17/11/2023 13:11 GMT+7

Chợ truyền thống ế khách: Thay đổi bằng cách nào?

Hàng ngàn ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online tiếp tục chỉ ra những nguyên nhân khiến nhiều chợ truyền thống ế ẩm ngay trong mùa mua sắm và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Một sạp hàng ở chợ An Đông ban đầu tạm nghỉ, sau đó phải treo bảng cho thuê vì không duy trì được doanh số bán hàng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một sạp hàng ở chợ An Đông ban đầu tạm nghỉ, sau đó phải treo bảng cho thuê vì không duy trì được doanh số bán hàng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Cùng với việc cắt giảm chi tiêu của người dân do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều tiểu thương thừa nhận hoạt động mua bán hàng qua kênh online phát triển mạnh, chưa kể các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm, khiến cho nhiều chợ truyền thống không còn nhiều đất sống.

Chợ truyền thống phải thôi hét giá

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho biết nguyên nhân chính do nhiều chợ truyền thống vẫn chưa chịu thay đổi phương thức và thái độ bán hàng, nhất là việc hét giá.

Bạn đọc An chia sẻ: "Khi còn là một đứa trẻ từ 20-25 năm về trước, cuối tuần nào tôi cũng vòi ba mẹ đưa vào siêu thị chơi. Ở đây mát mẻ, đi vòng vòng xem hàng không bị la mắng, nhân viên thì dễ thương vui vẻ. Trong khi đó ra chợ thì bị mấy người bán hàng hét giá đủ kiểu, lại dơ và nóng.

Bây giờ chợ truyền thống thay đổi quá chậm chạp và gần như không thay đổi gì cả. Vào chợ phải mất 5.000-6.000 đồng giữ xe, coi như thua từ bãi gửi xe, đến không gian bán hàng, cách bài trí không có lối đi. Dừng lại mua hàng thì chen chúc nhau rồi xô đẩy, chửi bới các kiểu...".

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Minh cho hay: "Từ lúc siêu thị mở tôi đã rất ít đi chợ, tới giờ buôn bán online phát triển tôi hầu như không đi mấy chợ truyền thống nữa.

Đồng nghiệp bạn bè của tôi cũng gần như giống tôi, rất ít đi chợ truyền thống, đỡ phải lo sợ nói thách, không cần trả giá, không sợ chủ quầy lườm nguýt nếu chỉ xem mà không mua".

Ở vị trí người trong cuộc, bạn đọc Thắng Tiên Sinh tâm tư: "Chợ truyền thống ế vì chỉ có người thân quen, người lớn tuổi thích đi vì tình cảm gắn bó với chợ... Giới trẻ thì thôi khỏi bàn, mua hàng qua mạng, mua tại siêu thị vừa đúng giá niêm yết, vừa thoải mái lựa chọn và chẳng sợ nói thách, chửi xiên chửi xỏ, ép mua hàng.

Nhà tôi cũng có mấy sạp vải tại chợ Tân Định đây, cũng ế, các bà các chị nên thay đổi phương thức kinh doanh đi, cần gắn với công nghệ số bán online và giao hàng tận nơi. Giờ không còn cảnh người tiêu dùng phải gửi xe ở bãi rồi đi vào chợ (có nơi rất nhếch nhác, bẩn thỉu) để chịu chèo kéo nữa đâu".

Bạn đọc Thùy My bày tỏ thêm: "Tháng trước vào chợ mua xấp vải nhưng nói thách y như cách đây vài chục năm. Đã đến lúc tiểu thương phải nghĩ đến việc niêm yết giá bán và không nói thách như xưa nữa.

Một số tiểu thương ngoài việc có sạp hàng ở chợ thì họ cũng mở thêm kênh bán online và doanh thu cũng không hề giảm so với trước đây nên cũng đến lúc tiểu thương cần thay đổi cho kịp xu hướng mua sắm hiện nay".

Ba thay đổi cho chợ truyền thống

Bạn đọc Coc đặt vấn đề: "Thứ nhất, ban quản lý chợ phải có văn hóa ứng xử, thứ hai là đầu tư sửa sang chợ sạch đẹp. Thứ ba, tiểu thương phải có văn hóa ứng xử, giao tiếp, bán giá phù hợp và bỏ ngay văn hóa cạnh tranh không lành mạnh".

Cùng nhấn mạnh đến trách nhiệm của ban quản lý chợ, bạn đọc Hát gợi ý: "Mỗi ban quản lý chợ cần tăng cường tập huấn thường xuyên cho tiểu thương vừa bán hàng trực tiếp vừa bán trực tuyến".

"Các tiểu thương cần tìm hiểu mô hình cho thuê room để livestream kinh doanh online tại Trung Quốc. Giờ đây họ cứ xem như khu vực mua bán của mình là room. Thiết kế sao cho vừa là chỗ để hàng sẵn vừa là chỗ livestream bán hàng. Một công mà 2-3 việc" - bạn đọc Quang góp thêm giải pháp tham khảo.

Còn bạn đọc than****@gmail.com đưa ra cụ thể và chi tiết phương cách để cứu chợ truyền thống như sau:

1. Hỗ trợ tiểu thương.

● Đào tạo và tập huấn nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

● Chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng, thuế để giảm áp lực tài chính.

2. Tuyên truyền và nhận thức.

● Tăng cường hoạt động tuyên truyền về tầm quan trọng của chợ truyền thống.

● Khuyến khích người tiêu dùng mua sắm tại chợ truyền thống.

3. Chuyển đổi kinh doanh trực tuyến.

● Khuyến khích tiểu thương chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến để mở rộng thị trường.

4. Môi trường sạch sẽ và an toàn.

● Xây dựng môi trường thuận lợi, sạch sẽ và an toàn để thu hút khách hàng.

5. Hợp tác cộng đồng.

● Tổ chức hoạt động văn hóa, giải trí để làm cho chợ truyền thống trở nên hấp dẫn hơn.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, cần hỗ trợ người tiêu dùng và khuyến khích mua sắm tại chợ truyền thống bằng cách.

1. Hỗ trợ doanh nghiệp và tạo việc làm:

● Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để tạo ra nhiều việc làm hơn.

2. Hỗ trợ người tiêu dùng:

● Giảm giá cả, thuế, phí để giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

3. Tuyên truyền nhận thức.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chợ truyền thống.

Chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng sẽ giúp chợ truyền thống phát triển bền vững và giữ vững vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thăm dò ý kiến

Dù trong mùa mua sắm, nhiều chợ truyền thống vẫn lâm cảnh buôn bán ế ẩm, vắng khách, tiểu thương phải đóng cửa sạp. Giải pháp nào để thay đổi tình cảnh này?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Chợ truyền thống vắng khách: Thay vì ngồi gà gật, chỉ còn cách đổi thayChợ truyền thống vắng khách: Thay vì ngồi gà gật, chỉ còn cách đổi thay

Vắng khách, buôn bán ế ẩm ngay trong mùa mua sắm, tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, cả chợ sỉ lẫn chợ lẻ đang treo bảng "sang sạp", "cho thuê sạp" hoặc thậm chí đóng cửa sạp để cắt giảm chi phí điện, nước, nhân công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp