24/10/2012 10:29 GMT+7

Chở UH-1 vượt Trường Sơn ra Bắc

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Ngày 10-3-1974, với sự hỗ trợ của Cục Hậu cần Miền, Nguyễn Tường Long (sĩ quan kỹ thuật không quân), Hồ Duy Hùng cùng thượng úy Phạm Văn Bờ và trung úy Hoàng Đức Ngư (hai kỹ thuật viên của miền Bắc) bắt đầu tháo rời chiếc UH-1.

Họ lần mò tháo chiếc máy bay trực thăng bằng tất cả những gì học được và... nhớ được.

9TL6jjKs.jpgPhóng to
Hàng ngồi, từ phải qua: ông Năm Nhưỡng, nguyên phó ban quân báo Sài Gòn - Gia Định, ông Hồ Duy Hùng và các đồng đội trong ngày gặp mặt - Ảnh tư liệu

Tháo rời UH-1 bằng dụng cụ sửa ôtô!

Cựu thiếu tá không quân nhân dân VN Lê Thành Chơn cho biết: theo những tài liệu của quân đội VNCH, Trung tâm Không ảnh không quân ở phi trường Tân Sơn Nhất nhận một lúc hai bức không ảnh cho thấy một chiếc UH-1 đang đậu cùng với những chiếc trực thăng của Liên Xô tại một sân bay ở phía tây Hà Nội.

“Những sĩ quan chỉ huy tại Trung tâm Không ảnh không quân bàng hoàng với câu hỏi: chiếc UH-1 số hiệu 60139 có thể bay ra Hà Nội? - ông Chơn kể - Nhưng họ lập luận: nó đã bay trên 200 giờ, chỉ còn 10 giờ bay nữa là đưa đi đại tu. Từ căn cứ Việt cộng ra Hà Nội chỉ riêng trên đường bay đã mất khoảng 12 giờ, chưa kể cất cánh và hạ cánh. Như vậy nó không thể nào bay ra Hà Nội được, trừ khi... “mọc thêm cánh”.

Với một số dụng cụ sửa ôtô, chiếc máy bay UH-1 được tháo rời thành ba bộ phận: hai cánh quạt và đuôi tháo rời khỏi thân. Khó khăn nhất là phần tháo ống đuôi vì không có máy để đo mà dùng bằng tay rất thủ công nên phải nhớ độ siết của ốc để khi ráp lại, siết vào sẽ đúng độ khít vừa vặn. Nếu siết nhiều sẽ đứt con ốc, nếu siết nhẹ ốc sẽ bị long ra rất nguy hiểm cho người lái và cả máy bay khi sử dụng.

“Chú Long phụ trách phần này. Không có máy và đồng hồ để đo, chú phải dựa vào cảm giác của tay để biết độ siết của con ốc”, ông Hùng kể.

Một kỹ sư ôtô tên Chậm của Cục Hậu cần Miền được điều tới cùng hai xe Zil 157 và một xe Gaz 63 của Liên Xô. Sàn của một chiếc Zil 157 được tháo ra cho thấp xuống và thiết kế lại giàn khung để chở thân máy bay. Còn chiếc Zil khác chở hai cánh quạt và ống đuôi. Chiếc Gaz 63 thì chở các đồ linh tinh. Kỹ sư tên Chậm nhưng anh là người thông minh, nhanh nhẹn.

“Với dụng cụ sửa ôtô và một chiếc xe cẩu của Mỹ, chúng tôi đã hoàn thành việc tháo và đưa các bộ phận máy bay lên xe và ràng buộc kỹ lưỡng, chỉ mất ba ngày” - ông Hồ Duy Hùng kể.

Chiều 26-3-1974, anh Sáu Đức - cán bộ của Bộ tham mưu Miền - đến tiễn và giao nhiệm vụ cho đoàn công tác đặc biệt này một lần nữa. Anh dặn dò: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa được chiếc trực thăng này ra Bắc an toàn, nguyên vẹn và... bay được”.

Nguyễn Tường Long và Hồ Duy Hùng là người chịu trách nhiệm cao nhất trong nhiệm vụ khó khăn này. 4g chiều, đoàn xe nặng nề chuyển bánh. Hồ Duy Hùng theo chiếc xe chở thân máy bay, còn Nguyễn Tường Long ngồi trên chiếc Zil chở hai cánh quạt và ống đuôi.

Ông Hùng nhớ lại: “Đó là một hành trình gian nan không tả hết mà tới giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ. 30 ngày đi gần 2.000km từ Lộc Ninh đến Sơn Tây như cực hình, nhất là từ Lộc Ninh theo đường Hồ Chí Minh qua Campuchia, qua Lào vào Lao Bảo (Quảng Trị)...

Đường bình thường đã khó đi đối với xe chở hàng hoặc chở quân. Ở đây lại phải chở một chiếc trực thăng kềnh càng”. Đường Trường Sơn rất khó đi. Đường hẹp. Đèo cao. Suối sâu. Dốc thẳng đứng. Có những đoạn đường từ sáng sớm tới chiều chỉ đi được chừng 10km vì đường hẹp, cây rừng hai bên giao cành với nhau, vừa đi vừa chặt những cành sà xuống chắn lối, vướng vào thân máy bay.

“Cứ chạy gần 60m lại phải leo lên leo xuống gỡ dây, chặt cành khiến tôi muốn hụt hơi. Có chỗ cây to quá, phải lấy súng bắn để công binh của binh đoàn Trường Sơn đến, nhờ họ dùng chất nổ phá cây. Có đoạn đường qua ngầm xóc quá, xe cứ nhảy chồm chồm, phải vịn chặt tay vào bất cứ thứ nào bám được trong xe” - ông Hùng kể.

Chưa hết, có ngày gặp mưa trái mùa rồi “đụng” cả mấy trung đoàn pháo phòng không, xe chở bồn chứa dầu... ở những đường đèo hẹp. “Có chỗ chật cứng toàn xe là xe, đi ra không được mà đi vô cũng không xong, kẹt cứng cả ngày trên đỉnh đèo, khát nước không còn một giọt để uống”, ông Hùng kể.

Họ phải đi toàn ban đêm vì khi đó chưa có lệnh cho phép đi ban ngày. Cứ di chuyển từ 4g chiều đến sáng là nghỉ. Cứ đi một đêm 120 - 150km sẽ có một trạm dừng chân để tắm rửa, ăn uống, nhận thêm lương thực (gạo, bột trứng, thịt hộp, nước...) mang theo. Có khi xe hư phải dừng ở trạm 3 - 4 ngày.

“Ở thành phố kiếm người sửa xe đã khó huống hồ giữa rừng. Chúng tôi phải nhờ công binh và kỹ thuật của trạm tới giúp”, ông Hùng bảo.

Nhưng đáng sợ nhất là những hiểm nguy thập tử nhất sinh luôn bất ngờ phát sinh dọc đường đi. Ấy là khi xe đang đổ dốc, trời mưa, đường trơn, lái xe phanh lại thì bất ngờ chiếc xe quay ngang, trôi tuồn tuột xuống rồi may mắn dừng sát ngay mép vực! Lần khác, cũng vẫn là chiếc xe mà ông Hùng ngồi, bị xe kéo pháo quẹt vô làm bể kính máy bay và kéo chiếc UH-1 suýt rớt xuống hố!

Mấy ngày sau, khi chiếc xe tải chở thân máy bay cao lêu nghêu bò lên một đỉnh dốc khác, vừa tới khúc quanh của triền núi, thình lình một chiếc xe tăng trên dốc lao xuống, anh em hốt hoảng nhưng xe tăng kịp thắng lại. Đầu xe tăng cách xe chở máy bay chỉ vài mét! Thật hồn vía lên mây vì bên trái xe là thăm thẳm vực sâu. Anh em đổ mồ hôi hột!

Ngày 26-4-1974, sau 30 ngày gian nan, khổ ải, họ cũng về tới sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây). Mấy ngày sau, được sự giúp đỡ của trung đoàn không quân vận tải 919 với những phương tiện sửa chữa máy bay chuyên dùng của Liên Xô cùng một số thợ cơ khí, chiếc UH-1 đã được lắp ráp lại hoàn chỉnh. Những chỗ hư hỏng nhẹ lúc vận chuyển và các vết lủng do bị bắn khi bay về Lộc Ninh cũng được sửa chữa kịp thời.

Để kịp thời gian trở về chiến trường, Nguyễn Tường Long và Hồ Duy Hùng báo cáo ngay tới Bộ tư lệnh Không quân tình trạng máy bay tốt và đề nghị cho bay thử để bàn giao.

Bay thử với chiếc UH-1 được lắp ráp

Bay thử chiếc máy bay trực thăng UH-1 lúc này là một thử thách hơn mọi thử thách! Bình thường máy bay được bảo quản trong điều kiện gần như tuyệt đối về các thông số kỹ thuật, nhưng với chiếc UH-1 này đã được tháo rời bằng dụng cụ sửa chữa ôtô, lại chở bằng ôtô vượt hơn ngàn kilômet qua đủ các loại địa hình.

“Không ai dám đứng ra đảm bảo độ an toàn của chiếc UH-1 vừa được lắp ráp này. Tôi và chú Tường Long liều mình đảm nhận”, ông Hùng bật cười, nhớ lại quyết định mạo hiểm đầy rủi ro ấy.

8g sáng 10-5-1974. Đích thân thiếu tướng Hoàng Phương, chính ủy không quân, đã đến từ sớm để xem cuộc bay thử tại sân bay Hòa Lạc. Hồ Duy Hùng được phép cất cánh. Nguyễn Tường Long lái phụ.

Theo yêu cầu, chiếc UH-1 thực hiện một số động tác hạ cánh xuống địa hình khó như dưới ruộng xâm xấp nước, bay vượt chướng ngại và một số động tác theo yêu cầu khác.

30 phút bay thử kết thúc, thành công tốt đẹp. Khi hạ cánh xuống, Hồ Duy Hùng nhờ Tường Long kiểm tra lại ống đuôi. Tường Long giật mình lạnh ót khi phát hiện ba con ốc trong sáu con ốc vít đuôi hộp số 90 độ (gắn đuôi với cánh quạt đuôi) bị gãy nhưng vẫn nằm trong ổ nên trước khi bay dù kiểm tra rất kỹ vẫn không phát hiện. Có lẽ do trong quá trình vận chuyển, máy bay bị lắc quá mạnh. Đó là điều may mắn vô cùng lạ lùng!

Ngay sau cuộc bay thử thành công, thiếu tướng Hoàng Phương lệnh cho chỉ huy đoàn trực thăng MI-6 cùng Hồ Duy Hùng lập phương án huấn luyện cấp tốc sử dụng UH-1 cho một tổ phi hành của đoàn.

Và ngay sau giải phóng Sài Gòn, trực tiếp phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân, đại tá Đào Đình Luyện, đã cho gọi Hồ Duy Hùng đến và giao nhiệm vụ bay thử tất cả máy bay UH-1 tiếp quản được.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

--------------------------------------------------

Đón đọc số tới:Sinh ra lần nữa

Câu chuyện cảm động về những cặp song sinh được phẫu thuật tách rời nhau.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp