Bốn đứa bạn gái chúng tôi ngồi cùng một bàn thời đại học, ra trường cùng sống ngay tại Sài Gòn này thế mà phải hẹn hò mãi mới có ít lần được đủ mặt 4 đứa. Nhiều lần trước xôm tụ nhất cũng chỉ có 3. Cái đứa hay lỗi hẹn nhất là Chi.
Không phải Chi bận bịu gì nhiều, cũng không phải Chi thờ ơ với bạn bè mà bởi việc ngồi cà phê tán dóc như thế, với Chi là một điều hết sức “xa xỉ”. Tất cả cũng bởi chồng Chi không muốn.
Không thể có bình đẳng nam nữ?
1. Chi lấy Hoàng, cũng là đứa bạn học cùng lớp với chúng tôi. Ngày xưa khi biết chuyện Chi và Hoàng yêu nhau, 3 đứa còn lại trong nhóm “mắt tròn mắt dẹt”. Hoàng từ ngày sinh viên đã là một nam sinh cá tính, tuy học khá giỏi nhưng ương ngạnh, nóng nảy và có vẻ rất… khó tính.
Nhóm chúng tôi có lần hỏi Chi: “Sao mày có thể yêu cái thằng Hoàng khó chịu ấy được?”. Chi chỉ cười giòn…
Ra trường, Chi và Hoàng có cuộc sống khá êm ấm. Chi vào làm cho một cơ quan nhà nước, một công việc hành chính. Ít gặp Chi nhưng qua những cuộc điện thoại hỏi thăm, chúng tôi biết Hoàng có công việc tốt khi làm giám đốc marketing cho tập đoàn đa quốc gia với mức lương khá cao.
Cộng với nhiều lần may mắn khi "lướt sóng" nhà đất, vợ chồng Chi sở hữu xe hơi, 3 căn nhà (một căn biệt thự để ở còn 2 căn nhà phố cho thuê với số tiền vài chục triệu đồng/tháng). Vợ chồng Chi có hai đứa con trai, đều được học ở những trường quốc tế.
Nhiều lần họp lớp nhưng không thấy vợ chồng Chi, tôi gọi điện nghe giọng Chi buồn buồn nói chồng thường đi công tác nên không đi họp lớp được. Hỏi Chi sao không đi một mình, Chi nói Hoàng không muốn Chi đi khi không có chồng bên cạnh, lại bỏ con ở nhà mà gặp bạn bè như thế không ổn.
Mỗi khi đám bạn tỏ vẻ ganh tị vì sự thành công của vợ chồng Chi, Chi lại thở dài.
Chi nói cô khốn khổ vì phải chiều chuộng và răm rắp nghe lời Hoàng. Đúng như đám con gái chúng tôi nhận xét, Hoàng là một người chồng gia trưởng. Cái cách mà Hoàng đối xử với vợ mình, luôn như quan điểm mà Hoàng từng tuyên bố: “Không bao giờ có chuyện bình đẳng nam nữ. Có những điều mà chỉ có đàn ông mới làm được!”.
Theo Chi, hầu hết mọi việc trong gia đình từ lớn chí bé Chi đều phải nghe theo sắp đặt của Hoàng: từ chuyện sơn nhà màu gì, mua salon, giường ngủ ra sao, con học trường nào, làm sinh nhật cho con ở đâu?... nếu Chi muốn không khí gia đình êm ấm. Bởi mỗi lần Chi làm trái ý là Hoàng lại lôi chuyện đó ra chỉ trích, nhiếc móc không tiếc lời.
Hoàng lúc nào cũng chỉ muốn Chi nghỉ việc, ở nhà toàn tâm toàn chí lo cho chồng con, tự tay nấu nướng, chăm sóc đưa đón con đi học chứ không phải “khoán hết” cho người giúp việc. Chi phải cương quyết lắm mới có thể đi làm.
Vợ chồng mà không chia sẻ với nhau thì không ổn nhưng mỗi lần kể cho chồng nghe xong thì Chi càng… ức chế hơn. Nghe vợ nói chuyện phải làm việc vất vả, căng thẳng lập tức Hoàng nói: “ngày mai nộp đơn nghỉ việc ngay, ở nhà chăm con cho chồng yên tâm đi làm!”.
Mọi chuyện chăm sóc, đưa đón con, chuyện học hành, thầy cô… đều mình Chi quán xuyến.
Nhà có người giúp việc nên Chi cũng không vất vả nhiều. Nhưng dù vậy, mỗi tối khi đi làm về, Hoàng đều muốn Chi phải trực tiếp dọn bàn, nấu nướng nêm nếm lại các món ăn cho Hoàng bởi “người làm nấu không hợp khẩu vị”.
Mỗi lần Chi bận hay mệt, không dọn bàn, pha nước, cắt trái cây tráng miệng cho Hoàng là y như rằng Hoàng bực bội. Buổi tối hôm đó 3 mẹ con cô nơm nớp sợ vì thế nào Hoàng cũng tìm cớ la mắng.
Chi tủi nhất là mỗi lần người giúp việc ốm, bận về quê là Chi lại tối tăm mặt mũi với việc nhà, đưa đón chăm sóc con. Hoàng không bao giờ phụ vợ những việc này bởi theo Hoàng, đó là “chuyện của đàn bà”.
Chuyện giao tế của Chi thì ôi thôi, Chi hầu như không còn được đi dự đám cưới, đám tiệc nào nếu Hoàng không thích và đi cùng. Với Hoàng, chuyện đàn bà có chồng mà còn tụ tập tiệc tùng, lấy cớ họp lớp này nọ là không được.
Chi rơm rớm nước mắt: “Nhiều lúc cũng thèm tụ tập với tụi bây, la cà mua sắm mà sợ Hoàng sẽ gầm lên, phá tung mọi thứ. Tao chỉ ước gì chồng mình biết chia sẻ, tôn trọng vợ thôi...”
Sẵn sàng hầu hạ nếu chồng giỏi?
2. Cô bạn thứ hai trong nhóm là Điệp thì ngược lại. Điệp có cá tính mạnh. Trong khi chúng tôi ra trường, chạy đôn chạy đáo xin việc khắp nơi thì Điệp được trường giữ lại làm trợ giảng, vài năm sau thì chính thức thành giảng viên.
Mới ra trường vài tháng thì chúng tôi nhận thiệp cưới của Điệp. Hiếu (chồng Điệp) là con của người bạn của bố Điệp nên cả hai đã yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Tốt nghiệp đại học xong, Hiếu chỉ làm nhân viên trong công ty của gia đình.
Sau khi lấy vợ, Hiếu cũng mở công ty riêng (nói công ty cho oai nhưng thực ra đó chỉ là một cửa hàng bán đồ nội thất) và công việc làm ăn chỉ bình bình. Thu nhập có thời điểm khá nhưng hầu hết là thấp so với nhu cầu chi tiêu của gia đình. Gia đình Điệp cũng phải phụ vợ chồng Điệp rất nhiều để nuôi con.
Đến khi con lớn chút, Điệp phải nhận đi giảng rất nhiều lớp bên ngoài để có thêm thu nhập bởi Hiếu ít khi đưa tiền cho cô. Mỗi khi Điệp hỏi, Hiếu lại nói cửa hàng buôn bán chán quá, chẳng lời lãi gì nhiều, đủ cho Hiếu chi tiêu lặt vặt cho gia đình thôi.
Hiếu rất yêu thương và chịu khó chăm sóc con cái thay Điệp mỗi khi Điệp bận đi giảng, có khi đi tỉnh hàng tuần.
Việc nhà thì hầu như Hiếu làm hết, kể cả đi chợ, nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa. Điệp chỉ đi dạy về rồi ăn cơm, phụ chồng một chút rồi nghỉ ngơi. Chuyện học hành, đưa đón con cái cũng đều do Hiếu hết. Nhưng thu nhập của gia đình, phần lớn từ việc đi giảng của Điệp.
Nhiều lúc cần nhưng khoản lớn để mua sắm cho gia đình, Điệp lại tủi thân bởi thu nhập của cô và chồng có chút dư dả nhưng chẳng bao nhiêu. Nhìn bạn bè có nhà lầu, xe hơi trong khi vợ chồng vẫn ở trong căn nhà nhỏ cha mẹ hai bên cho khi đám cưới, giờ xuống cấp nhiều cũng chỉ sửa chữa tạm, nhìn nhếch nhác, Điệp không khỏi chạnh lòng.
Muốn chồng khuếch trương làm ăn Điệp cũng không dám bởi cô không có vốn mà Hiếu thì cũng chẳng chí thú gì. Với Hiếu, cửa hàng thu nhập vài triệu/tháng thế là ổn rồi: "Thích thì mở bán, khi nào rảnh đóng cửa đi du lịch vài ngày cũng chẳng sao…".
Trong khi Chi tủi thân vì dù chồng giỏi kiếm tiền nhưng gia trưởng và không tôn trọng vợ thì Điệp lại nói chỉ ước gì chồng mình có chí phấn đấu, giỏi làm ăn dù bắt cô hầu hạ cơm nước giặt giũ thế nào cũng cam tâm.
Câu chuyện của hai người bạn của chúng tôi, phải chăng cũng là tâm sự của nhiều người phụ nữ?
Chuyên mục của bạn đọc Tuổi Trẻ Oline chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người về nỗi lòng của hai người phụ nữ trên. Người viết có thể phản hồi trong mục bình luận dưới bài viết hoặc gửi mail về địa chỉ: [email protected] |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận