17/01/2025 11:56 GMT+7

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa

Ngày nay cuộc sống đủ đầy hơn, mọi người chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết. Chơi Tết nay lại nhớ về Tết xưa. Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu... cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ về Tết xưa và Tết nay.

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 1.

Bạn trẻ ở quận 3, TP.HCM bài trí không gian tươi sáng để đón xuân nhiều may mắn - Ảnh: YẾN TRINH

Tết nay có thể học Tết xưa để văn minh hơn

Lứa sinh năm 1977 chúng tôi được sinh ra sau khi đất nước thống nhất vài năm và lớn lên trong thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn. Dù vậy bố mẹ cũng cố gắng để cả nhà có một cái Tết tươm tất nhất có thể.

Tôi vẫn nhớ căn nhà cũ có căn bếp ngăn đôi, một ngăn làm chuồng lợn. Bố mẹ nuôi lợn rất mát tay, cuối năm bán được rất nhiều tiền xu quấn trong giấy xi măng bọc hai đầu như một cái kẹo dài, tôi ngồi cùng mẹ đếm tiền thích ơi là thích. Dù vậy mẹ vẫn không quên giữ lại cái chân giò, tai, ít lòng để làm đồ Tết khỏi phải mua.

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 2.

Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải

Nhớ nhất cảnh mẹ ngồi làm giò xào, con ngồi bên thỉnh thoảng lại bốc cái này cái kia ăn.

Bố ngồi gói bánh, mẹ lau lá dong. Tụi trẻ con chỉ mong dư chút gạo, chút đỗ... để gói chiếc bánh chưng con con cho riêng mình.

Xong xuôi mới cho hết vào thùng tôn hoa gò ở Hàng Thiếc rồi nổi lửa. Bếp củi lửa nồng đượm, bập bùng ấm áp.

Trên là nồi nước lá mùi để tắm tẩy trần. Sáng ra mở mắt, hai anh em đã có hai chiếc bánh chưng để ăn.

Sau đó được bố đèo đi chợ hoa Hàng Lược mua cây quất nhỏ nhỏ hoặc hôm nào bố mà hứng chí thì chở đi tận chợ Quảng Bá chọn cây, chọn quất.

Nhưng khoái nhất là được bố mẹ chở đến hiệu may Đức Hạnh nổi tiếng - chuyên bán và may đo quần áo cho trẻ em duy nhất còn sót lại từ thời Pháp ở phố Hàng Trống - để mua hai bộ quần áo mới. Úi giời ơi sướng!

Hà Nội ngày đó có một lò chuyên nướng bánh ở đầu Cầu Gỗ, các bà các mẹ mang bột, trứng, đường ra đó để nướng.

Đầu tháng chạp, mẹ tôi thường đến đó nướng bánh sampa để dành tới Tết. Mẹ cho bánh vào túi giấy xi măng cột lại, đặt vào một hộp lương khô bằng sắt tây, lót một ít vôi ở dưới hộp để giữ ẩm rồi đậy nắp vào. Hai anh em vào bốc một cái ra bốc một cái. Chẳng mấy chốc hết sạch.

Thời bao cấp khó khăn nhưng mẹ vẫn cắm một lọ hoa ngày Tết, 2-3 bông lay ơn, 5 bông thược dược, một bó violet và hoa cánh bướm điểm xung quanh. Ngoài ra còn có một bình hoa đồng tiền đơn khoảng chục bông, thêm vài cái lá đặt ở bàn khách. Đó là dịp duy nhất trong năm tôi mới thấy trong nhà có hoa.

Giữa bàn bày một hộp mứt, bánh các thứ. Không có hạt hướng dương như giờ mà chỉ có hạt dưa, hạt bí mà ăn xong đỏ loét hết cả miệng. Cúng giao thừa cũng đơn giản: con gà, đĩa xôi trắng, chút rượu.

Ký ức Tết phập phồng tươi nguyên từ những câu chuyện nhỏ nhỏ như thế nhưng cả đời không quên được. Và chỉ có Tết lũ trẻ con mới được ăn những món ăn mà cả năm không được ăn như canh bóng, canh măng, giò xào, gà luộc.

Tết còn được tiền mừng tuổi. Không phải tiền giấy mà tiền xu. Hồi đó người ta mừng tuổi tượng trưng và lấy may nhưng vui. Trẻ con góp lại ra Tết mua vở mua bút ở nhà sách Hồng Hà.

Hà Nội những ngày Tết thưa thớt, vắng vẻ. Người đi trên đường không quen biết nhưng vẫn chào nhau, chúc mừng năm mới. Đường phố lác đác đâu đây tiếng pháo nổ râm ran, mùi pháo xộc lên vẫn còn chất đầy trong trí nhớ. Lại còn có âm nhạc rộn ràng của ban nhạc ABBA, Modern Talking, Boney M...

Giờ đời sống khấm khá lên, đủ đầy. Thích ăn gì thì nấu. Thèm gì thì ăn. Cũng không còn mất ngủ hồi hộp cả đêm chờ trời sáng để bố mẹ chở đi mua quần áo mới. Không còn cảm giác háo hức như xưa nữa. Mẹ tôi gác chảo không làm mứt mấy năm nay rồi.

Mọi thứ cứ vồi vội. Tôi tiếc cho trẻ con, không được sống trong không khí mà chúng tôi đã sống trải. Nhưng biết sao được. Dù vậy Tết nay ta vẫn có thể "học" được những nét đẹp của Tết xưa để đón một cái Tết văn minh hơn, văn hóa hơn.

Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải

Giữ mãi món bì ngày Tết của má

Trong ký ức của nghệ sĩ Lệ Thủy, Tết xưa của bà cực trần thân nhưng vui và hạnh phúc không thể nào quên.

Nhà nghèo, con đông (tới tám người con) nên Tết tới má của bà phải gói ghém để có cái Tết chu toàn. Tất cả mọi thứ bà đều tự làm.

20 tháng chạp trở đi là cái sân nhỏ ở vùng quê nghèo chộn rộn đủ thứ.

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Lệ Thủy

Chuối sứ bà ép phơi khô, gừng mua về gọt vỏ, một phần làm mứt một phần xắt nhỏ cùng với chuối làm món chuối xào gừng, bỏ thêm đậu phộng dậy mùi thơm nức.

"Tiền không nhiều nên má mua loại gừng xấu không được củ tròn, bự nên mỗi lần còng lưng ngồi gọt vỏ chị em tui cực gần chết.

Cái công đoạn ngồi xăm từng củ làm mứt cũng mỏi tay lắm. Rồi má còn làm mứt vỏ bưởi, mứt tắc, mứt dừa... Ôi thôi, mấy chị em được huy động theo má làm phụ.

Mấy ngày cận Tết rộn ràng, cực nhưng vui lắm vì cảm giác cả năm mới được ăn nhiều món ăn ngon, được mặc đồ mới nó sung sướng, hạnh phúc lắm" - nghệ sĩ Lệ Thủy xúc động nhớ lại.

Đặc biệt có một món nhà bà không bao giờ thiếu là bì. Má mua thịt heo về luộc, lạng mỡ lấy da, khìa thịt, xắt nhỏ. Sau đó trộn với thính, xốt, rồi má bó thật chặt như gói bánh tét.

Hồi xưa không có tủ lạnh nên cột nhà ngày Tết của Lệ Thủy treo đầy bánh tét, bì gói. Ba ngày Tết lúc nào cũng có món bì để ăn cùng rau sống.

Sau này khi lên Sài Gòn sống, dù cô đào Lệ Thủy đi hát có tiền nhưng cứ tới Tết má của bà vẫn lụi hụi tự làm tất cả mọi thứ, bà biểu tự làm ăn vẫn ngon hơn.

Đến bây giờ dù bận rộn nhiều việc và lịch diễn Tết nhiều hơn nhưng trước Tết lúc nào Lệ Thủy cũng bày ra tự làm món bì, ới các em qua nhà phụ một tay, vẫn giữ y công thức của má ngày nào.

Bà làm rất nhiều không chỉ cho gia đình mà còn chia cho em cháu, người thân. Giữ truyền thống tự làm bì và một số món mứt khác là cách Lệ Thủy nhớ về những cái Tết đẹp đẽ trong ký ức, nhớ đến mùi Tết quê xưa, nhớ đến bóng mẹ tảo tần khi xuân về.

Nhớ đống lửa ấm cuối năm

Tết xưa của Thanh Nam là những cái Tết khá lặng lẽ. Ba ông mất sớm, mẹ đi làm mướn xa nên sáu anh em ông sống cùng bà ngoại ở Cái Răng, Cần Thơ. Ông nhớ hồi đó chiến tranh nên cuộc sống bất an. Mấy ngày Tết ngừng bắn thì bà con mới tranh thủ sửa soạn Tết.

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Thanh Nam và gia đình

Nhà nghèo nên tới Tết được chia chừng giạ lúa, vài ký thịt heo... Ngoại tận dụng những gì có được để lo cho bầy cháu có cái ăn Tết với người ta.

Hồi đó không hiểu sao cứ tới Tết trời rất lạnh, không có tiền mua áo ấm nên ngoại gom vỏ dừa khô, củi khô đốt giữa sân.

Bà cháu ngồi đó vừa hơ cho ấm vừa nướng bánh tráng phồng ăn. Tết không rình rang như ai nhưng ấm áp.

Tới chừng Thanh Nam theo gánh hát thì Tết là mùa ông thích nhất vì được hát đã đời, mỗi ngày 2 - 3 suất, vừa kiếm được tiền lo cho gia đình.

Đến nay khi đã là nghệ sĩ nổi tiếng thì Tết với Thanh Nam vẫn là nơi lưu giữ những ký ức đẹp. Ông dành nhiều thời gian bên gia đình. Nhiều món ăn trong nhà tự làm để giữ được hương vị quê xưa như củ kiệu.

Đặc biệt năm nào cũng vậy, Thanh Nam luôn "giành" phần nấu món thịt kho hột vịt. Chính tay ông lựa thịt, gồm thịt đùi trước, thịt ba rọi, thịt nọng.

Tự tay ông xắt thịt, ướp gia vị rồi ngồi canh nồi thịt mấy tiếng, món thịt nấu với nước dừa, chăm chút hớt bọt từng chút một để lửa riu riu tới chừng thịt rịu, thơm nồng cả gian bếp ông mới vừa ý.

Cái món thịt kho trứng đơn giản đó làm ông nhớ tới hình ảnh bầy nhỏ nương náu nhà ngoại năm nào, cứ tới Tết cắm đầu cắn miếng thịt kho ngập mỡ mà mắt cứ rạng rỡ, sung sướng. Tết đọng lại trong từng khoảnh khắc khiến cả đời ta cứ rưng rưng...

Đừng để Tết là áp lực

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 5.

Tết nay vẫn giữ được nét đẹp truyền thống nhưng không để Tết là áp lực về chuyện dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa, nấu nướng. Tôi thấy quan điểm này hay.

Giao thừa ngày xưa yên ắng, thấy rõ được thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới rõ ràng, rất thiêng liêng. Còn bây giờ người dân mở nhạc xuân suốt, khiến Tết xưa phôi phai phần nào.

Trẻ con không còn chờ Tết giống ngày xưa, không còn lãng mạn, không mong được gặp ông bà lì xì nữa. Trước đây tôi và chồng thường đi viếng 10 chùa sau khi cúng giao thừa. Bây giờ đi chùa sau giao thừa náo nhiệt quá. Tôi mong sao Tết nay giữ được sự trang nghiêm.

Nghệ sĩ Kim Xuân

Tết là phải sum vầy

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 6.

Tôi lớn lên khi đất nước còn chiến tranh chia cắt. Gia đình tôi sống ở Quảng Bình, cứ đến giao thừa ba mẹ các anh chị em tôi tập hợp trong gian nhà chính để cùng trò chuyện rồi được bà ngoại, ba mẹ chúc Tết... ấm áp vô cùng.

Ngày nay đại gia đình tôi cũng vẫn giữ nếp sống ấy. Chúng tôi sống quây quần, tụ họp cùng nhau đón Tết. Tôi nghĩ Tết xưa hay Tết nay thì sự sum vầy luôn được đặt lên hàng đầu. Đó chính là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong

Nhớ những cái Tết ngụp lặn sông quê

Mỗi lần Tết tới, Quyền Linh hay về quê đứng bần thần ở mé sông, nhìn từng ngọn dừa hay tiếng lao chao ở những bụi bờ mà nhớ tới những mùa xuân cũ. Hồi đó cứ trường cho nghỉ học là cậu bé Quyền Linh phải lao vào kiếm tiền để mong kịp có cái gì đó cho gia đình ăn Tết.

Mỗi ngày cứ 4h sáng là anh lặn hụp dưới sông để bắt tôm đem ra chợ bán, tôm núp trong kẹt dừa nước, tôm trốn trong bụi cỏ ven sông đừng mong thoát khỏi tay "thuồng luồng" Quyền Linh.

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 7.

Nghệ sĩ Quyền Linh

Rồi anh leo dừa mướn dọn cây cho người ta, ra ruộng dọn sạch rơm rạ chuẩn bị cho mùa mới.

Việc gì có tiền Quyền Linh nhận làm hết, anh làm từ mờ sáng tới tối mịt vì sợ không có tiền để kịp Tết.

Sau những ngày vất vả, thời khắc hạnh phúc nhất của anh em Quyền Linh là ba ngày Tết có thể ăn món thịt kho hột vịt đã đời.

Thời còn được đốt pháo, nhà anh cũng ráng mua được phong pháo tiểu đốt lép bép nghe vui tai. Nhà ở sâu trong ruộng nên Tết tới tụi nhỏ cũng mong ngóng để được chạy ra đình coi múa lân.

Rồi chạy loanh quanh trong xóm chúc Tết ông bà, hàng xóm, sà vào chơi bầu cua cá cọp…

Giờ cuộc sống khá hơn và trở thành người nổi tiếng, đôi lúc Quyền Linh bật cười không hiểu sao hồi nhỏ mình có thể ăn thịt kho hột vịt nhiều đến thế, giờ lại ngại vì sợ… mập!

Thời đại đã khác nên ăn Tết nay chắc chắn cũng khác xưa nhưng Quyền Linh cho biết vợ chồng anh cũng ráng giữ những phong tục tốt đẹp ngày Tết không chỉ để cho mình mà còn để cho con.

Bởi với anh, ký ức Tết xưa dù vất vả nhưng luôn đẹp. Ăn Tết không chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp trong mấy ngày xuân mà còn là thời gian để người ta ngẫm nghĩ, nhớ về những điều dung dị nhưng thấm sâu và da diết khi xuân về.

Buýt tour để du xuân truyền thống

Thời xưa người Việt đã có xu hướng tham gia các hoạt động ngoài trời qua việc tổ chức các hội xuân, hội làng với nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, đấu vật, đối thơ...

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 8.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Thành Lộc

Xu hướng đi du xuân trong dịp Tết cũng xuất hiện từ lâu trong nếp sống, tâm tưởng. Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ thấy rất rõ điều này.

Việc đi du xuân thời xưa cũng giống như chuyện đi du lịch xa trong dịp Tết thời nay. Ví dụ, đi đến các ngôi chùa linh thiêng ở nhiều nơi để cầu tài, hái lộc đầu năm cũng là một hình thức du xuân.

Ngày nay có thể người Việt sẽ có thêm nhiều cách chơi xuân khác nhau nhưng hầu như vẫn đảm bảo các nhu cầu thưởng ngoạn, giải trí lành mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Thành Lộc cho rằng: "Việc lựa chọn đi chơi Tết như thế nào còn tùy thuộc vào nhu cầu. Người trẻ hôm nay có thể đi đến một ngôi chùa để viếng ông bà, tổ tiên, hái lộc hoặc đơn giản là chỉ chụp hình check-in.

Vẫn cần tuyên truyền, quảng bá để người trẻ biết được thêm nhiều thú chơi Tết đặc sắc.

Ví dụ một số KOL, người nổi tiếng có thể đề xuất danh sách những ngôi chùa mà họ thường thăm thú mỗi dịp Tết lên mạng xã hội. Các địa điểm văn hóa cũng cần tăng cường các hoạt động thực sự thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Việc tận dụng tài nguyên sẵn có, thúc đẩy người dân tìm về với văn hóa truyền thống cũng đáng lưu tâm.

Như dùng buýt tour để khám phá các địa điểm văn hóa đặc sắc ở TP.HCM miễn phí trong dịp Tết. Hay các đình, miếu có thể kết hợp tổ chức, lan tỏa các hoạt động trình diễn, tái hiện những giá trị văn hóa đẹp ngay tại đây như lễ hội kỳ yên, hát bội dịp đầu xuân...

Khó quên Tết xưa

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Hạnh

Quê tôi ở Bình Định, mỗi dịp Tết tôi lại về thăm quê. Phong tục Tết xưa ở miền Trung rất đậm đà, là những ngày thiêng liêng, đọng lại trong ký ức khó phai. Thường mọi người sẽ cúng giao thừa ở đình, sau đó mới về cúng ở nhà.

Bây giờ xã hội hiện đại, nhiều phong tục không còn hoặc ít thấy. Tết của người trẻ ngày nay rất khác do không được người xưa truyền lại kinh nghiệm. Nhưng Tết ngày nay không làm mất nhiều thời gian như Tết xưa, cũng phù hợp, giao thừa có thể đi xem pháo hoa.

Ông Nguyễn Hạnh (phó tổng biên tập tạp chí Xưa Và Nay)

Thích đến Tết để gần gia đình

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 9.

Hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa

Hoa rất thích Tết, ngày xưa mong Tết đến thật sớm để có thể nhận được lì xì của gia đình và người thân. Còn bây giờ Hoa mong đến Tết vì chỉ có dịp Tết mới có nhiều thời gian ở bên người thân.

Mùng 1 Tết, cả nhà đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Đến giờ gia đình Hoa vẫn giữ truyền thống này. Ngày còn thơ Hoa cảm thấy Tết trải qua rất lâu, còn bây giờ một tuần về quê ăn Tết diễn ra rất nhanh.

Miss Universe Vietnam 2023 Bùi Quỳnh Hoa

Tìm thú chơi Tết giản dị

Trong tâm niệm của người Việt xưa, giá trị của sự đoàn viên, tình thân luôn quan trọng. Dịp đầu năm họ thường quay về nhà ở bên gia đình để tạo sợi dây kết nối với người thân và tiện việc cúng bái, tưởng nhớ tổ tiên.

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 10.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn

Ở Huế ngày trước, vào những buổi tối đoàn viên dịp đầu xuân gia đình thường quây quần chơi xăm hường, đánh bài tới, đua ngựa.

Những hoạt động này lành mạnh, mang ý nghĩa cầu may mắn, sự đỗ đạt, thành công...

Đi chùa hái lộc cũng là thú chơi Tết bao năm nay của người Việt.

Việc đi chùa khi xưa xuất phát từ tâm, chứ không nặng nề, trọng hình thức như một số câu chuyện biến tướng trong văn hóa đi chùa hiện nay.

Một số người sợ Tết cũng một phần là vì thấy Tết không còn những hoạt động lành mạnh như xưa.

Để có thể tận hưởng một cái Tết ý nghĩa, ta nên tìm lại những thú chơi Tết xuất phát từ điều giản dị, quay về với cái bên trong.

Lựa chọn nào đi chăng nữa, mỗi dịp Tết đến ta luôn cần có sự ấm cúng của gia đình, tình thân; niềm vui và hy vọng cho một năm mới tốt đẹp.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn

'Chơi' Tết nay nhớ về Tết xưa - Ảnh 13.Cho tôi một vé về Tết xưa

Có phải chỉ khi ta còn là đứa trẻ mới có thể cảm nhận và viết ra một khái niệm “Tết đến, Xuân về!” là đẹp nhất, tròn trịa nhất. Khoảng ký ức ấy như một bức tranh mà khi trưởng thành ta mới biết đó là bức tranh quý giá, đẹp đẽ và hạnh phúc nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp