Lễ hội Tapati lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1969 với tên gọi là Semana de Rapa Nui nhằm quảng bá du lịch trên đảo Phục Sinh. Vào thời điểm đó, lễ hội thường diễn ra vào mùa hè với những màn ca hát, nhảy múa và một cuộc diễu hành nhỏ.
Dần dần, lễ hội tổ chức ngày càng quy mô hơn và nhận được nhiều sự quan tâm của du khách khi đến thăm hòn đảo ở phía đông nam Thái Bình Dương này.
Màn nhảy múa sôi động quyến rũ trong lễ hội Tapati
Mỗi dịp hè hàng năm, đảo Phục Sinh (Rapa Nui) bỗng trở nên sôi động với một loạt các cuộc thi như âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, điêu khắc, nhảy múa, đua ngựa, bơi thuyền,… giữa những bộ tộc người Rapa Nui.
Trong lễ hội Tapati, cư dân trên đảo sẽ được chia làm hai phe, mỗi "liên minh" sẽ chọn ra một nữ hoàng để đại diện và "dẫn dắt" họ trong các cuộc thi. Phe chiến thắng sẽ có quyền được đề cử "Nữ hoàng của hòn đảo" cho năm đó.
Sự kiện đặc biệt này diễn ra trong suốt hai tuần đầu tiên của tháng Hai và sẽ kết thúc bằng việc trao vương miện "Nữ hoàng".
Một thí sinh tham gia cuộc thi trượt dốc Haka Pei trong khuôn khổ lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Một trong những phần ngoạn mục, ấn tượng nhất trong khuôn khổ lễ hội Tapati đó là cuộc thi ba môn phối hợp - Taua Rapa Nui. Cuộc thi được tổ chức bên miệng núi lửa Rano Raraku với ba phần thi chính: Pora, Aka Venga và Vaka Ama.
Các phần thi Taua Rapa Nui luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân bản địa và khách du lịch.
Trong đó phải kể đến màn đua thuyền mang tên Pora.
Các thí sinh trong phần thi đua thuyền Pora trên hồ nước ngọt bên trong miệng núi lửa Rano Raraku. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Pora là phần đầu tiên của cuộc thi ba môn phối hợp Taua Rapa Nui. Những người tham gia phải thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của mình bằng cách chèo những chiếc thuyền được làm từ cây sậy vượt qua quãng đường 1.500m trên mặt hồ.
Các thí sinh tham gia đều mặc trang phục truyền thống và trang trí cơ thể bằng sơn màu.
Phần thi Aka Venga là dịp thách thức thể chất và sức chịu đựng của các thí sinh trong lễ hội Taua Rapa Nui. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Aka Venga là phần thứ hai của cuộc thi ba môn phối hợp Taua Rapa Nui. Các thí sinh tham gia sẽ chạy bộ quanh hồ với hai buồng chuối lớn. Đây được coi là phần thi vắt sức nhất trong cuộc thi ba môn phối hợp.
Một thí sinh trong phần thi Vaka Ama. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Trong chặng cuối cùng của cuộc thi ba môn phối hợp Taua Rapa Nui, các thí sinh phải bơi trên hồ với một chiếc bè nhỏ được làm từ cây sậy.
Takona, nghệ thuật vẽ cơ thể tại lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Ngoài ra, một phần của lễ hội Tapati đó là phần thi vẽ trang trí cơ thể Takona, được những người đàn ông trẻ tuổi rất chú ý.
Họ sử dụng kỹ thuật trộn bột màu tự nhiên với đất sét để trang trí lên các vị trí trên cơ thể. Tính thẩm mỹ cũng như ý nghĩa tượng trưng của Takona kết hợp với trang phục truyền thống luôn được những người đàn ông Rapa Nui coi trọng.
Một tay đua Haka Pei chuẩn bị trước phần thi. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Phần cao trào của lễ hội Tapati chính là đua Haka Pei được tổ chức trên ngọn đồi Cerro Pui. Hàng chục thí sinh chỉ mặc một chiếc khố hẹp bằng da động vật, sẽ dùng tốc độ nhanh nhất lao xuống dốc trên một chiếc "xe trượt" làm từ hai thân cây chuối. Các thí sinh sẽ lao xuống từ con dốc dài 120m, nghiêng 45o với tốc độ có thể đạt đến 80km/h.
Các thí sinh trong phần thi đua ngựa. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Một phần thi cũng nhận được sự chú ý của khán giả đó là đua ngựa dọc theo một con đường mòn nằm ven bờ biển.
Những thanh thiếu niên tham gia biểu diễn điệu nhảy truyền thống của người Rapa Nui trong lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Vào buổi tối, đó là thời điểm bắt đầu của những điệu nhảy truyền thống. Những thanh thiếu niên tham gia sẽ có cơ hội thể hiện khả năng vũ đạo của mình trên một sân khấu được xây dựng trên cánh đồng Hanga Vere Vere, bên ngoài thị trấn Hanga Roa.
Umu tahu được chế biến từ thịt bò và cá được chuẩn bị và phục vụ tại lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Một phần quan trọng trong lễ hội Tapati là thưởng thức ẩm thức. Món ăn trong lễ hội này đều mang hương vị truyền thống, được chính người dân trên đảo chế biến từ những nguyên liệu địa phương.
Khách du lịch được mời gọi thưởng thức Umu Tahu, một món nướng đặc trưng được chế biến từ thịt bò và cá.
Cũng trong thời gian diễn ra lễ hội Tapati, nhiều thợ thủ công có tay nghề trên đảo Phục Sinh sẽ trưng bày và bán các sản phẩm được làm bằng tay như dây chuyền vỏ sò, giỏ và các đồ chạm khắc từ gỗ và đá…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận