06/01/2021 07:30 GMT+7

Chọn người tài đức dựng xây pháp quyền

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - 'Tổng tuyển cử là một dịp để toàn thể nhân dân tự do lựa chọn ra những người có tài, có đức để gánh công việc nước nhà. Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết' - ông Vương Đình Huệ nhắc lại lời Hồ Chủ tịch.

Chọn người tài đức dựng xây pháp quyền - Ảnh 1.

Bí thư thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Vương Đình Huệ - Ảnh: LÊ KIÊN

Cuộc gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Thủ đô Hà Nội diễn ra chiều tối 5-1, nhân kỷ niệm 75 năm truyền thống Quốc hội Việt Nam và ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6-1-1946.

Phát biểu đầu tiên, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Vương Đình Huệ nói: "Trong giờ phút trọng thể này, các thế hệ ĐBQH thành phố Hà Nội và các vị đại biểu có mặt tại đây cùng ôn lại sự kiện lịch sử trọng đại, thời khắc diễn ra Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946 bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Từ khát vọng pháp quyền cho Việt Nam

ĐBQH Vương Đình Huệ dành khá nhiều thời gian tại cuộc gặp mặt các thế hệ ĐBQH TP Hà Nội để tôn vinh tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền, được thể hiện rõ ở quyết tâm thực hiện Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 giữa bối cảnh thù trong, giặc ngoài đang lăm le tước đoạt thành quả cách mạng mà nhân dân ta mới giành được.

Điểm lại mốc thời gian 16-8-1945, "Quốc dân Đại hội" được tổ chức tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang), ông Huệ cho rằng "những quyết nghị quan trọng mà Quốc dân Đại hội đã thông qua là bước thực thi dân chủ, xây dựng Nhà nước do nhân dân làm chủ, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

"Quốc dân Đại hội chẳng những góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945, mà Nghị quyết của Quốc dân Đại hội còn tạo ra những cơ sở cho sự hình thành và ra đời của một thể chế Nhà nước mới, đặt nền móng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (năm 1946), hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á" - ông Huệ nhấn mạnh.

Có thể nói, khát vọng xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng một quốc gia dân chủ là khát vọng Hồ Chí Minh từ thời còn là người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước. Năm 1919, tư tưởng đó đã thể hiện với bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi đến Hội nghị Versailles (Paris, Pháp), sau đó được thể hiện trong "Việt Nam yêu cầu ca" là: "Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".

Chưa đầy 24 giờ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu".

Ngay sau đó, trong sắc lệnh về Tổng tuyển cử, Hồ Chủ tịch khẳng định: "Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa".

Đánh giá khái quát, ông Vương Đình Huệ nói: "Trải qua 75 năm, hoạt động Quốc hội là quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn Cách mạng".

"Trong quá trình đó, Quốc hội đã phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Hoạt động lập hiến, lập pháp ngày càng được đẩy mạnh, Quốc hội đã thông qua 5 bản Hiến pháp phù hợp với từng thời kỳ và tiến trình cách mạng, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước".

Chọn người tài đức dựng xây pháp quyền - Ảnh 2.

Hình ảnh và bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được chiếu lồng chương trình văn nghệ chào mừng buổi gặp mặt các thế hệ ĐBQH Thủ đô Hà Nội - Ảnh: LÊ KIÊN

Chọn người tài đức, Cụ Hồ Chí Minh không ngoại lệ

Khi đặt ra nguyên tắc Tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng, phổ thông đầu phiếu, người đứng đầu Chính phủ lâm thời khi ấy là cụ Hồ Chí Minh đã không đặt mình làm ngoại lệ.

Trước thời điểm Tổng tuyển cử, có một bản kiến nghị được hàng trăm các đại biểu làng xã cùng ký tên "Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".

Hồ Chủ tịch đã gửi thư đáp lại: "Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định".

Theo Bí thư thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Vương Đình Huệ, "cùng đóng góp vào những thành quả chung của Quốc hội có tâm sức của nhiều thế hệ ĐBQH TP. Hà Nội. Trong 14 khóa Quốc hội, cử tri Thủ đô đã bầu gần 400 đại biểu đại diện cho ý chí các tầng lớp nhân dân".

Đặc biệt, với Thủ đô - trái tim của cả nước, vinh dự có nhiều ĐBQH giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Tổng bí thư Trường Chinh; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; cố Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng, Lê Đức Anh; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng…

Trong đó có nhiều người là ĐBQH gắn bó lâu năm với Nhân dân Thủ đô. Hồ Chủ tịch là ĐBQH của Hà Nội từ khóa I đến khóa III, cố Tổng bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh tham gia 6 khóa Quốc hội; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng tham gia 6 khóa Quốc hội; nhiều đại biểu của Đoàn Hà Nội tham gia Quốc hội từ 4 đến 5 khóa…

Chọn người tài đức dựng xây pháp quyền - Ảnh 3.

Các thế hệ ĐBQH của Thủ đô vui mừng trong ngày gặp mặt - Ảnh: LÊ KIÊN

Trường "đại học Quốc hội" và "người thầy Nhân dân"

Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xúc động: "Bước vào Quốc hội là bước vào trường đại học mới mà người thầy là Nhân dân, suốt 5 năm đã chỉ bảo, góp ý, giám sát để các ĐBQH hoàn thành trọng trách được giao phó. Và chúng tôi đã trưởng thành lên nhiều hơn trong môi trường ấy".

Ông cũng nhắc về người cha của mình, cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tác giả ca khúc Ngày Quốc hội với lời mở đầu "Đâu quốc dân Việt Nam mau/ Cùng nhau cầm lá phiếu mau..." để tuyên truyền Tổng tuyển cử. Ngày ấy, cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận là chàng thanh niên nghệ sĩ như bao người dân Việt Nam yêu nước đứng vào hàng ngũ cách mạng, những nốt nhạc như bước tiến quân vang lên trong không khí hào hùng.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, là ĐBQH TP Hà Nội nhiều khóa. Bà xuất thân từ một người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, rồi sang làm chính quyền.

"Được bầu làm ĐBQH tôi mới có điều kiện tiếp xúc trực tiếp, gần gũi, sâu rộng với nhiều tầng lớp nhân dân, có cơ hội lắng nghe ý kiến và được cử tri giám sát. Tham gia Quốc hội tôi hiểu sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam hơn, hiểu về cả những nét đẹp, sự vất vả. Từ đó hình thành trong tôi ý thức trách nhiệm, sự tận tuỵ trước nhân dân, đặc biệt là trong nhiệm vụ mình được giao phó" - bà Tâm Đan tâm sự.

Còn với GS.TS Nguyễn Anh Trí, người đang là ĐBQH khóa XIV, thì "hạnh phúc khi được làm ĐBQH của TP Hà Nội", bởi "tất cả các phiên chất vấn ở Quốc hội, đoàn Hà Nội bấm nút rất nhiều, các câu hỏi sắc sảo, trí tuệ, mang tính xây dựng. Ấn tượng của tôi là tính độc lập của đại biểu, không có biểu hiện lạc hướng, bị tác động…".

Quốc hội với Thủ đô

Những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã quyết định nhiều chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, nhằm kết hợp sức mạnh của hai đơn vị hành chính lớn là Hà Nội và Hà Tây, sự hội tụ trí tuệ của 2 mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nâng tầm Thủ đô Hà Nội của đất nước với hơn 90 triệu dân.

Quốc hội Khóa XIII đã thông qua đạo luật quan trọng riêng đối với Thủ đô Hà Nội, đó là "Luật Thủ đô" để kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Quốc hội khóa XIV đã thông qua một số nghị quyết riêng cho Thủ đô Hà Nội như: Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

5 sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta 5 sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta

TTO - Ngay trong những ngày đầu tiên vừa tuyên bố độc lập tháng 9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành nhiều sắc lệnh chuẩn bị thực hiện cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp