01/08/2017 09:34 GMT+7

Chơi sang ở 'thánh đường' nhưng chỉ bán được vài vé

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Đưa các vở diễn chất lượng cao vào biểu diễn tại 'thánh đường' Nhà hát lớn Hà Nội từ cuối năm 2016 đã đem đến cho nghệ sĩ biết bao niềm vui khi có cơ hội được 'chơi sang', nhưng có suất diễn chỉ bán được vài vé.

*** Error ***
Khán giả đến xem các vở diễn “chơi sang” tại Nhà hát lớn Hà Nội phần đông là khán giả vé mời. Trong ảnh: khán giả xem vở tuồng Hồ Quý Ly của Nhà hát Tuồng Việt Nam - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

“Về lâu dài, đây vẫn là bài toán có lời giải đầy khó khăn đặt ra cho mỗi nhà hát

Ông Trương Nhuận (nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)

Từ ngày 5-8 này, Nhà hát lớn Hà Nội lại tiếp tục sáng đèn với các đêm kịch chất lượng cao mang tên Những vở kịch còn mãi với thời gian.

Tính cả đợt tháng 8-2017 có đến gần 40 suất diễn đủ các loại hình nghệ thuật được diễn ở “thánh đường nghệ thuật” này.

Có đêm chỉ bán vài vé

Trước mỗi đợt biểu diễn, nghệ sĩ các nhà hát luôn đầy niềm hứng khởi, tất bật luyện tập, chuốt lại vai diễn với mong muốn có đêm diễn tỏa sáng, vì không phải lúc nào cũng có cơ hội biểu diễn tại đây.

“Nàng dâu” Bảo Thanh (trong phim Sống chung với mẹ chồng) chia sẻ cô rất vui vì dịp này được tham gia những 3 vai trong 3 vở diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ...

“Vẫn là những thăng hoa trong nghệ thuật nhưng thăng hoa khi được diễn tại Nhà hát lớn có nhiều khác lạ lắm!” - Bảo Thanh hào hứng nói. Thế nhưng, vẫn còn đó bao trăn trở khi “tằm rút ruột nhả tơ” mà khán giả ít ngó ngàng.

Tháng 5 vừa qua, nhiều đêm diễn kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương) tại Nhà hát lớn đã rất nhọc nhằn chuyện bán vé.

Khi hỏi đến chuyện này, gần như lãnh đạo nhà hát nào cũng lắc đầu, bảo rất khó.

Khó vì rõ ràng đã rút kinh nghiệm (đợt biểu diễn đầu tiên vào cuối năm 2016 khách vắng vẻ) bằng việc giảm giá vé đến 50% (cao nhất là 500.000 đồng/vé) mà khán giả vẫn ngó lơ.

Thêm nữa, nếu năm ngoái các nhà hát chỉ lo tập vở thì năm nay phải chung tay phát hành vé cùng Nhà hát lớn.

Cố gắng huy động nguồn khán giả thân thiết, các mối quan hệ nhưng lượng vé bán ra của các đêm diễn không được bao nhiêu.

Nhà hát lớn có gần 600 chỗ nhưng suất bán được nhiều nhất chừng 100 vé một vài đêm, còn phần lớn là vài chục vé, thậm chí có đêm được vài vé.

Nhưng đêm diễn không thể vắng khán giả, 300 chỗ ở tầng 1 của nhà hát luôn kín những mái đầu bạc - phần lớn là khán giả vé mời!

“Hai đêm diễn vở Nữ tướng Đào Tam Xuân Hồ Quý Ly của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Nhà hát lớn hồi tháng 5 vừa qua đều kín khán giả, nhưng hầu như là khán giả vé mời.

Không phải là nhà hát không cố gắng phát hành vé mà vì lâu nay khán giả không muốn mua vé vào rạp” - ông Phạm Ngọc Tuấn, giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, chia sẻ.

Với kịch nói, việc phát hành vé có phần dễ dàng hơn, song cũng chỉ với lượng vé khiêm tốn, đủ lấy thu bù chi (theo quy định của Nhà nước).

Khán giả mua vé phần nhiều là từ những mối quan hệ cá nhân chứ khách vãng lai hay tin đến mua vé gần như không có.

Vở kịch Vòng phấn Kavkaz của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ mở màn chương trình Những vở kịch còn mãi với thời gian tại Nhà hát lớn Hà Nội trong tháng 8 này - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Vở kịch Vòng phấn Kavkaz của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ mở màn chương trình Những vở kịch còn mãi với thời gian tại Nhà hát lớn Hà Nội trong tháng 8 này - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Vắng đến bao giờ?

Ngay tại buổi gặp gỡ báo chí trước chương trình biểu diễn tháng 8 này, các nhà hát kịch chỉ có thể chia sẻ chung chung rằng: các nhà hát biểu diễn ở Nhà hát lớn là để quảng bá thương hiệu chứ không phải vì mục đích kiếm tiền. Và các đơn vị dựa vào nhau để làm.

Theo đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn, chương trình sẽ được tiếp tục triển khai vì đây là chủ trương có tính đột phá, việc duy trì các đợt biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát lớn Hà Nội là chưa từng có tiền lệ.

Nhưng “chơi sang” mà vắng khán giả (chịu bỏ tiền mua vé) thì thật uổng. Vì thế, lãnh đạo các nhà hát kịch đều cho rằng ở đây vẫn có những điểm vướng.

Theo ông Nguyễn Thế Vinh - giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cơ chế thực hiện chủ trương này chưa rõ ràng.

“Việc tổ chức biểu diễn đúng là cần phối hợp giữa nhiều đơn vị nhưng phải tập trung về một mối, không nên chia tỉ lệ để rồi “cha chung không ai khóc”.

Nhiều nhà hát có khả năng tổ chức biểu diễn thì nên để nhà hát đó chủ động bán vé. Bồi dưỡng theo doanh thu mới tăng tính cạnh tranh cũng như thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật hăng hái xắn tay lo việc” - ông Vinh nhấn mạnh.

Hẳn nhiên không thể cào bằng giữa loại hình kịch nói và kịch hát dân tộc hay giữa dàn nhạc giao hưởng, vũ kịch với ca múa nhạc đương đại.

“Kịch hát dân tộc rất khó có thể bán vé để lấy đó bù cho chi phí biểu diễn, nhất là chi phí cho nơi được gọi là thánh đường nghệ thuật như Nhà hát lớn Hà Nội.

Vậy nên, bộ cần có những cơ chế điều chỉnh hợp lý cho riêng kịch hát dân tộc khi tạo cơ hội cho chúng tôi được “chơi sang”!” - NSƯT Thanh Ngoan, giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, đề xuất.

Trong khi đó, đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng tỉ lệ các chương trình, vở diễn bán vé chưa nhiều vì thói quen đến nhà hát bằng giấy mời vẫn còn hiện hữu trong khán giả Hà Nội.

Ngược lại, về phía các đơn vị nghệ thuật cũng cần thời gian để thay đổi tư duy sáng tạo nghệ thuật chủ quan, theo kế hoạch kiểu bao cấp, đặt hàng của cấp trên bằng lối tư duy xây dựng chương trình vở diễn hướng về khán giả.

Lùi chương trình đón khách du lịch sang tháng 9

Bà Minh Nguyệt - giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội - cho hay năm 2016 có 14 đêm diễn, việc bán vé các đêm diễn có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Doanh thu bán vé đủ để bù đắp chi phí các đêm diễn. Năm 2017, đợt biểu diễn hồi tháng 5 tuy số vé bán ra cho khách vãng lai tăng chút đỉnh song vì số lượng doanh nghiệp hỗ trợ giảm nên phải cố gắng duy trì.

Bà Minh Nguyệt cho biết chương trình mở cửa Nhà hát lớn Hà Nội đón khách du lịch vào cuối tuần được lùi sang tháng 9.

Hiện nhà hát đang trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt dự án. Theo đó, khi đi vào hoạt động thí điểm (trong năm 2017), du khách sẽ được tham quan kiến trúc nhà hát và các chương trình nghệ thuật đặc sắc.

11 vở kịch trong tháng 8

Chương trình Những vở kịch còn mãi với thời gian được Nhà hát lớn Hà Nội giới thiệu tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 31-7 có 11 vở kịch với 12 suất diễn lúc 20h. Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ mở màn tháng kịch với ba vở Vòng phấn Kavkaz, Ai là thủ phạm, Công lý không gục ngã (ngày 5, 6 và 7-8).

Tiếp đó là các nhà hát: Nhà hát Kịch Hà Nội với Cát bụi, Điện thoại di độngBỉ vỏ;

Nhà hát Kịch Việt Nam với Kiều, Lão hà tiện;

Đoàn kịch nói Công an nhân dân với Bão của hoàng hôn, Quyết đấu giữa sương mù;

Đoàn kịch nói Quân đội với Dưới cát là nước.

Ngoài ra, trong tháng 8 này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn vở ballet Mối tình thành cổ (20h ngày 24-8) theo chương trình của bộ.

“Trong số đó, các nhà hát trực thuộc bộ phải chi trả kinh phí thuê rạp tối thiểu là 30 triệu đồng/đêm, từ nguồn kinh phí bộ cấp.

Còn 3 nhà hát không thuộc bộ thì được mời đến biểu diễn miễn phí” - bà Minh Nguyệt cho biết. Vé các đêm diễn có mức giá 200.000, 400.000 và 700.000 đồng.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp