Cuộc Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn thật ra là cuộc trao đổi giữa hai đại diện Nguyễn Ngọc Tư và Kim Young Ha sáng 14-11, tuy không dông dài nhưng có sức gợi để những ai quan tâm suy nghĩ về câu chuyện văn chương theo mạch diễn tiến của thời hội nhập.
Không nhằm nói những điều to tát, hai nhà văn khi tâm sự về việc viết hóa ra lại rất giống nhau. Ngọc Tư tâm sự về cách mình đã thu xếp “tối giản các mối quan hệ” để dành thời gian cho trang viết.
Cô đưa ra hình ảnh về mình: “Một người không biết làm gì ngoài viết sách. Một bà mẹ của hai đứa con trai. Cuộc đời loanh quanh gian bếp và phòng làm việc. Một đứa con xa xôi nhất của cha mẹ tôi, dù tôi có ngồi chung bữa cơm với họ thì cũng nằm ngoài tầm với. Một người bạn kém nhiệt tâm vì vướng mắc những ý tưởng sôi sục trong đầu. Và hết, tôi không còn gì để mô tả về mình”.
Kim Young Ha cũng bày tỏ sự đồng cảm: Nhà văn chính là người sáng tạo ra thế giới văn chương của họ. Bản thân họ thường cô đơn, nhưng thế giới mà họ sáng tạo phải đi vào lòng người.
Kim Young Ha khác Nguyễn Ngọc Tư ở chỗ anh viết về không gian đô thị, nhân vật thường là thị dân với nghệ thuật được nhà phê bình Kang Yujung gọi là “lạ hóa cái thường nhật”, và cái thường nhật ấy lắm khi “còn khiến người đọc cảm thấy kinh sợ hơn bất cứ cái thế giới hư cấu hỗn loạn nào”.
Trong khi đó, Ngọc Tư vẫn bày tỏ: Mình thích viết về nông dân hơn, mình ao ước xây dựng thành công nhân vật nông dân mà sang trọng, cũng như mong muốn đi vào nội tâm của nông dân nhiều hơn.
Trong tâm thế như vậy, cả hai nghĩ gì về các tác phẩm văn chương vượt biên giới để đến với những cộng đồng độc giả ở các quốc gia, ngôn ngữ khác?
Kim Young Ha cho biết sách của anh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng “phần lớn tôi đều thấy xa lạ. Chỉ khi sách tôi được dịch ở Việt Nam, tôi có cảm giác đặc biệt”.
Hóa ra, điều đặc biệt ấy lại bắt nguồn từ một câu chuyện riêng tư: lúc Kim Young Ha chào đời chưa bao lâu thì cha anh sang Việt Nam làm công tác hậu cần trong lúc cuộc chiến đang căng thẳng.
Cha của Kim Young Ha chụp nhiều hình về Việt Nam, trong đó hình ảnh con trâu bị trúng đạn chết nằm vắt ngang bờ ruộng lấm bùn gây cho anh ấn tượng lúc tuổi còn thơ về bạo lực chiến tranh. Bây giờ, những trang viết của anh được phần đông độc giả trẻ đón đọc.
Diễn viên Võ Sông Hương trong vai trò MC nhận ra cách đặt tên truyện của Kim Young Ha có vẻ... gay cấn: Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Hoa đen, Ðế quốc ánh sáng, Quỷ hút máu, Người khách cuối cùng, Ðiều gì xảy ra ai biết...
Và Kim Young Ha vui vẻ cho biết lý do là hiện nay mỗi ngày Hàn Quốc đón nhận khoảng 200 tập sách văn học xuất bản, “cho nên tôi phải nghĩ cái tên sách làm sao hút được cái nhìn của người đọc”. Những áp lực đòi hỏi nhà văn năng động như vậy quả là cần thiết khi chia sẻ ở Việt Nam.
Và Nguyễn Ngọc Tư, trong thế giới truyện thâm trầm của mình, đưa ra nhận định: “Lúc đầu nghĩ đến việc câu chuyện Cánh đồng bất tận về người nông dân quê mùa xó xỉnh của tôi được dịch sang tiếng Hàn cho bạn đọc Hàn Quốc, tôi thấy thật là kỳ diệu. Nhưng rồi tôi nhận ra những câu chuyện viết về con người sẽ còn đến với con người ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới, và tôi sớm muộn gì cũng đến chỗ đó thôi”.
Vâng, có thể hi vọng vào sự tự tin này cho một tương lai văn học Việt Nam và Hàn Quốc.
58/20 Từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 đến nay, chỉ kể tác phẩm văn chương và thống kê chưa đầy đủ, đã có 58 tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản ở Việt Nam và 20 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận