29/02/2024 08:14 GMT+7

Chờ vốn ngoại đổ vào Việt Nam

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán phát triển theo xu thế kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặt mục tiêu năm 2025 trở thành thị trường mới nổi, thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm.

Trong phiên ngày 28-2, VN-Index tăng mạnh vượt đỉnh của năm 2023  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong phiên ngày 28-2, VN-Index tăng mạnh vượt đỉnh của năm 2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định như vậy khi chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 vào ngày 28-2 với sự tham dự của nhiều cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế cùng đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tập trung rà soát, sửa đổi các quy định bất cập

Bày tỏ sự quan tâm lớn đến TTCK, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem thị trường hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK".

Với những kết quả đạt được của thị trường trong 25 năm qua, người đứng đầu Chính phủ khẳng định 2024 phải là năm tăng tốc và 2025 phải là năm bứt phá. Trong đó, mục tiêu tới năm 2025 Việt Nam sẽ trở thành TTCK mới nổi, góp phần thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường và tập trung phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; phát triển nhanh và bền vững; thực hiện các chức năng cung cấp vốn cho thị trường; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái của TTCK.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước cùng các bộ ngành liên quan tập trung rà soát, sửa đổi các quy định bất cập liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường; nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số...

Nâng cao hiệu quả việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm. Xử lý nghiêm trường hợp và hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường phát triển bền vững và vận hành được công bằng, công khai, minh bạch. Mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống, quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán...

Để nâng hạng thị trường, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết, tháo gỡ khó khăn với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện". Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định, vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch thị trường, tháo gỡ rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ KH&ĐT được yêu cầu khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin bằng song ngữ. Ngân hàng Nhà nước rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường...

VN-Index vượt vùng đỉnh thiết lập năm 2023 trong phiên ngày 28-2-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

VN-Index vượt vùng đỉnh thiết lập năm 2023 trong phiên ngày 28-2-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần sớm mở cho nhà đầu tư nước ngoài

Phát biểu tại hội nghị, ông Ketut Ariadi Kusuma - trưởng nhóm tài chính, cạnh tranh và sáng tạo của World Bank (WB) tại Việt Nam - đánh giá khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hằng năm khoảng 5,95% trong hai thập niên tới. Đến nay, TTCK đã đạt mức vốn hóa khoảng 247 tỉ USD, chiếm 57% GDP vào năm 2023 và từng đạt mức kỷ lục là 93% GDP vào năm 2021, cho thấy tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp. WB ước tính việc nâng hạng thị trường có thể mang lại tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030.

Vì vậy ông Ketut Ariadi Kusuma khuyến nghị cần xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Cùng với đó, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh để hấp thụ được sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính 7%/năm; gắn với phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước, đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.

"Cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư nếu thực hiện đúng có thể đem lại 28 tỉ USD. Như vậy, ước tính tiềm năng huy động vốn mới cho thị trường vốn là 78 tỉ USD. Nhu cầu đầu tư ngày càng tăng phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy" - chuyên gia WB nói.

Ông Johan Nyvene, giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP.HCM, cũng kiến nghị mở rộng không hạn chế tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam. Doanh nghiệp niêm yết có thể chủ động đề xuất nới giới hạn sở hữu nước ngoài. Đặc biệt, cần điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, cần cải thiện tính thanh khoản, tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, phát triển hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm.

Thủ tướng phát biểu kết luận tại hội nghị  - Ảnh: NAM ANH

Thủ tướng phát biểu kết luận tại hội nghị - Ảnh: NAM ANH

Tăng minh bạch thông tin, tăng chất lượng hàng hóa

Cũng tại hội nghị, báo cáo từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy tình hình kinh doanh khối doanh nghiệp niêm yết vẫn còn nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong năm 2023. Theo cơ quan này, vi phạm của các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên hơn với các hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, nổi cộm là một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như vụ án thao túng giá cổ phiếu FLC, Louis Holding, APEC...

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), cho rằng các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên thị trường nên phải tốt và không có hàng giả. Vì vậy, bà Thanh kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, tránh những trở ngại hiện nay là thủ tục hành chính còn chậm chạp và hiệu quả còn thấp.

Theo ông Lưu Trung Thái - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (MB), việc thúc đẩy phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó, giải pháp trọng tâm là phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động để tăng sức mạnh thương hiệu và thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, gắn với tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường, kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) để giúp nâng hạng thị trường.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, chỉ ra chìa khóa để nâng hạng thị trường là việc tập trung cho công nghệ, phát triển dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết. Thúc đẩy dòng vốn xanh, trái phiếu và tài chính xanh nhằm tạo ra nguồn lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phát hiện các giao dịch bất thường, sai sót và gian lận từ các báo cáo tài chính, bảo vệ tài sản nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cần tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới, chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. "Cần đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cho phép doanh nghiệp FDI đáp ứng các điều kiện, quy định có thể được niêm yết trên sàn. Cần phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn", bà Ngọc đề xuất.

Nguồn: SSC - Dữ liệu: BÌNH KHÁNH - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: SSC - Dữ liệu: BÌNH KHÁNH - Đồ họa: TUẤN ANH

Tăng 17 điểm, VN-Index vừa vượt đỉnh năm 2023

Trong phiên giao dịch ngày 28-2, khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy sớm việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index đã tăng hơn 17 điểm, đóng cửa tại mốc 1,254.55 điểm - vùng điểm cao nhất kể từ tháng 9-2022 đến nay.

Giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả ba sàn đạt 25.374 tỉ đồng, giảm 1,4% so với phiên liền trước nhưng vẫn cao hơn tới 20,4% so với mức trung bình 20 phiên gần đây. Thống kê cho thấy có tới 12/18 ngành tăng điểm, riêng trên HoSE có 309 mã tăng giá, so với 180 mã giảm. Riêng nhóm VN30, sắc xanh áp đảo khi có tới 25/30 mã tăng giá.

Trong đó, ngân hàng và dầu khí dẫn dắt đà tăng thị trường hôm nay. Nhà đầu tư nước ngoài cũng giải ngân tích cực hơn với giá trị mua ròng đạt hơn 220 tỉ đồng.

PGS.TS Trần Việt Dũng (viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng):

Xử lý kịp thời các doanh nghiệp tăng vốn ảo, sử dụng sai mục đích

Việt Nam đã được tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Rusell đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9-2018, với tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Khi được nâng hạng, TTCK sẽ tăng tính hấp dẫn, tăng khả năng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với ước tính khoảng 3,5 - 4 tỉ USD mua mới cổ phiếu Việt Nam (BSC, 2023).

Tuy nhiên, nếu muốn nâng hạng TTCK, minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu và vai trò của việc thanh tra giám sát thị trường là rất quan trọng. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên TTCK nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích. Ngoài ra, cần phân bảng cổ phiếu, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng, bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty...

Dù chế tài xử phạt đã có nhưng để phát hiện gian lận thông tin và thực thi theo quy định của pháp luật, cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể, đảm bảo quy trình xử phạt nhanh chóng, đơn giản, đủ sức răn đe...

Ông Trần Thăng Long (giám đốc phân tích Công ty CP chứng khoán BIDV):

Phải tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường

Có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, hàng hóa trên thị trường chưa có nhiều lựa chọn để nhà đầu tư ngoại giải ngân được. Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp niêm yết không nhiều, đặc biệt các "tân binh" quy mô lớn và bài bản.

Do vậy, bên cạnh việc tháo gỡ các nút thắt về "room" và ký quỹ, cần có giải pháp phải thúc đẩy TTCK phát triển để đảm nhận được vai trò đúng nghĩa là thị trường vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Theo đó, cần gia tăng doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô tầm cỡ, phát triển bài bản, đa dạng các ngành lên sàn.

Phần lớn các cổ phiếu trong rổ VN30 hay VN100 đều thuộc ngành tài chính, chưa hoàn toàn đại diện cho nền kinh tế. Do đó, cần tăng cường hơn các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng...

Ông Dominic Scriven (chủ tịch Quỹ Dragon Capital Việt Nam):

Phải trừng phạt nặng các hành vi vi phạm

Để chuẩn bị cho việc nâng hạng TTCK Việt Nam, chúng ta cần sớm thành lập đối tác bù trừ trung tâm (CCP), đồng thời sớm nghiên cứu và chọn thí điểm phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) nhằm tăng cường sự sẵn có của các cổ phần đã chạm ngưỡng giới hạn sở hữu nước ngoài.

Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư. Mà điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thỏa đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, nhất là khi số lượng các nhà đầu tư cá nhân đang chiếm 87% tổng số nhà đầu tư trên thị trường.

Ngoài ra, cần có chính sách và giải pháp khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác tham gia TTCK.

Ông Bùi Văn Huy (giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC):

Cần sửa đổi quy định về ký quỹ của nhà đầu tư ngoại

Nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút mạnh hơn nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Nếu xét riêng rổ chỉ số tập hợp thị trường mới nổi của FTSE (FTSE Emerging Markets Index), quy mô dòng vốn thụ động 1 tỉ USD có thể chảy vào TTCK Việt Nam.

Việc nâng hạng TTCK cũng giúp mở rộng khả năng huy động vốn thứ cấp như thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi được dựa trên tiêu chí phân hạng của FTSE Russell. Điều kiện cần đầu tiên là một hệ thống giao dịch mới, giúp nâng cao chất lượng giao dịch, xử lý các vấn đề như nghẽn lệnh, thời gian thanh toán và rủi ro thanh khoản.

Ngoài ra, một số tiêu chí đang gặp nhiều rào cản. Đó là giải pháp cho vấn đề yêu cầu ký quỹ 100% của nhà đầu tư nước ngoài trước khi giao dịch còn bỏ ngỏ, thống nhất quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp, công bố thông tin bằng tiếng Anh còn hạn chế...

Thủ tướng: Thủ tướng: 'Tôi xem bản tin thị trường chứng khoán hằng ngày để có phản ứng chính sách kịp thời'

Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường và tập trung phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, cung cấp vốn cho thị trường, phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái chứng khoán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp