Du khách thích thú xem các nhà nghiên cứu xử lý các bản ma nhai trên vách đá - Ảnh: NGUYỄN VĂN THỊNH
Du khách vào thăm các hang động ở danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thấy trên các vách đá có rất nhiều bản khắc bằng chữ Hán Nôm đầy bí ẩn. Giới nghiên cứu gọi các bản khắc đó là ma nhai.
Bí ẩn ma nhai
Ma nhai là văn tự khắc lên vách núi đá (ma là mài, nhai là vách núi), xuất hiện từ thời cổ đại bằng cách mài nhẵn một vách đá để ghi một bản văn bia hay đề bài thơ, ghi tên kỷ niệm, không chỉ bằng văn tự mà cả hình họa.
Ở Việt Nam, ma nhai được phát hiện chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ Quảng Trị trở vô miền Nam, đến nay chỉ mới phát hiện hệ thống ma nhai ở hang động Ngũ Hành Sơn, nhưng chiếm số lượng lớn nhất cả nước.
Các bia ma nhai được khắc từ thời chúa Nguyễn trên vách động Tàng Chơn (Ngũ Hành Sơn)
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Liễu Quán cho biết hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn có đến 90 văn bản, nằm trên khắp các vách đá của cả 5 hang động, trong đó nhiều nhất ở động Huyền Không (60 bản).
Đa số không còn nguyên vẹn do bị phong hóa theo thời gian, một số bị đục xóa nội dung, một số bị bồi lấp bằng sơn và ximăng, một số bị bồi lấp bằng hỗn hợp sơn ta trộn ximăng. Nhóm nghiên cứu phải rất công phu cạo bỏ lớp phủ này để giữ nguyên từng nét chữ của người xưa.
Sau sáu tháng miệt mài, nhóm nghiên cứu đã phát lộ hệ thống 90 bản ma nhai, trong đó có 60 bản đã được phục hồi nguyên văn, phiên dịch và làm rõ giá trị của cả nội dung lẫn hình thức. "Một kho tư liệu quá hay và quý giá bị chìm khuất đã được làm sáng tỏ.
Dù rất vất vả nhưng anh em ai cũng vui sướng vì đã kịp thời cứu được di sản" - đại đức Thích Không Nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Thơ đề vịnh của các vị hoàng thân triều Nguyễn trên vách động Tàng Chơn.
Lịch sử trên vách đá
Thầy Không Nhiên cho biết hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn là địa chỉ duy nhất của cả miền Nam và có số lượng lớn nhất nước, thể loại phong phú nhất (bao gồm: bi ký, thơ văn, hát nói, câu đối, đề từ, đề danh...), niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20.
Không chỉ bằng văn tự Hán, Nôm mà còn cả Pháp ngữ và quốc ngữ. Kỹ thuật điêu khắc rất tinh xảo, kết hợp giữa nét chữ tài hoa của văn nhân và kỹ thuật khắc của người thợ đá vùng Ngũ Hành Sơn.
Thơ đề vịnh của Hường Thiết - hoàng thân triều Nguyễn - trên vách động Huyền Không.
Hệ thống ma nhai ở đây chia thành ba nhóm: văn bia của Phật giáo thời chúa Nguyễn; ngự bút của vua Minh Mạng; thơ văn, hát nói, câu đối, đề từ, đề danh của các vị hoàng thân, quan lại, sư sãi, văn nhân, thi sĩ triều Nguyễn từ thời Đồng Khánh đến Bảo Đại.
Trong đó niên đại sớm nhất là ma nhai văn bia từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (đầu thế kỷ 17). Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn chứa đựng rất nhiều giá trị về lịch sử, văn học, thư pháp, điêu khắc..., hàm chứa cả tư tưởng, tâm hồn, tình cảm của xã hội.
Nhóm nghiên cứu đang xử lý một bản ma nhai trên vách đá.
Theo đại đức Không Nhiên, việc cần phải làm ngay bây giờ là khảo sát, thống kê và bảo quản thật tốt những bản khắc trên vách đá này. Đồng thời phải nhanh chóng cho người dân bản địa và du khách biết rõ giá trị di sản này thông qua sách báo và hướng dẫn viên du lịch.
“Chúng tôi sẽ hoàn chỉnh bộ hồ sơ để trình UNESCO công nhận hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu của thế giới” - ông Nhất nói.
Một số hình ảnh khai quật và nghiên cứu:
Giải mã bí ẩn của ma nhai Ngũ Hành Sơn.
Nhóm nghiên cứu đang phơi các bản dập ma nhai để lưu trữ tư liệu.
Du khách cần biết rõ điều gì đang chứa đựng trong các bản khắc trên vách đá .
Một bản ma nhai được sao dập trên giấy dó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận