào do tin nhắn đến liên tục với các app trên điện thoại.
Khi bị "ngắt quãng" Internet tại Heidelberg, cảm giác thật khoan khoái khi đắm mình trong quyển sách yêu thích. Khi mệt cứ dừng lại, phóng tầm mắt ra xa ngắm đất trời, lá rơi hoặc tự thưởng bằng những cái hít thở thật sâu, đầy trong lành trước khi quay lại trang sách mỏng.
Đi lạc ở Heidelberg, được nhiều hơn mất
Có vẻ như người trẻ hiện nay thường chọn gắn tai nghe, mải miết lướt mạng hoặc đọc thông tin trên điện thoại ngay cả khi đang ngồi giữa nhiều người.
Điều đó không quá khó hiểu. Các mạng xã hội đều miễn phí bởi điều họ thật sự khao khát, muốn thâu tóm là dữ liệu người dùng. Thông qua các thuật toán hiện đại hay "công nghệ thuyết phục", mạng xã hội không ngừng cải tiến khiến chúng ta mê đắm, dành thời gian cho chúng nhiều hơn.
Càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, "mạng" càng hiểu chúng ta hơn. Thậm chí nhiều nghiên cứu chỉ ra hiện mạng xã hội đã hiểu chúng ta hơn người thân.
Những điều này phần lớn phục vụ cho chủ nghĩa tư bản giám sát (hệ thống kinh tế tập trung khai thác dữ liệu cá nhân, giám sát tinh vi hành vi người dùng phục vụ việc tạo ra lợi nhuận qua các hoạt động kinh doanh trên Internet, mạng xã hội).
Và khi không có cơ hội dùng "tẹt ga" Internet, tôi tìm cách bắt chuyện cùng những người ngồi gần trên các chuyến xe buýt, chuyến xe của hội thảo khoa học HLF…
Có người từ chối trò chuyện với kẻ lạ. Nhưng có người tỏ ra hào hứng khi biết tôi đến từ quốc gia cách 9.500 cây số với vô số khác biệt về văn hóa, thế giới quan.
Người Đức có vẻ ngoài đầy lạnh lùng mỗi khi mở đầu câu chuyện với người lạ. Tôi coi đó như thử thách phải vượt qua để cải thiện kỹ năng giao tiếp, những định kiến của bản thân.
Dĩ nhiên khi không có công nghệ hỗ trợ, chuyện tôi đón nhầm xe buýt, đi lạc tại Đức không hiếm. Nhưng bù lại tôi biết bản thân đang không phung phí thời gian trên bởi điều mình nhọc công tự tìm ra hẳn sẽ ý nghĩa, khắc sâu trong tâm trí hơn là một cú click trên điện thoại và có ngay câu trả lời chỉ trong vài nốt nhạc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận