Mô hình chiếc xe tăng lịch sử T59 số hiệu 390 được anh Quang lắp ráp với hiệu ứng gỉ sét, bùn đất chân thực - Ảnh: HÀ THANH
Đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam từ nhỏ, suốt 13 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Quang (40 tuổi, ở Hà Nội) miệt mài tìm kiếm, lắp ráp mô hình khí tài quân sự Việt Nam.
Hào hứng giới thiệu về bộ sưu tập mô hình xe tăng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh Quang chia sẻ ấn tượng nhất phải kể đến chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390. Đây là một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975.
"Đây là mô hình xe tăng mình tâm đắc nhất bởi đánh dấu sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước", anh Quang bày tỏ.
Mô hình chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 - Ảnh: HÀ THANH
Với chiếc xe tăng T59-390, anh tái hiện xe tăng đang trên đường hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với hiệu ứng gỉ sét, bùn đất chân thực nhất.
Để đến được "giữa Sài Gòn", tiến chiếm cơ quan đầu não cuối cùng của đối phương, những người lính xe tăng quân giải phóng đã có một hành trình bắt đầu tận ga tàu hỏa ở Vĩnh Yên từ cuối năm 1971, vào đến Vinh, rồi hành quân qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vào giải phóng Đà Nẵng, tiếp tục vào Nam.
Mô hình xe tăng T-54B mang số hiệu 843 - Ảnh: HOÀNG QUANG
"Muốn lắp ráp chân thật nhất, không còn cách nào khác phải tìm hiểu qua phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, những thước phim tư liệu để tái hiện những mô hình theo đúng lịch sử", anh Quang chia sẻ.
Sau 13 năm miệt mài, đến nay anh Quang đã hoàn thiện hơn 100 mô hình khí tài quân sự Việt Nam với nhiều quân binh chủng khác nhau như: phòng không không quân, tăng thiết giáp, pháo binh.
Sau hơn 13 năm miệt mài lắp ráp, anh Quang đã hoàn thiện hơn 100 mô hình khí tài quân sự Việt Nam - Ảnh: HÀ THANH
Mỗi bộ kit mô hình quân sự có 400 - 500 chi tiết, thậm chí có bộ lên đến 2.000 chi tiết. Anh giãi bày, để hoàn thiện 2 mô hình xe tăng trong chiến dịch Hồ Chí Minh (T59 số hiệu 390, T54B số hiệu 843) phải mất một tháng trời dày công mới hoàn thiện được.
Anh cho biết để hoàn thiện được một mô hình trước tiên phải có một bộ kit mô hình quân sự với dụng cụ kìm cắt, bộ giũa chuyên dụng đi kèm để cắt từng chi tiết. Sau đó, đem lắp ráp các chi tiết nhỏ thành khối thành phẩm, hoàn thiện sản phẩm. Tiếp đến sơn lót, sơn màu chính, phủ bóng và làm hiệu ứng để nổi bật các điểm sáng - tối, nổi bật chi tiết.
"Đây là thú chơi lành mạnh, văn minh, rất bổ ích, cũng là cách giáo dục lịch sử cho các bạn trẻ hiện nay và thế hệ trẻ sau này. Mình mong muốn các bạn trẻ hãy cố gắng hiểu biết lịch sử, về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, về các cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập cho dân tộc", anh Nguyễn Hoàng Quang chia sẻ.
Anh Quang cho biết khó nhất là tạo hiệu ứng gỉ sét, bùn đất. Trước khi lắp ráp một mô hình, anh phải tìm hiểu kỹ càng tư liệu lịch sử, tìm hiểu qua sách báo để biết về khí tài quân sự này, tham gia trận đánh ở địa bàn nào để có thể tạo hiệu ứng gỉ sét, bùn đất sát nhất với lịch sử - Ảnh: HÀ THANH
Mô hình xe chở tăng Maz-537 trang bị cho bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam có tải trọng tới 50 tấn - Ảnh: HÀ THANH
Mô hình xe tăng PT-76 số hiệu 555. Là xe tăng hạng nhẹ, có khả năng lội nước của Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là chiếc xe tăng được mệnh danh là "đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng Tăng thiết giáp với chiến công xuất sắc ở trận Tà Mây, Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 - Ảnh: HÀ THANH
Mô hình pháo tự hành chống tăng Su 85 - Ảnh: HÀ THANH
Mô hình "cua mắt đỏ" T-90 là chiếc xe tăng hiện đại nhất của Việt Nam - Ảnh: HÀ THANH
Anh Quang tái hiện mô hình xe tăng T90 với "cặp mắt đỏ" - hệ thống đèn nhiễu OTShU-7-1M - Ảnh: HÀ THANH
Mô hình tàu ngầm Kilo - Ảnh: HÀ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận