12/12/2024 10:37 GMT+7

Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách

Chuyện nói thách, thậm chí có thái độ kém lịch sự, diễn ra khá phổ biến ở các chợ, các cửa hàng và tình trạng này càng tăng cao khi vào mùa mua sắm Giáng sinh và cuối năm. Điều này khiến không ít khách hàng thấy khó chịu, thậm chí bức xúc.

Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên để cạnh tranh và tồn tại, cần đẩy mạnh việc niêm yết giá rõ ràng, từ bỏ thói quen "nói giá trên trời" và hành xử thiếu lịch sự từ người bán.

"Mua được giá bao nhiêu?!"

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)..., số lượng sạp niêm yết giá chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, phần lớn các tiểu thương vẫn không niêm yết giá.

Tình trạng này cũng diễn ra tại các điểm bán hàng truyền thống xung quanh chợ hay tại các tuyến đường mua sắm... khiến không ít người mua cảm thấy "không thoải mái".

Tại các chợ du lịch nổi tiếng của TP.HCM như chợ Bến Thành hay Saigon Centre (quận 1), không chỉ không niêm yết giá mà tình trạng chèo kéo, đeo bám khách vẫn diễn ra phổ biến.

Tháp tùng chị Thùy Anh, một du khách từ Hà Nội đến trải nghiệm mua sắm tại chợ Bến Thành (quận 1), chúng tôi nhiều lần bắt gặp cảnh người bán hỏi ngược lại "Mua được giá bao nhiêu?", "Trả được giá bao nhiêu?" với tông giọng gắt gỏng.

Ghé một sạp bán các loại mũ và túi tại chợ, sau khi được nữ nhân viên báo giá một chiếc mũ là 280.000 đồng, chị Thùy Anh lắc đầu rời đi.

"Họ hét giá cao quá, mình không biết trả giá thế nào nên thôi không mua" - chị Thùy Anh nói với chúng tôi khi rời đi. Tuy nhiên chị bị người bán kéo lại, liên tục giảm giá xuống 200.000 đồng rồi 150.000 đồng, thậm chí cuối cùng còn 100.000 đồng. Khi chị Thùy Anh kiên quyết từ chối, người bán tỏ thái độ khó chịu và nói với giọng trách cứ: "Không mua sao hỏi giá?".

Tương tự, Quốc Bảo (24 tuổi, du khách từ Đà Lạt) cũng gặp tình trạng hét giá quá cao khi muốn mua một chiếc ví tại chợ Bến Thành. Giá ban đầu được báo là 500.000 đồng, nhưng sau khi rời đi, Bảo lập tức bị tiểu thương chèo kéo giảm giá dần xuống còn 400.000 đồng rồi 350.000 đồng. "Trải nghiệm này khiến mình không muốn quay lại chợ nữa", anh nói.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), ghi nhận của chúng tôi cho thấy nhiều người bán không niêm yết giá. Cầm chiếc áo gió tại một cửa hàng ở tầng 1 của chợ này, chúng tôi được người bán kêu giá 200.000 đồng. Nhưng khi sang quầy kế bên, chúng được người bán ra giá 170.000 đồng với chiếc áo gió cũng cùng màu và chất vải.

Khi chúng tôi bỏ đi, người bán này vội hạ xuống 150.000 đồng và tiếp tục giảm còn 120.000 đồng. Khi được hỏi sao giảm giá liên tục vậy, người bán này bảo ế quá nên chấp nhận bán rẻ.

"Không phải nói thách gì đâu, đúng nói nó là 170.000 đồng nhưng giờ bán rẻ để thu hồi vốn, tránh hàng tồn", người này thanh minh.

Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách - Ảnh 2.

Người dân mong muốn chợ truyền thống cần niêm yết giá như siêu thị để khách hàng yên tâm mua sắm không bị hớ giá - Ảnh: T.T.D.

Dễ bị "chặt chém" vào mùa Giáng sinh, cuối năm

Không chỉ với những sản phẩm thiết yếu hằng ngày, không ít khách hàng thậm chí còn gặp khó hơn với tình trạng nói thách khi mua các sản phẩm "mỗi năm mua một lần" như đồ trang trí Giáng sinh và năm mới.

Mỗi mùa Noel đến gần, đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), con phố bán đồ trang trí lớn nhất TP.HCM, lại rực rỡ và sôi động.

Tuy nhiên không ít người mua khá e dè các cửa hàng không niêm yết giá bán, nói thách. "Mỗi khi hỏi giá cả về một mặt hàng, nhân viên lại phải hỏi ý kiến đồng nghiệp khác. Điều này không chỉ gây bất tiện mà còn tạo cảm giác thiếu minh bạch", bà Ngô Thị Minh (quận 10) nói sau khi bước ra từ một cửa hàng trên con phố này.

Sau nhiều lần "cò kè bớt một thêm hai", chị Thu Hồng quyết định mua chiếc vòng nguyệt quế với giá 190.000 đồng, dù trước đó được báo giá 230.000 đồng. Thế nhưng, khi đi ngang qua xe bán hàng rong "tự làm" cạnh đó, chị Hồng được người bán báo giá 150.000 đồng dù chưa thương lượng.

"Mấy tiệm lớn bán mắc hơn vì nhiều chi phí với mua hàng của công ty, còn cái này em tự làm", cô gái này nói. Nhưng khi xem trên sàn thương mại điện tử, vòng nguyệt quế cùng kích thước và phụ kiện lại có giá rẻ hơn nhiều.

Các món đồ trang trí nhỏ như băng đô, kẹp tóc Noel đa dạng mẫu mã cũng chỉ từ vài nghìn đến 30.000 đồng tùy loại.

Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách - Ảnh 3.

Quần áo được bán tại một chợ đêm ở TP Thủ Đức nhưng rất ít sản phẩm được niêm yết giá - Ảnh: N.TRÍ

Tôi phải lên sàn

Chị Trần Thủy Trang, một du khách đến từ Hà Nội, cũng cho biết khi hỏi giá một chiếc kẹp tóc tại một quầy ở Saigon Centre (quận 1), chị được báo giá 60.000 đồng dù giá trên sàn thương mại điện tử chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng.

"Dù mình không quá chú trọng tiết kiệm khi đi du lịch, nhưng mức giá này thực sự khiến mình không khỏi thấy ngại khi vào các khu chợ này", chị Trang nói. Anh Nguyễn Hoàng Khang, quản lý một nhà hàng chay tại TP.HCM, cho biết đã quyết định tìm mua các món đồ trang trí Giáng sinh cho cửa hàng qua các sàn thương mại điện tử thay vì mua tại chợ hay đường chuyên bán đồ Giáng sinh như Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) như những năm trước.

"Giá cả rẻ hơn, mẫu mã cũng đa dạng, lại miễn phí vận chuyển hoặc giảm giá theo combo, rất tiện lợi. Mình cũng không phải mất thời gian di chuyển và tránh được nỗi sợ mua hớ", anh Khang chia sẻ.

Nhiều khách hàng cho rằng với những sản phẩm "mỗi năm mua một lần" như đồ Giáng sinh và năm mới, thường người bán nghĩ mình không biết giá hoặc ít quan tâm nên dễ bị "chặt chém". Tuy nhiên giờ so sánh chéo các nơi, so sánh trên mạng rất tiện nên khi cần kiểm tra là biết giá ngay.

Trước tình trạng kẹt xe, ô nhiễm và giá cả "chẳng biết đâu mà lần" của những người bán hàng trực tiếp, rất nhiều người đã chọn lên sàn mà mua cho khỏe. Cứ thế này, người bán lẻ trực tiếp vẫn còn thói quen nói thách đang tự "đào hố chôn mình".

Đẩy mạnh mô hình "sạp thương hiệu"

Là chợ đầu mối với hơn 350 thương nhân và hàng trăm tấn hàng thực phẩm nhập xuất mỗi đêm, ông Lê Văn Tiển, phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), cho biết cũng có trường hợp không niêm yết giá nhưng chủ yếu số ít sạp bán nhỏ lẻ và gần như không gây ảnh hưởng, hậu quả gì lớn.

Bởi chợ đầu mối thường có khách hàng quen và mức giá gần như ai cũng biết, khó lòng nói thách. "Chúng tôi khuyến cáo thương nhân phải áp dụng "1 bước trước 1 bước sau", nghĩa là phải biết người mình mua và bán để đưa ra giá hài hòa, đúng quy định pháp luật. Nếu vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý", ông Tiển nói.

Cũng theo ông Tiển, chợ đầu mối Hóc Môn đang đẩy mạnh xây dựng mô hình "sạp thương hiệu" và được nhiều tiểu thương hưởng ứng. Khi tham gia mô hình này, tiểu thương phải đăng ký bảng hiệu, hình ảnh và tuân thủ nghiêm việc niêm yết giá, cân đúng.

Phải thay đổi để tồn tại

Thông tin từ chợ Bến Thành (quận 1) cho biết dù đang vào cao điểm tham quan và mua sắm nhưng mỗi ngày chợ chỉ đón khoảng 3.000 lượt khách, giảm khoảng 1.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái và bằng phân nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3, so với các năm ổn định trước dịch COVID-19.

Trong khi đó, nhiều khách vào chợ cũng chủ yếu tham quan chứ ít mua sắm. Do vậy nhiều tiểu thương không mặn mà kinh doanh, nên dù có hơn 1.500 sạp theo thiết kế nhưng chỉ có khoảng hơn 1.200 sạp mở cửa bán.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết TP có kế hoạch chuyển đổi công năng của các chợ truyền thống để phù hợp với xu thế mới, tăng tính hiệu quả.

Ngoài ra thường xuyên vận động, đề nghị các địa phương, chợ tăng cường việc giám sát, yêu cầu thương nhân kinh doanh theo đúng quy định, niêm yết giá bán, giữ thái độ tích cực với khách.

"Xây dựng văn hóa tại chợ truyền thống là việc làm cần thiết, đặc biệt càng cần thiết hơn khi cách kinh doanh truyền thống đang gặp khó khăn vì chịu sự cạnh tranh rất lớn từ kênh online", vị này cho biết.

"Chợ văn hóa", nói dễ nhưng làm khó

Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách - Ảnh 4.

Tiểu thương chợ Bến Thành đang vất vả thu hút du khách quay trở lại mua sắm - Ảnh: NHẬT XUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1) cho biết với hơn 1.200 sạp, chợ Bến Thành có lượng hàng hóa kinh doanh rất nhiều. Tuy nhiên ban quản lý luôn cử lực lượng đi kiểm tra việc bán hàng niêm yết giá, so sánh giá, hành vi người bán, thậm chí mới đây chợ ký cam kết với cơ quan chức năng về việc "không chèo kéo khách và niêm yết giá khi bán".

Tuy vậy, vị này thừa nhận vẫn có những vụ nói thách làm phiền lòng khách mua. "Mình không thể ép tiểu thương bán đúng giá niêm yết, bởi bán đúng giá niêm yết thật khó ở môi trường chợ do tâm lý trả giá và tùy theo cách thức, cảm xúc của mỗi người bán. Điều quan trọng là giá không được chênh lệch quá nhiều giữa các sạp và giá thực tế", vị này nói.

Là tiểu thương có thâm niên tại chợ Bến Thành, bà Trần Thị Ngọc cho biết bà thường vận động tiểu thương đừng cho khách "mua một lần rồi đi luôn", chợ bị mang tiếng chỉ vì một tiểu thương nào đó có thái độ chưa tốt.

"Là chợ du lịch, nếu bị đánh giá kém trong văn hóa ứng xử mua bán sẽ không chỉ khiến cả chợ mang tiếng mà cả TP cũng bị "mất điểm" trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài", bà Ngọc nói.

Trong khi đó, ông Thái Bình Sơn, trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho biết ban quản lý chợ này thường xuyên khuyến cáo, yêu cầu tiểu thương thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, giữ gìn thái độ tích cực với khách và cương quyết xử lý nghiêm vi phạm nên thời gian qua chỉ có ít vụ vi phạm.

Dẫn trường hợp có tiểu thương cầm cái quần giũ mạnh trước mặt khách, ban quản lý đánh giá đó là hành vi khiếm nhã nên đã lập biên bản vi phạm và tạm đình chỉ kinh doanh 5 ngày. "Phải xem khách hàng là thượng đế, dù bán được hay không cũng phải giữa thái độ hòa nhã, tránh hành vi chụp giật làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chợ trong mắt khách hàng", ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, với việc bán hàng trực tiếp, chợ truyền thống vẫn có những sức hút, có lợi thế nhất định như thuận tiện, khách được trải nghiệm, "chọn tận tay, nhìn tận mắt". "Nếu cải thiện thái độ kinh doanh và câu chuyện giá cả, chợ truyền thống vẫn sẽ là điểm đến với nhiều khách hàng, đặc biệt những người khách xem đi chợ là văn hóa, là thói quen", ông Sơn đánh giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng để tồn tại trong kỷ nguyên số, không chỉ chợ truyền thống mà các cửa hàng bán lẻ buộc phải thay đổi. Việc niêm yết giá rõ ràng minh bạch và từ bỏ thói quen nói thách là điều kiện tiên quyết để tồn tại, cạnh tranh với chợ mạng.

"Một bộ phận người tiêu dùng trẻ có xu hướng chọn mua sắm tại các siêu thị, chợ mạng, dù giá có thể nhỉnh hơn một chút nhưng mọi thứ đều được niêm yết rõ ràng, minh bạch...", một chuyên gia nói.

Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách - Ảnh 5.Chợ hoa không nói thách, người Sài Gòn vui vẻ mua hoa đến nửa đêm

TTO - 'Đêm đầu tiên năm nay khởi đầu có vẻ tốt. Rút kinh nghiệm năm ngoái, người bán không còn nói thách nên người Sài Gòn ưng là mua, chủ yếu trả giá bớt tiền vận chuyển', chủ ghe hoa vui vẻ khoe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp