Học sinh trải nghiệm làm tranh in truyền thống do sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM hướng dẫn tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - Ảnh: THÙY TRANG
Khi nhiều học sinh cùng hỏi học ở trường mỹ thuật thì có cần năng khiếu không, bạn Trần Hải Minh, sinh viên năm 3 ngành thiết kế đồ họa, vừa hướng dẫn học sinh làm tranh in truyền thống vừa chia sẻ: "Thực chất năng khiếu chỉ chiếm khoảng 10% thành công, mà đam mê và theo đuổi tận cùng mới là vấn đề được hay không. Có những bạn thích ngành này nhưng sau khi học lại chuyển sang ngành khác và thành công".
Việc sinh viên đi tư vấn cho học sinh, theo thầy Bạch Huyền Linh - phó phòng đào tạo Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, thì chính sinh viên trường tư vấn về sở thích, tâm lý, theo đuổi quá trình học như thế nào cho học sinh sẽ gần gũi hơn.
Ngoài ra, việc các em học sinh thử qua các công đoạn để làm ra bức tranh đồ họa, phác thảo chân dung hay in hình trên giấy truyền thống cũng là một cách thử cảm hứng cho học sinh.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, trưởng phòng chăm sóc khách hàng Trường phi công bay Việt, cho biết ngành phi công ngoài đam mê còn cần chính sức khỏe và chịu áp lực.
"Có nhiều học viên đáp ứng sức khỏe nhưng khi đào tạo một thời gian lại không chịu được đòi hỏi cao trong chuyên môn, nghiệp vụ lại bỏ ngang. Vì vậy chúng tôi đều tư vấn rõ chi tiết yêu cầu của từng môn học để học viên lường trước".
Bà Hằng nói thêm điều thú vị là những năm gần đây, thí sinh nữ đăng ký xét tuyển vào trường khá đông, chứng tỏ nữ giới không còn gói gọn trong các ngành truyền thống nữa.
Cũng theo bà Hằng, hiện nay tại trường có lớp bay trải nghiệm dành cho lứa tuổi từ 10 tuổi trở lên để truyền cảm hứng cho ai muốn học làm phi công. Lớp bay trải nghiệm nhưng chặng bay là thật, người trải nghiệm sẽ được ngồi cùng buồng lái với phi công.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ, cho biết từ năm nay trường bắt đầu đưa chương trình tiếng Anh quốc tế vào chương trình học của sinh viên. Theo đó, năm đầu tiên thay vì học các chương trình đại cương thì sinh viên sẽ học tiếng Anh theo chương trình Bending Bamboo, người học sẽ làm việc hiệu quả và thành thạo trong môi trường hội nhập quốc tế. Ngoài ra, sinh viên còn biết được ngữ pháp thông dụng về môi trường trong và ngoài nước.
"Giờ học theo lối mòn đã không còn cần thiết nữa, làm sao để sinh viên hiểu về thế giới bên ngoài nhiều hơn, hướng đến môi trường nhiều hơn, cải thiện năng lực làm việc và sáng tạo nhiều hơn mới là điều đáng quan tâm", thầy Xuân bày tỏ.
Ngoại hình có là tiêu chuẩn để xin việc?
Nhiều học sinh nữ thắc mắc thêm bây giờ ngoại hình có phải là tiêu chuẩn để xin việc? Thầy Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng hiện hầu hết các công ty không đặt tiêu chí ngoại hình lên hàng đầu (chỉ trừ các ngành đặc thù như du lịch, lễ tân, phát thanh viên truyền hình...). Khi tuyển ứng viên, nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên năng lực, khả năng thích ứng nghề nghiệp. Bởi nếu chọn ngoại hình thì nhà tuyển dụng vô tình hạn chế những người giỏi có năng lực vào công ty mình.
Hãy đồng hành cùng con
Ông Bùi Văn Là (huyện U Minh, Cà Mau) chưa có lựa chọn nghề nghiệp chính xác cho con mình. Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ đừng quá đặt áp lực vào con mà hãy đồng hành cùng con, từ đó sẽ nhận ra con mình thích gì, phù hợp với ngành nghề nào thì tư vấn, cả nhà cùng đóng góp theo hướng tích cực.
"Ngày nay không có ngành nào làm ít tiền hay không có ngành nào không xin việc được, điều cần thiết là niềm đam mê và năng lực tốt thì mới giỏi nghề và thành công", cô Mai nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận