12/02/2009 10:58 GMT+7

Cho thuê nhà công vụ chia chác 80.000 USD: Ông Huỳnh Ngọc Sĩ và ông Lê Quả bị bắt tạm giam

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT(TP.HCM) - Ngày 11-2, đại tá Hồ Văn Minh - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37) - cho biết cơ quan điều tra đã thực hiện các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM và ông Lê Quả - nguyên phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM.

Ông Sĩ và ông Quả bị tạm giam trong thời hạn 4 tháng để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

cQ5TbtN9.jpgPhóng to

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị dẫn giải từ nhà riêng ở 350 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM ra xe về trại tạm giam - Ảnh: TTXVN

Cùng ngày, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nhà riêng hai bị can trên, thu giữ một số hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Vì sao không khởi tố hành vi nhận hối lộ?

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ “Vì sao không khởi tố ông Sĩ hành vi nhận hối lộ mà khởi tố hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ?” (trước đó ngày 8-12-2008 cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ xảy ra từ năm 2003-2006 tại Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM), đại tá Hồ Văn Minh - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an (C37), phó ban chuyên án - cho biết: “Bước đầu cơ quan điều tra có đủ chứng cứ về hành vi gì thì làm trước cái đó”.

Thượng tá Trần Văn Xuấn - phó trưởng phòng 6 (C37), người trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ án - cho biết theo thông tin ban đầu, trong thời gian còn đương chức, hai ông Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả đã đem căn nhà công vụ tại số 3 Nguyễn Thị Diệu, Q.3 cho các quan chức của Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản thuê làm văn phòng với giá 5.000 USD/tháng. Trong khoảng thời gian từ năm 2001-2002, phía PCI đã trả tiền thuê nhà tổng cộng 80.000 USD (tương đương 1,2 tỉ đồng). Số tiền này ông Sĩ, ông Quả và nhiều đối tượng khác không nộp cho cơ quan mà giữ lại đem chia nhau sử dụng vào mục đích riêng. Theo cơ quan điều tra, ông Sĩ và ông Quả được chia mỗi người 52 triệu đồng. Ngoài ra, ông Quả còn lấy 350 triệu đồng để chi vào một số việc khác.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP gửi Thường trực UBND TP, số tiền trên được chi bồi dưỡng cho 86 người với số tiền 808 triệu đồng (trong đó đứng đầu danh sách là ông Sĩ và ông Quả nhận mỗi người 52 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng), chi cho tập thể trên 37,6 triệu đồng, cá nhân ông Lê Quả sử dụng 350 triệu đồng. Đến trước thời điểm bị khởi tố bắt tạm giam, hai ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Lê Quả và các đối tượng khác đã đem nộp cho cơ quan gần 790 triệu đồng.

Sẽ xem xét mở rộng vụ án

Một thành viên ban chuyên án khẳng định vụ án này không liên quan đến vụ các cựu quan chức PCI khai nhận đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ mà báo chí nước ngoài đã đưa tin. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xem xét, mở rộng vụ án.

Trước đó, lúc 8g cùng ngày, ông Huỳnh Ngọc Sĩ và ông Lê Quả đã có mặt tại C37 (văn phòng phía Nam) theo quyết định triệu tập của cơ quan điều tra. Đến 13g40, ông Sĩ được tổ công tác C37 đưa lên xe về nhà riêng tại 350 Võ Văn Tần, P.5, Q.3. Tại đây, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Cùng thời điểm trên, một tổ công tác khác của C37 đã đưa ông Lê Quả về nhà riêng tại Q.7, TP.HCM để thực hiện quyết định tương tự. Đến 15g, cơ quan điều tra đã hoàn tất việc tống đạt quyết định và đưa thẳng các bị can về trại tạm giam Bộ Công an.

Đến cuối ngày, cơ quan điều tra đã di lý bị can Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả ra Hà Nội để thuận lợi trong công tác điều tra.

Được biết, phía gia đình ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã mời luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) bảo vệ quyền lợi cho bị can này ngay từ giai đoạn điều tra.

* Ông Huỳnh Ngọc Sĩ

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ sinh ngày 24-1-1953 tại Quảng Ngãi, vào đảng ngày 25-7-1989. Trình độ chuyên môn: kỹ sư cầu đường. Đã học lớp cao cấp chính trị và các lớp bồi dưỡng về quản lý kinh tế và quản lý nhà nước.

Chức vụ đã kinh qua: từ năm 1989-1995 làm quyền giám đốc và sau đó là giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông lâm sản xuất khẩu thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM. Năm 1995-1999 làm giám đốc Công ty sản xuất kinh doanh và dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, năm 1999-2000 là chỉ huy phó Lực lượng Thanh niên xung phong TP. Tháng 10-2000 đến năm 2008 làm phó giám đốc Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải - GTVT) kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM (gọi tắt là dự án đại lộ Đông - Tây).

Ngày 19-11-2008, UBND TP đã ra quyết định đình chỉ chức vụ phó giám đốc Sở GTVT kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây của ông Sĩ. Ngày 21-11-2008, UBND TP ra quyết định bổ nhiệm ông Lê Toàn - phó giám đốc Sở GTVT kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây.

PtEd5z50.jpgPhóng to
Ông Lê Quả
* Ông Lê Quả

Ông Lê Quả sinh năm 1939 tại Bắc Giang. Trình độ chuyên môn: giáo sư, tiến sĩ về kinh tế bưu điện. Từng làm giảng viên điện kỹ thuật ở Trường ĐH GTVT Hà Nội. Từ năm 1990-1999 làm giám đốc Trung tâm khoa học kinh tế GTVT (nay là Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT phía Nam) thuộc Viện Chiến lược GTVT - Bộ GTVT.

Năm 1999 do có học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ khi đến tuổi hưu ông Lê Quả vẫn được chuyển sang làm chuyên viên và ngay sau đó được Sở GTVT TP mời về làm chuyên viên cao cấp cho Sở GTVT. Tháng 3-2000, UBND TP.HCM bổ nhiệm ông Lê Quả làm phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và nghỉ hưu năm 2005.

N.Ẩn

_____________________

Hai dự án liên quan đến PCI

Vs7DP1sd.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị dẫn giải từ cơ quan điều tra về nhà riêng để tống đạt lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam - Ảnh: H.K.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ giữ chức phó giám đốc Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải) TP.HCM từ năm 2000 đến tháng 11-2008.

Ông Sĩ còn kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, trực tiếp quản lý hai dự án lớn có sự tham gia của PCI với quy mô 930 triệu USD.

Vẫn tạm ngưng giải ngân với Công ty tư vấn PCI ở dự án đại lộ đông - tây

Đầu tháng 1-2009, Bộ Kế hoạch - đầu tư ra thông báo cho biết phía Nhật đồng ý bãi bỏ tạm ngưng giải ngân các hợp đồng tư vấn của PCI gồm sáu dự án ở VN. Riêng dự án đại lộ đông - tây vẫn tạm ngưng giải ngân với Công ty tư vấn PCI.

1. Dự án đại lộ Đông - Tây TP.HCM có tổng vốn đầu tư 660,6 triệu USD, xây dựng dài hơn 23km qua các quận huyện 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và Bình Chánh, trong đó xây dựng hầm Thủ Thiêm dài 1,45km. Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) đã tham gia dự án này ở hai gói thầu:

- Gói thầu tư vấn 1: “Tư vấn thiết kế chi tiết đại lộ đông - tây và giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng sáu khu tái định cư”. Bao gồm thiết kế chi tiết đại lộ đông - tây, giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng sáu khu tái định cư được sử dụng vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), trợ giúp đấu thầu, trợ giúp chính sách an toàn giao thông, thực hiện dịch vụ trợ giúp xã hội đối với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trợ giúp ban quản lý dự án thành lập đơn vị quản lý đặc biệt để quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình và chuyển giao công nghệ. Gói thầu trị giá 1.176,2 triệu yen Nhật và 49,7 tỉ đồng (tổng cộng tương đương 196 tỉ đồng).

- Gói thầu tư vấn 2: “Tư vấn giám sát xây dựng đại lộ đông - tây”, trị giá 1.834,6 triệu yen và 63,1 tỉ đồng (tổng cộng tương đương 295 tỉ đồng). Đây là gói thầu được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu, hồ sơ. Ở dự án này xảy ra sự cố nghiêm trọng nhất là vụ nứt bốn đốt hầm Thủ Thiêm (mỗi đốt hầm dài 93m, rộng 33m và cao gần 9m, có trọng lượng khoảng 27.000 tấn) đang ở bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai), trong đó có những vết nứt kéo dài 2-3m. Có vết nứt thẳng đứng kéo dài gần hết chiều cao đốt hầm và có vết nứt đến 0,3mm vượt quá giới hạn cho phép. Đầu tháng 1-2009, các cơ quan thẩm quyền đồng ý thuê đơn vị tư vấn độc lập Connell Wagner (Úc) với kinh phí 16 tỉ đồng để đánh giá nguyên nhân các vết nứt và đưa ra biện pháp xử lý khắc phục các vết nứt. Theo ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, dự kiến trong tháng 3-2009 sẽ tiến hành xử lý các vết nứt. Do sự cố nứt bốn đốt hầm nên việc đưa bốn đốt hầm từ Nhơn Trạch về lắp đặt ở sông Sài Gòn nối Q.1 và Q.2 đã chậm ba tháng so với kế hoạch.

2. Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư 270,3 triệu USD (tương đương 4.163,9 tỉ đồng). PCI liên danh với Công ty Tư vấn thoát nước và môi trường VN và Công ty Tư vấn cấp thoát nước số 2 làm đơn vị tư vấn thiết kế. Dự án do vốn ngân sách tài trợ và tư vấn kỹ thuật do JBIC tài trợ. Giá trị gói thầu tư vấn này là 216,5 tỉ đồng.

Tháng 6-2006 nhà thầu N.E.S.JV (Nhật) - đơn vị thi công gói thầu E - xây dựng nhà máy xử lý nước thải trị giá gần 100 triệu USD ở huyện Bình Chánh, đã đóng xong khoảng 8.000 trong tổng số 8.900 cọc bêtông cốt thép (mỗi cọc có đường kính 400x400mm và dài 39-41m), trong đó có 5.227 cọc ở khu A có sự cố lớn. Qua khảo sát, số cọc lệch quá giới hạn cho phép là 2.563 cọc và số cọc lệch trong giới hạn cho phép là 2.664 cọc. Các cơ quan thẩm quyền đã thuê đơn vị tư vấn độc lập - Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn - tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Cuối tháng 12-2006, Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP đã có kiến nghị về biện pháp xử lý sự cố và khẳng định các chi phí xử lý do nhà thầu N.E.S.JV chịu trách nhiệm. Đầu năm 2009, nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp