Chợ truyền thống đang bị bỏ xa về sự linh hoạt trong hoạt động quảng bá. Trong ảnh: các gian hàng bánh mứt Tết tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, không phải là không có "cửa" cho chợ truyền thống, có điều để giành lấy mảnh đất của mình, tiểu thương cần làm gì để nâng cao sức mạnh cho mình?
Chợ ế, hàng đi tỉnh yên ắng
Tết dương lịch năm nay có ba ngày nghỉ, một kì nghỉ đủ dài để vực dậy sức mua vốn đều đều, chậm chậm suốt mấy tháng cuối năm. Tuy nhiên, đã không có sự bật lên mạnh mẽ nào từ các chợ truyền thống.
Sáng 1-1, suốt dọc hai bên hông chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM), những ụ trái cây, rau củ rực rỡ tươi rói chất đầy, khách đi mua, đi xem đông đúc nhưng: "Khách mua cũng bình thường như mọi khi", một tiểu thương bán trái cây thủng thẳng nói.
Chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng buổi sáng mùng 1-1 những dòng người đông đúc, ồn ào mua bán, trả giá, hải sản, thịt gà, thịt heo, rau xanh… Tiểu thương báo giá hôm nay đều tăng 2-3 giá so với ngày thường, khách vẫn chấp nhận mua, nhưng cũng không quá đông đúc.
Ở một góc khác, bên trong những nhà lồng chợ, các tiểu thương lặng lẽ dọn sạp nghỉ sớm từ 11g trưa vì chẳng có khách mua.
Tại chợ Bình Tây (Q.6), chợ sỉ lớn nhất nhì TP.HCM, tiểu thương đón Tết dương lịch bằng không khí vắng vẻ, khách mua lác đác, thậm chí nhiều người đánh giá, hàng đi tỉnh giảm nhiều so với năm trước.
"Đáng lẽ giờ là thời điểm hàng khô đi miền Trung, miền Bắc nhưng năm nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, nhà nào cũng sốt ruột vì khách mối ngày càng thưa thớt", bà chủ sạp đặc sản khô Cà Mau nói.
Gỡ thế khó cho chợ truyền thống
Thực tế, chợ truyền thống bị "kẹt" vào thế khó đã xảy ra nhiều năm nay. Nhiều cuộc vận động nhằm vực dậy chợ truyền thống, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy hiệu quả cụ thể. Với tiểu thương, nan giải và ảnh hưởng lớn nhất đến tình hình kinh doanh là nhiều người buôn bán tự do, không đóng thuế, không có phép bủa vây quanh chợ đã "cướp" hết khách chợ lẻ.
Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM từng cho rằng, việc quản lý hành chính xung quanh chợ thuộc địa phương tức là các quận chứ Sở không thể can thiệp. Tại một số chợ truyền thống, việc địa giới hành chính là cái cớ để nhiều chợ cho rằng: khó quản lý.
Người dân tiết kiệm chi tiêu, sự đa dạng và hiện đại của các phương thức mua sắm mới khiến cho chợ truyền thống gặp khó hơn. Tuy nhiên, không phải là "bít cửa" hoàn toàn. Theo nhiều chuyên gia, chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi thế, tiểu thương cần biết tận dụng triệt để.
Nhiều ví dụ được dẫn ra như hiện nay điểm mạnh nhất đối với hàng hóa tại chợ là sự đa dạng, gần như mọi mặt hàng đều có thể tìm thấy tại chợ, mặt hàng tươi sống có thế mạnh vượt trội về độ tươi ngon, đặc biệt có lợi thế về giá thấp hơn 5-10% so với kênh hiện đại.
"Tiểu thương cần duy trì chắc chắn lợi thế của mình mới mong giữ chân được người tiêu dùng ở lại với chợ", chuyên gia Ngô Trí Long từng đánh giá.
Tuy nhiên bù lại, hiện nay chợ đang bị bỏ xa về sự linh hoạt trong hoạt động quảng bá, tiểu thương không có phương pháp thu hút khách mua, thường xuyên cắt xén các ưu đãi làm giảm sự hấp dẫn của sản phẩm.
Bên cạnh đó, những lý do muôn thuở như không có sự ổn định về giá, nguồn hàng chưa đảm bảo được chất lượng, môi trường kinh doanh chưa thân thiện, không sạch sẽ, khiến mất điểm trong mắt người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận