Anh N.Đ.D. - người có hơn 12 năm chơi lan ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - bên giò lan var giá trị hàng trăm triệu đồng - Ảnh: BÙI LIÊM
Ngày 20-6-2020, tại phường Phước Bình, thị xã Phước Long, anh Đoàn Ngũ Sang và anh Nguyễn Văn Hà (ngụ thị xã Bình Long) tổ chức đấu giá hai chậu lan trường thiên kiếm dòng Tiên vũ var Alba (Cymbidium Aloifolium). Kết quả, hai chậu lan được đấu với giá cuối cùng 220 triệu đồng.
Người được cho là bỏ tiền tỉ nói gì?
Một phi vụ đình đám khác là giữa tháng 6 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Xuân (huyện Chơn Thành) mua 3 cây lan đột biến gen với giá "khủng" gần 32 tỉ đồng gồm: cây bảo duy 5 cánh trắng giá 12 tỉ đồng, một cây bảo duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỉ đồng và một cây da vàng 10 tỉ đồng.
Trả lời về thông tin bỏ 32 tỉ đồng mua lan, anh Nguyễn Thanh Xuân còn khẳng định giao dịch trên... không phải là "khủng" nhất.
"Ví dụ có 1 tấn lan rừng may ra mới có 1 cây đột biến gen, giống nó quý hiếm nên trong giới chơi lan rất chuộng" - anh Xuân nói và cho biết chơi lan là để làm kinh tế, chứ không phải thú vui đơn thuần.
Trong khi đó ngày 16-8, ông Trần Văn Hướng - cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước - cho hay sau khi nắm thông tin có việc trên địa bàn tỉnh có những cuộc giao dịch, mua bán, đấu giá lan giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, cục đã cử cán bộ chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xác minh để truy thu thuế.
Qua kiểm tra, cán bộ thuế tỉnh đã lập biên bản với 2 cuộc tụ tập đông người có dấu hiệu mua bán, đấu giá lan var ở huyện Chơn Thành. Cục Thuế cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tài khoản ngân hàng các chủ chơi nhưng không phát hiện giao dịch chuyển khoản bằng tiền. Có hay không việc mua bán bằng tiền mặt thì ngành thuế không nắm.
Cây lan var với nhánh nhỏ xíu - Ảnh: BÙI LIÊM
"Làm kinh tế từ lan rất khó"
Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra, thậm chí của những người có chuyên môn. Vẫn còn những ý kiến trái chiều về việc lan var có cấy mô được hay không. Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Đạo - có hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước - cho biết: "Với một nhánh lan, một giò lan đột biến hiện nay có giá trị quá cao, do đó những người chơi lan phải rất thận trọng khi tham gia và nên đưa nó về với giá trị thực của nó thì như vậy mới thưởng thức và chơi cây cảnh bền vững, ý nghĩa".
Đặc biệt, lan var hiện nay có thể nuôi cấy mô. Hiện đã có một số nơi thực hiện thành công, sẽ cho ra các loại lan đột biến y như lan var.
Theo một vị lãnh đạo Sở NN&PTNT, chỉ có người giàu mới chơi giống lan var, việc đầu tư làm kinh tế từ lan đột biến gen là rất khó, những người trong giới chơi lan đều hiểu. "Tuy nhiên hãy thận trọng trước cơn sốt của giá lan var thời gian qua" - vị lãnh đạo này nói.
Dân đua nhau mua, công an cảnh báo
Theo ghi nhận, nghề chơi lan var mới thịnh hành ở Bình Phước 2 - 3 năm nay. Thời gian qua, do giá trị khủng, lợi nhuận khủng của lan var nên đã có hàng trăm người ở tỉnh Bình Phước đổ xô vào đầu tư kinh doanh loại cây trồng này, ngay cả những người không hiểu biết gì về lan cũng lao vào cuộc chơi.
Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã phát đi cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo liên quan đến những giao dịch mua bán lan đột biến gen.
Hầu hết cuộc mua bán, trao đổi đều diễn ra công khai và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, những thông tin về các cuộc giao dịch này thường rất mập mờ, thông tin về người bán và người mua không được kiểm chứng.
Công an Bình Phước cho biết việc "thổi" giá lan đột biến gen đã được các nhóm đối tượng chuẩn bị, lên kế hoạch rõ ràng và có hệ thống.
Ví dụ, các đối tượng trong một nhóm thổi phồng giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến thì họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn.
Đến khi giá đạt điểm, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm này rút, không mua lại nữa. Bán được cho người ngoài nhóm, các đối tượng này sẽ ăn chia, hưởng lợi.
Bên cạnh đó, việc mua, bán với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đang có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật.
Ngày 21-7, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã bắt 5 nghi phạm để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhóm này thuê nhà để làm vườn lan, mua các loại lan thường về rồi dùng keo ghép bông hoa lan đột biến vào để quay video, chụp ảnh rao bán với giá ngất ngưởng. Cũng liên quan tới lừa bán lan đột biến, Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa "cất lưới", tạm giữ hình sự 11 người.
BÙI LIÊM - VŨ TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận