11/10/2019 09:45 GMT+7

Chổi bông sậy lên tàu xuất ngoại

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Cây sậy ngày xưa được dân nghèo quây vách nhà hoặc bện thành đăng bắt cá. Ngày nay, thứ cây mọc dại này còn được bó thành chổi bông sậy để lên tàu viễn dương xuất ngoại...

Chổi bông sậy lên tàu xuất ngoại - Ảnh 1.

Cây chổi đã giúp nhiều người địa phương thoát nghèo - Ảnh: CHÍ CÔNG

Về vùng đất cù lao Phú Tân (An Giang), đặc biệt là khu vực cồn Nhỏ, xã Phú Bình, chúng tôi chứng kiến đời sống người dân làng nghề làm chổi bông sậy đã đổi thay.

Có tiền ai cũng thích. Tui cũng vậy mà. Nhưng giữ được nghề và tạo việc mần ăn cho bà con nghèo mới là điều quan trọng nhất với tui.

Ông NGUYỄN NGỌC ẨN

Bén duyên "nghề hạ bạc"

Hơn 30 năm theo nghề cha truyền, ông Nguyễn Ngọc Ẩn (60 tuổi, ấp Bình Thành, xã Phú Bình) tâm sự hồi đó, đặc biệt là năm 1978, dân quê ông rất khổ, người người phải ăn độn. Gia đình ông Ẩn cũng thế. "Khổ gì khổ quá xá binh thiên. Gia đình tui khổ đến mức hổng có mồng tơi nào để rớt" - ông Ẩn gợi chuyện xưa.

Trong lúc cái đói nghèo vắt kiệt sức dân ở khu vực cồn Nhỏ thì bà Sáu Hon thổi "nguồn sống mới" cho địa phương bằng nghề làm chổi bông sậy đơn sơ.

"Nhớ lại, gia đình tui mang ơn bà Hon không hết. Bận đó, có cái nghề bó chổi làm dân nghèo như tui mừng lắm. Với người khác nó là nghề hạ bạc, nhưng với tụi tui là cách để có những bữa cơm trắng cho cả nhà" - ông Ẩn tâm sự.

Và mỗi năm bắt đầu từ khoảng tháng 7, tháng 8, nước nổi lé đé cánh đồng, gia đình ông Ẩn và bà con cồn Nhỏ lại chuẩn bị lỉnh kỉnh vật dụng sinh hoạt gia đình như nồi niêu, chén đũa, mùng mền... dong xuồng dài ngày xuống tận miệt Bãi Sậy, Đồng Sậy (Kiên Giang) và U Minh (Cà Mau) bẻ bông sậy mang về phơi khô, bện (bó) chổi mưu sinh.

Lũ về. Miệt U Minh hồi đó màu nước đỏ quạch. Lau sậy hoang dã vút lên tươi tốt. Đến mùa, bông sậy nở trắng muốt giữa đồng. Có thể thấy bông sậy rất đẹp nhưng với gia đình ông Ẩn, chúng là kế sinh nhai và cho con cháu ông được cắp sách đến trường.

Bất chấp muỗi mòng, rắn rết ngày đó tràn ngập bưng biền, năm nào ông Ẩn cũng neo xuồng suốt 2 tháng ròng giữa đồng nước mênh mông để kịp bẻ mớ bông sậy còn đọng sương đêm. Ông kể mình chỉ bẻ những bông sậy vừa nhú ra khỏi đọt khoảng một tuần.

"Kinh nghiệm của tui là chỉ những bông sậy đó mới có độ dai bền và tạo sức sống cho tên tuổi chổi bông sậy cồn Nhỏ đến tận giờ" - ông Ẩn lý giải.

Chổi quê ra nước ngoài

Bàn tay khéo léo của ông Ẩn đã dần giúp cây chổi bông sậy cồn Nhỏ ngày một nức tiếng và vang danh ra tận thị trường các nước Úc, Malaysia, Lào, Campuchia...

"Tuy nhiên, được thành tựu đó, cây chổi của tụi tui cũng qua mấy bận thăng trầm khắc nghiệt" - ông Ẩn chia sẻ thời khó của nghề làm chổi, bắt đầu từ tầm năm 2003 đến nay. Những đồng sậy miệt Kiên Giang, Cà Mau rộng bạt ngàn bị thu hẹp dần để nhường chỗ cho ao tôm và cây lúa.

Nguồn nguyên liệu khan hiếm. Nhiều người dân bỏ nghề. Và để duy trì nghề sống, ông Ẩn tự mày mò lang bạt đến núi rừng Kon Tum, Đắk Lắk tìm lau sậy. Giọng trầm ngâm, ông Ẩn tâm sự: "Thiệt tình gắn bó với nghề đã lâu, bỏ thì tiếc. Tui đi chỉ là đi cầu may thôi".

Chuyến rong ruổi tìm nguyên liệu đầu tiên, ông Ẩn thất vọng não nề vì thứ ông tìm được ở xứ núi Tây Nguyên chỉ là cỏ đót (hay gọi cỏ núi). Buồn bã nhưng không nản lòng, ông Ẩn tiếp tục ngược quốc lộ 1 tìm đến Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị.

May mắn lần này đã mỉm cười với ông. Đến tận cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, ông Ẩn đặt chân qua Lào và mừng rỡ nhìn những triền lau sậy nở bông trắng ngút ngàn.

"Tui vui lắm. Tìm được nguồn nguyên liệu bông sậy thì làng nghề làm chổi cồn Nhỏ sẽ giữ được. Thế là tui nhập nguyên liệu bông sậy từ Lào và Campuchia luôn" - ông Ẩn vui vẻ cho hay bước ngoặt kinh doanh quốc tế.

Không lâu sau đó, một bước ngoặt mới tiếp tục với thị trường nước ngoài. Ông Ẩn cởi mở: "Tui vừa tìm được nguồn nguyên liệu ổn định thì có nhà buôn tìm đến tận nơi đặt hàng với lượng lớn để xuất đi Malaysia và Úc... Nắm bắt cơ hội lớn có một không hai, tui liên kết mần ăn với họ đến tận giờ".

Hằng năm, ngoài thị trường trong nước, ông Ẩn còn xuất ngoại vài đợt hàng với số lượng lên đến hàng trăm ngàn cây chổi bông sậy. Qua đôi bàn tay khéo léo của người địa phương lành nghề, một mớ cỏ đót, một ít bông sậy kết hợp cùng thân cây đã trở thành chiếc chổi chắc đẹp và đa dạng mẫu mã. Sức sống mới bừng lên ở làng nghề làm chổi cồn Nhỏ...

"Tụi tui giờ làm chổi quanh năm. Mỗi cây bán với giá 20.000 - 25.000 đồng tùy mẫu mã. Tính hết chi phí vận chuyển và nhập nguyên liệu, tui cũng có lời chút đỉnh. Có tiền ai cũng thích. Tui cũng vậy mà. Nhưng giữ được nghề và tạo việc mần ăn cho bà con nghèo địa phương mới là điều quan trọng nhất với tui" - ông Ẩn hào hứng.

Chổi bông sậy lên tàu xuất ngoại - Ảnh 3.

Ông Ẩn được xem là người tiên phong đưa chổi cồn Nhỏ ra chợ nước ngoài - Ảnh: CHÍ CÔNG

Sinh kế cho người nghèo

Buổi sáng, qua phà Năng Gù để đến cồn Nhỏ, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được nhịp sống của người dân nơi đây đang rất nhộn nhịp. Trong đó, chỉ riêng cơ sở làm chổi tại nhà ông Ẩn đã có hơn 30 người lao động đang miệt mài làm việc để kịp giao chuyến hàng tết 2020 đang đến cận kề.

Đôi tay vừa thoăn thoắt bện chổi, chị Nguyễn Thị Nhành vừa kể chuyện rằng mình ở cồn Nhỏ nên mới 7 tuổi đã biết phụ gia đình bó lọn bông sậy cho người lớn bện thành chổi. Hồi đó, chị Nhành bó được 20 lọn (tương đương 1 cây chổi) thì chủ cơ sở trả công 600 đồng. Bây giờ đã lành nghề, chị Nhành làm luôn mái chổi, buộc cán, thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

"Không có ruộng, không vốn, tui đi mần mướn bện chổi quanh năm cũng ổn định cuộc sống. Cận tết, các cơ sở ở đây cần hàng nhiều thì có thằng con tui phụ tiếp nên thu nhập cũng hơn 6 triệu đồng/tháng. Số tiền đó ngoài cho con đi học, tui có thể phụ tiếp chồng lo bữa ăn trong nhà cũng được" - chị Nhành kể.

Trao đổi về kế sinh nhai ở địa phương, bà Trần Thị Kim Pha - phó chủ tịch UBND xã Phú Bình - cho biết: "Ngoài các cơ sở làm chổi khác ở địa phương, phải kể đến cơ sở của ông Ẩn. Có thể xem ông là người đầu tiên tìm đường xuất ngoại cây chổi để mang về lợi nhuận kinh tế khả quan cho địa phương".

Hướng tới tương lai làng nghề, bà Pha chia sẻ thêm: "Để gìn giữ, phát huy làng nghề làm chổi này, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ và vừa vay vốn. Đồng thời, chúng tôi kết hợp đào tạo nghề nhằm nhân rộng ra cho bà con các ấp lân cận, để họ làm được những sản phẩm đẹp mang tính cạnh tranh mà nâng cao đời sống".

Nhiều nhà thoát nghèo nhờ chổi

choi4 cc 2(read-only)

Ngoài xuất khẩu, chổi bông sậy còn được ưa chuộng trong nước - Ảnh: CHÍ CÔNG

Theo bà Trần Thị Kim Pha, làng nghề làm chổi bông sậy ở ấp Bình Thành đã có mặt hơn 50 năm qua. Theo thời gian, làng nghề có khi thăng khi trầm, nhưng đến nay đã phát triển và giúp dân địa phương vươn lên thoát nghèo.

Hiện xã có hơn 300 hộ theo nghề và giải quyết cho hơn 850 lao động nông thôn, thu nhập trung bình 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày.

Xóm chổi dừa và giấc mơ lo cho con học đại học Xóm chổi dừa và giấc mơ lo cho con học đại học

TTO - Được hình thành cách đây hơn 50 năm, xóm bó chổi dừa Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trung bình mỗi ngày cung ứng cho thị trường gần 1000 cây chổi, nhiều gia đình ở đây đã vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học thành tài.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp