Thể dục vận động ngoài trời giúp trẻ khỏe mạnh, năng động hơn - Ảnh: TR.D
Chia sẻ ý kiến này đến chuyên mục nhân dịp đầu năm học, bạn đọc Huỳnh Thảo cho rằng có thể nhiều người sẽ nói làm như thế là chiều con, nhưng về lâu về dài sẽ có nhiều cái lợi.
Nhằm góc thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Huỳnh Thảo.
"Tôi đọc bài báo "" trên Tuổi Trẻ, trong đó có đề cập đến nguyên nhân thiếu vận động, thừa ăn uống.
Tôi muốn chia sẻ chút xíu về cách nuôi dạy con của mình. Đó là sau mỗi buổi chiều đến trường đón con về, dù bận rộn cỡ nào tôi cũng cho con chơi các trò chơi trong sân trường như xích đu, cầu trượt, đoàn tàu...
Ngồi trong sân trường, tôi chứng kiến có nhiều phụ huynh không đồng ý cho con chơi hay dọa nạt, thậm chí có phụ huynh bỏ về để con khóc lóc, ấm ức chạy theo.
Có thể là phụ huynh bận việc hay không kiên nhẫn để chờ con ngồi chơi như thế. Nhưng ngay cả khi ngồi ở sân trường cũng là cách để tôi thư giãn, hít thở hay vui đùa cùng con sau một ngày đi làm.
Khi con gái tôi có mẹ cùng tham gia các trò chơi như đuổi bắt hay đẩy xích đu, đoàn tàu cho con, tôi thấy con rất vui và hào hứng. Con thích trò chuyện, hay tò mò và thích thú với những điều mới mẻ, điều gì cũng hay hỏi lại người lớn đến khi hết thắc mắc nữa thì thôi.
Quả thật từ lúc con còn sơ sinh đến nay hơn 4 tuổi, tôi chưa từng nghe ai khen con mình mũm mĩm quá. Thỉnh thoảng, tôi nghe vài người hàng xóm hay người thân hay so sánh con tôi với những đứa trẻ bằng tuổi nội dung đại loại con tôi không có da có thịt bằng những đứa trẻ ấy.
Nhưng đến nay thì hầu như ai cũng thay đổi cách đổi chuyển sang, ồ, con bé của tôi cao hơn mấy đứa bạn.
Lúc con còn nhỏ, tôi cũng từng bị áp lực "nuôi con không bằng người ta" nên nhiều khi nổi cáu hay la hét lúc cho con ăn. Con ăn không hết tô là tôi bắt đầu cảm thấy không vui, ép con ăn cho hết.
Hậu quả nhiều lúc vừa nuốt xong muỗng cuối cùng, con lại nôn ra hết, công sức cho ăn trở nên công cốc. Sau đó, tôi ngẫm lại ngay chính cả bản thân mình là người lớn, nếu trong bữa ăn có ai đó nói nặng nhẹ gì thì mình đã không vui, ăn không ngon. Huống hồ gì con lại hứng chịu những lời la mắng suốt bữa ăn thì nuốt sao nổi.
Đồ họa: Tấn Đạt
Tôi bỏ qua những lời người khác hỏi: "Mỗi bữa có ăn hết tô không?", khi con nói không muốn ăn nữa, tôi liền dọn xuống. Những lúc như vậy, không còn cảnh con nước mắt ngắn dài mà tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng nữa. Đến bữa ăn sau, con lại vui vẻ, háo hức, có hôm con lại hối mẹ mau dọn cơm cho con ăn món mới mẹ nấu. Bữa ăn của con luôn ít thịt, nhiều rau củ quả và hải sản.
Sau bữa ăn, nếu hôm ấy con không được chơi ở sân trường, tôi sẽ sắp xếp ưu tiên cho con xuống Quảng trường hay công viên để con cùng đi dạo trong không gian rộng lớn để hít thở, vận động.
Sau mỗi chuyến đi như vậy, trước khi đi ngủ, tôi lại gợi chuyện cho con kể về một ngày của mình, về những con người, con vật, cây cối hay sự việc diễn ra. Con sẽ kể theo trí nhớ của mình, sau đó tôi giúp con sắp xếp lại câu chuyện theo thứ tự đã diễn ra.
Đến nay, con tôi cũng không mũm mĩm, nhưng bù lại con thuộc nhóm cao trong lớp, nhanh nhẹn, con biết nhiều sự việc, con vật. Đợt nghỉ lễ 2.9 vừa rồi, cho con về quê chơi, buổi sáng ngủ dậy, con xin mẹ ra sân nhà tập thể dục.
Tôi đùa với con rằng, con chạy năm vòng quanh sân nhà cho mẹ nha. Trong sân nhà có ánh nắng mặt trời sớm mai, con chạy hết năm vòng rồi còn đứng tập cả bài thể dục cô dạy trên trường.
Con yêu thích vận động nên tôi thích dẫn con theo đến các điểm vui chơi mà con không hề đòi mẹ phải cho xem ipad hay điện thoại. Có lần, cả nhà đi du lịch ở phố cổ Hội An, trong khi tôi đã mỏi nhừ chân thì con vẫn háo hức đi bộ phía trước hối mẹ đi theo.
Tôi nghĩ để hạn chế con bị béo phí hay vùi đầu vào ti vi, ipad, điện thoại..., phụ huynh hãy kiên nhẫn cho con vận động, tham gia các trò chơi. Nếu không có thời gian, thì chỉ cần 5 - 10 phút cùng con chơi ở sân trường là đã tạo điều kiện cho con vận động rồi".
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Về phần mình, bạn có thích chơi đùa cùng con hay để con tự lập? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần BÌNH LUẬN sau bài viết hoặc gởi email về địa chỉ: [email protected]; [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận