Một trong những vấn đề mà trẻ bức xúc về cách giáo dục của cha mẹ chính là suy nghĩ định kiến rằng “Trẻ con biết gì mà ý kiến”. Cháu H.L. - 12 tuổi (Q.2, TP.HCM) - tâm sự: “Cha mẹ cháu luôn bảo con phải thế này, thế nọ, nào là biết vâng lời và quan tâm, yêu thương mọi người trong gia đình, không được để người thân phải buồn phiền... Trong khi đó, rất ít khi cha mẹ cho cháu cơ hội được giãi bày tâm tư, nguyện vọng của mình. Cháu nghĩ như thế thật bất công. Nhưng cháu mà ý kiến thì bị coi là hỗn xược”. Khi được hỏi cháu có biết những quyền lợi mà cháu có được ở trong gia đình là gì, H.L. kể: “Có lần cháu mới đề cập việc con cái cũng có quyền nêu ý kiến, bày tỏ quan điểm của bản thân thì mẹ cháu đã nói ngay “trẻ con biết gì mà đóng góp”. Không bao giờ bố mẹ cho hai anh em cháu tham gia bàn bạc những việc trong gia đình, kể cả những việc có liên quan đến lợi ích của chúng cháu như mua áo quần, đồ dùng học tập của hai đứa. Ngay cả việc cho cháu đi học thêm các môn học mà ba mẹ cháu cũng chỉ thông báo cho cháu biết khi đã đăng ký xong ở trung tâm”.
Cũng trong tâm trạng bức xúc vì bị cha mẹ áp đặt, Q.D. - 13 tuổi (Q.Tân Bình, TP.HCM) - giãi bày: “Nhiều khi cháu thấy yêu cầu của cha mẹ không phù hợp, định đưa ra ý kiến thì đã bị mắng ngay: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt à? Chẳng lẽ cha mẹ lại mong điều xấu cho con”. Thế là cháu chỉ biết răm rắp chấp hành yêu cầu của cha mẹ như một cái máy. Cháu thật sự buồn cho chính bản thân mình”.
Trao đổi với một số phụ huynh về quyền con trẻ, đa số cha mẹ hiện nay lại cho rằng trẻ con thời này “lắm chuyện”, sống chỉ biết đòi hỏi cho bản thân, đúng là “được voi đòi tiên”, không biết quan tâm đến người khác. Chị H.T. (Q1, TP.HCM) - phụ huynh của hai cháu đang ở tuổi vị thành niên - phàn nàn: “Hôm vừa rồi, hai đứa con tôi đã trao đổi với một nhóm bạn thân của chúng để đề nghị kêu gọi tất cả các bậc cha mẹ phải công khai những quyền mà trẻ được hưởng trong gia đình. Nuôi dạy con cái thời này thật khó trăm bề, vừa phải đảm bảo cho con có đủ cái ăn, vừa phải quan tâm đến đời sống tinh thần. Vậy mà con còn lấy luật ra để “dọa” cha mẹ cơ đấy!”.
Trong thời đại ngày nay, nếu cha mẹ không tìm hiểu và công khai các quyền mà con trẻ được hưởng, chúng cũng sẽ tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Song, nếu điều đó diễn ra thì rất dễ làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Vì thế, tốt nhất là cha mẹ nên cùng con tìm hiểu các quyền mà con được hưởng, rồi trong hoàn cảnh cụ thể của gia đình mà vận dụng, như thế mới có sức thuyết phục đối với trẻ. Đã qua rồi cái thời “Cha mẹ nói oan, quan nói ép”, vì thế trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ cần quan tâm hơn đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của con, nhất là quyền được lắng nghe và thấu hiểu của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận