Dù chỉ chơi giải trí nhưng bóng bầu dục vẫn có những pha tranh chấp nảy lửa. Ảnh: H.Đ |
Hôm 17-9, tại Đại học RMIT (Q.7, TP.HCM) đã diễn ra ngày hội bóng bầu dục mang tên “Saigon rugby 10s” do một công ty nước ngoài ở VN tổ chức. Trong số khoảng 200-300 người tham dự ngày hội, tất nhiên đa số là người nước ngoài, nhưng cũng có một số bạn trẻ VN thể hiện sự đam mê với trái bóng có hình bầu dục này.
Môn thể thao mạnh mẽ
Dù chỉ là một ngày hội, với các đội tham dự bốc thăm thi đấu giao hữu với mục đích giải trí, nhưng những người dự giải vẫn bước ra sân với tinh thần quyết liệt thường thấy của môn bóng bầu dục. Theo dõi sơ qua hai trận thi đấu nghiệp dư, chúng tôi không khỏi “rợn gáy” với những pha va chạm cực mạnh diễn ra liên tục trên sân.
Mỗi khi một cầu thủ có bóng, chỉ cần sơ sẩy một chút, sau vài bước chạy, anh ta lập tức bị nửa tá cầu thủ đội bạn lao vào quật xuống và... đè bẹp trên mặt đất. Hình ảnh đó diễn ra thường xuyên trên sân bóng rugby, môn thể thao khác với bóng rổ ở chỗ các cầu thủ được ôm bóng chạy thẳng hướng về mục tiêu. Vì vậy những pha “vây công” đối phương để đoạt lại bóng càng phải quyết liệt hơn. Việc bị 5, 6 cầu thủ đối phương nằm đè trên mình là hình ảnh rất quen thuộc với môn thể thao này.
Dù trông có vẻ bạo lực như vậy nhưng ngày hội đã không bị mất vui vì những chấn thương - thứ tưởng chừng xảy ra rất nhiều với môn thể thao này. Trần Chí Hiền (học sinh - 17 tuổi) thuộc đội Hà Nội Rugby Dragons cho biết: “Nếu nhìn vào những pha va chạm ầm ầm trên sân rồi cho rằng môn thể thao này nhiều chấn thương thì không đúng. Thật ra khi va chạm với nhau, mỗi cầu thủ đều tuân thủ những quy tắc nhất định như va từ phần vai trở xuống, cầu thủ ôm vật nhau ngã xuống đất chứ không hề làm tổn thương nhau. Tôi chơi rugby đã được một năm và chưa dính chấn thương nào. Bóng bầu dục không quá nguy hiểm như mọi người nghĩ đâu”.
Tuy nhiên, Chí Hiền cũng thừa nhận bản thân gặp khó nhiều hơn những người nước ngoài vì thể hình thấp bé khiến bạn không thể thắng nổi trong những pha va chạm, tranh chấp tay đôi. “Bù lại, tôi tận dụng sự khéo léo, thấp nhỏ để luồn lách thoát ra khỏi những pha va chạm” - Hiền nói.
“Người Việt có thể chơi bóng bầu dục”
Diễn ra từ 8g sáng đến 6g chiều, ngày hội bóng bầu dục này rất xôm tụ và cởi mở như những gì diễn ra trên sân bóng. Bên cạnh những trận đấu quyết liệt, một góc sân bóng là buổi giao lưu, truyền dạy kỹ thuật chơi bóng bầu dục cho các trẻ em VN thuộc một tổ chức từ thiện do đội Sài Gòn Rugby Geckos cùng những cựu tuyển thủ quốc gia Úc đứng lớp.
Các cô cậu nhóc VN vui vẻ tập luyện bóng bầu dục với người nước ngoài. Ảnh: H.Đ |
Ông Greg Cornelsen, một cựu tuyển thủ rugby Úc đã giải nghệ hơn 30 năm, cho biết ông thường tham gia những ngày hội bóng bầu dục ở nhiều nước trên thế giới với mục đích quảng bá môn rugby rộng rãi hơn. So với những trận đấu nảy lửa bên cạnh, buổi tập luyện của các trẻ em VN nhẹ nhàng nhưng cũng vui vẻ hơn khi môn bóng bầu dục - nếu không có những pha tranh chấp căng thẳng - có vẻ tương tự trò chơi dân gian “cướp cờ” của trẻ em Việt.
Người đứng ra tổ chức giải đấu là ông Peter Holdsworth (người Anh), người đã có 10 năm sinh sống, làm việc và lập gia đình tại VN. Sẵn niềm đam mê với rugby, ông Holdsworth mong muốn phát triển môn thể thao này cho cộng đồng người VN. “Tuy bóng bầu dục đòi hỏi sức mạnh, thể lực tốt nhưng tôi không thấy có lý do gì ngăn cản người châu Á, cụ thể là người VN, chơi môn này cả. Cụ thể như Nhật Bản là một quốc gia rất phát triển môn bóng bầu dục, họ sẽ đăng cai giải thế giới vào năm 2019. Trước VN, chúng tôi cũng từng tổ chức những ngày hội như thế này tại Hong Kong” - ông Holdsworth nói.
Anh Vũ Huy Tân (37 tuổi), một thành viên khác của đội Hà Nội Rugby, cho biết bóng bầu dục còn hấp dẫn ở tinh thần đồng đội. “Trong bóng đá, bạn có thể độc diễn đi bóng qua một loạt cầu thủ rồi ghi bàn nhưng với bóng bầu dục thì không. Tinh thần đồng đội rất được đề cao trong môn thể thao này”.
Đây đã là lần tổ chức thứ hai của “Saigon rugby 10s” và theo ông Holdsworth, quy mô của giải năm sau sẽ tăng gấp đôi lên 32 đội tham dự, trong đó có 3 đội của VN so với 2 đội của giải năm nay.
Ít nguy hiểm hơn bóng bầu dục Mỹ Bóng bầu dục (rugby) là môn thể thao đồng đội, mỗi đội có 15 người, sân bóng có diện tích gần tương tự môn bóng đá. Mỗi đội sẽ cố gắng đưa bóng qua phần vạch cuối sân đối phương để ghi điểm. Cầu thủ có thể dùng cả tay lẫn chân để chuyền, sút bóng. Rugby ra đời tại thành phố Rugby (Anh) vào năm 1823. Cần phân biệt môn này với môn bóng bầu dục của Mỹ (hay thường gọi là bóng đá kiểu Mỹ - American football) - môn thể thao cũng sử dụng trái bóng bầu dục nhưng số cầu thủ mỗi đội nhiều hơn và va chạm nguy hiểm hơn nhiều. Các cầu thủ rugby chỉ mặc áo đấu bình thường chứ không cần phải có lớp độn bảo vệ và mũ bảo hiểm như ở bóng bầu dục Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận