01/12/2017 09:46 GMT+7

Chọn Hà Nội và TP.HCM làm đặc khu là thượng sách!

TS HUỲNH THẾ DU (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)
TS HUỲNH THẾ DU (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

TTO - Giờ đây, Việt Nam cần chọn chiến lược phát triển tập trung vào các trung tâm một cách rõ ràng, trong đó Hà Nội và TP.HCM nên có đặc khu kinh tế.

Chọn Hà Nội và TP.HCM làm đặc khu là thượng sách! - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm nối trung tâm TP.HCM bởi hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn - Ảnh: NAM TRẦN

Với bối cảnh và cấu trúc thể chế hiện tại, nên chọn vùng Thủ Thiêm (TP.HCM) và một nơi nào đó của Hà Nội (như khu công nghệ cao và vùng xung quanh chẳng hạn) vào danh sách các đặc khu kinh tế của cả nước để tạo ra những đột phá đúng nghĩa."

TS Huỳnh Thế Du

Nhìn từ kinh nghiệm phát triển của các nước, nhất là sự thần kỳ của Hàn Quốc và Trung Quốc gắn với sự phát triển của các đô thị trung tâm, thì chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam nên là công nghiệp hóa gắn liền đô thị hóa chứ không phải hiện đại hóa nông thôn. 

Nguồn lực nên được tập trung để vùng Hà Nội và TP.HCM trở thành các đô thị có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Nhìn ở một số góc độ, việc phát triển Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc có thể là cần thiết. Tuy nhiên, khi nhìn vào câu chuyện cạnh tranh toàn cầu giữa các quốc gia thì bản chất của nó chính là cuộc cạnh tranh giữa các đô thị trung tâm để thu hút các doanh nghiệp, người giỏi và người giàu có các lựa chọn toàn cầu.

Thêm vào đó, để đặc khu kinh tế có thể thành công thì vị trí nơi có thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ dày đặc là hết sức quan trọng.

Ví dụ, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc được chọn một cách chiến lược để phục vụ cho những thị trường rộng lớn trong nước và gần các đối tác tiềm năng như Hong Kong, Đài Loan, Macau nên đã gặt hái được sự thành công nhờ hội đủ các yếu tố trên.

Đối với ba đặc khu kinh tế đang được chọn, có thể có những nhân tố tiềm năng nhưng không hiển hiện bằng Hà Nội và TP.HCM. Hơn thế, nếu đặc khu ở Hà Nội và TP.HCM thành công thì có sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều.

Đây chính là cách mà Trung Quốc đã làm với các đô thị trọng yếu của họ mà cụ thể là Phố Đông của Thượng Hải cách đây hơn 20 năm và thành phố Hùng An cách Bắc Kinh 100km vừa được công bố đầu năm.

Sau một thập niên lựa chọn các đặc khu kinh tế khác, các lãnh đạo Trung Quốc đã sửa chữa sai lầm bằng cách chọn Phố Đông là dự án trọng điểm quốc gia với cơ chế của các đặc khu kinh tế mà sau này có những chính sách tiên phong hơn, như thông báo hoạt động thay vì đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chỉ sau hai thập kỷ, Phố Đông đã trở thành một khu đô thị phát triển với diện tích tương đương Hong Kong, dân số và thu ngân sách tương đương với Singapore. Tham vọng đối với thành phố Hùng An mới còn lớn hơn rất nhiều.

Nhìn một bức tranh rộng hơn thì trong mấy thập niên qua Trung Quốc đã ưu tiên các đô thị trung tâm phát triển, và chìa khóa cho gần bốn thập niên đạt được mức tăng trưởng chưa có trong lịch sử nhân loại đó chính là công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa rất thành công. 

Trước đó, Hàn Quốc cũng đã theo chiến lược này và hết sức thành công.

Những con số rất đáng suy ngẫm cho Việt Nam là dân số nông thôn của Hàn Quốc giai đoạn 1961-1990 đã giảm tuyệt đối 41%; và Trung Quốc giai đoạn 1978-2015 đã giảm tuyệt đối 23%; trong khi Việt Nam trong giai đoạn 1985-2016 đã tăng tuyệt đối 26% và hiện tại vẫn đang tăng.

TS HUỲNH THẾ DU (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp