16/06/2023 07:40 GMT+7

Cho thuê lòng đường, vỉa hè: Người bán mong được đóng phí, người dân nhắc đến lợi ích cộng đồng

Nhiều ý kiến phản hồi về việc TP.HCM đề xuất triển khai thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Phần nhiều hơn là các ý kiến bày tỏ ủng hộ, đồng thời góp ý giải pháp hài hòa lợi ích cộng đồng.

Bãi giữ xe có thu phí qua app My Parking trên đường Ngô Đức Kế, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bãi giữ xe có thu phí qua app My Parking trên đường Ngô Đức Kế, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Báo Tuổi Trẻ trích các ý kiến bạn đọc xung quanh chuyện cho thuê lòng đường, vỉa hè.

Chị Trương Thị Thu Nga (một chủ nhà mặt tiền ở TP Thủ Đức):

Ưu tiên lối đi khi cho thuê lòng đường, vỉa hè

TP.HCM nên cho thuê lòng đường, vỉa hè để quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Từ nhiều năm nay, không gian mặt tiền này bị chiếm dụng buôn bán tràn lan, không kiểm soát được dẫn tới mất mỹ quan, ảnh hưởng an toàn giao thông.

Tuy nhiên, nếu cho thuê thì cần giải quyết hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất, việc cho thuê lòng đường, vỉa hè có cản lối đi? TP.HCM vẫn phải làm sao ưu tiên lối đi bộ, nơi dừng đậu phương tiện công cộng.

Vấn đề thứ hai là quy hoạch phần diện tích cho thuê phù hợp, không để xảy ra xung đột giữa chủ nhà mặt tiền và người thuê. Người thuê có trách nhiệm không chiếm dụng, cản trở đi lại, trường hợp không tuân thủ thì chế tài nghiêm.

Chúng ta chỉ nên cho thuê lòng đường, vỉa hè với điều kiện đủ bề rộng đáp ứng nhu cầu công cộng. Toàn bộ tiền cho thuê được công khai sử dụng vào nâng cấp, sửa chữa đường sá, vỉa hè.

Ông Phạm Văn Phố (quận 6):

Ràng buộc trách nhiệm bên thuê

Thu phí để tăng thu ngân sách, quan trọng hơn là tăng tính quản trị bài bản đối với sử dụng lòng đường, vỉa hè. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới họ đã thu hiệu quả nhưng TP.HCM sẽ không tránh khỏi nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Do đó, trước khi áp dụng nên có khảo sát đối với người thụ hưởng, các hộ dân bị tác động. Thực tế, lòng đường, trật tự lòng lề đường ở TP.HCM chưa đảm bảo. 

Muốn cho thuê cần dọn dẹp thật ổn định. Khi cho thuê cần ràng buộc trách nhiệm cá nhân, tổ chức thuê giữ gìn trật tự lòng, lề đường, không tự ý cho thuê lại. Định kỳ, Sở GTVT TP.HCM cùng các địa phương phối hợp kiểm tra, nhắc nhở, chế tài nếu xảy ra vi phạm.

Ông Võ Hoài Thu (phó ban dân chủ pháp luật MTTQ huyện Bình Chánh):

Cân nhắc an sinh xã hội

TP.HCM muốn thu phí nên cân nhắc đến chỉnh trang đô thị, an sinh xã hội. Nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là rất lớn, tuy nhiên công tác quản lý nhiều năm qua chưa đủ chặt chẽ. Điều này dẫn tới tình trạng chiếm dụng vỉa hè, thậm chí còn có tình trạng bảo kê, gây ra nhiều bức xúc.

Phần lớn người "buôn gánh bán bưng" trên lòng đường, vỉa hè là người lao động, người dân nhập cư. Do đó, công tác vận động dọn dẹp trật tự lòng lề đường để thu phí không đơn giản, phải tính toán kỹ lưỡng.

Ai chịu trách nhiệm thu phí?

Về đơn vị chịu trách nhiệm thu phí, nhiều chuyên gia cho rằng nên tổ chức đấu thầu cho đơn vị độc lập làm. Nếu phân cấp cho quận, huyện hay sở ngành thu thì dễ chồng chéo quyền và trách nhiệm.

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - chia sẻ vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông. Khi tổ chức cho thuê sẽ kẻ vạch, quy định khu vực tránh lấn chiếm, có chế tài nghiêm khắc.

Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị nộp 100% vào ngân sách TP.HCM chi phí cho việc thu phí được lập cấp theo dự toán được duyệt hằng năm và phục vụ duy tu, bảo trì lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, sẽ tính toán thêm để sử dụng một phần vào nâng cấp công nghệ, nhân lực…

Mong được đóng phí thuê vỉa hè

Anh trai tôi là chủ một quán cà phê ở TP Thủ Đức. Nhiều lúc khách đến quán phải để xe ở cả vỉa hè, chiếm một phần lòng đường.

Bà con xung quanh phàn nàn, phường gọi anh tôi lên nhắc nhở, sau đó thì phạt. Mức phạt thông thường hơn 2 triệu đồng/lần. Những người kinh doanh như anh tôi đều mong muốn được đóng phí để sử dụng vỉa hè buôn bán, chỉ cần chính quyền đưa ra những quy định rạch ròi.

Có một thực tế vẫn âm ỉ chuyện người kinh doanh ở mặt tiền vẫn phải nộp phí không chính thức, các khoản "lót tay" khi kinh doanh ở mặt tiền. Khi còn "lợi ích đen", Nhà nước không quản lý được vỉa hè cũng chẳng thể thu được khoản phí nào. Việc thu phí trước hết đảm bảo công bằng cho những chủ quán thuê mặt bằng kinh doanh khi họ đã đóng tiền đàng hoàng theo quy định.

Người thuê sẽ có ý thức giữ gìn trật tự, mỹ quan đối với phần vỉa hè được thuê vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng dễ dàng hơn trong hoạt động quản lý, có thể thu hồi giấy phép và phạt những hộ vi phạm.

Bạn đọc THIÊN ÂN

Có công khai đấu giá hay không với trường hợp nhiều người muốn thuê cùng một địa điểm? Làm sao để tránh xảy ra tình trạng chỉ người quen mới được thuê để chung hưởng lợi ích nhóm.
Bạn đọc Tuấn

Dẹp lợi ích nhóm

- Nếu người thuê lạm dụng lấn chiếm thêm vỉa hè, lòng lề đường thì xử lý ra sao? Đây là vấn đề cần quy định rõ. (Bạn đọc Hai Lúa)

- Lòng lề đường có thể cho đậu xe có thu phí trong 1-2 tiếng (ngoài giờ cao điểm), còn cho thuê tháng thì nên tính lại. (Bạn đọc Bình Yên)

- Ủng hộ phương án cho thuê vỉa hè nhưng phải đảm bảo hai điều kiện. Một là, vỉa hè cho thuê phải còn lại ít nhất 1m cho người đi bộ. Hai là, tiền thu được ưu tiên dùng để nâng cấp sửa chữa đường sá tại địa phương. (Bạn đọc 0903******25)

- Tôi nghĩ người dân kinh doanh sẽ vui lòng đóng phí thuê vỉa hè. Nay chính thức cho thuê, có hóa đơn biên lai đầy đủ sẽ giúp người kinh doanh khai báo thuế theo chi phí khấu trừ minh bạch. (Bạn đọc Khoa Nguyen)

C.DŨNG tổng hợp

TP.HCM cho thuê lòng đường, vỉa hè ra sao?TP.HCM cho thuê lòng đường, vỉa hè ra sao?

Sáng 13-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội cho dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp