Phóng to |
Với chỗ ngồi rộng 1,4m, tiểu thương này phải trả 40.000 đồng/buổi sáng cho chủ nhà - Ảnh: M.H. |
Nhà này có hai mặt tiền phía đường Hồ Ngọc Cẩn và đường Thương Mại 3. Chủ nhà cho khoảng 10 tiểu thương chen nhau ngồi sát bên hông và hai bên cửa mua bán để thu mỗi người 40.000-50.000 đồng/ngày.
Theo các tiểu thương, từ năm 2001, khi đường Thương Mại 3 vẫn là con đường đất, một số tiểu thương đã mang rau quả ra ngồi bán sát bên hông nhà 22/3 Hồ Ngọc Cẩn.
Khoảng năm 2006, khi sắp xếp lại chợ Trung Chánh, vì số tiểu thương quá đông, UBND xã Trung Chánh đồng ý để số tiểu thương này ngồi bán tạm tại vị trí cũ. Các tiểu thương này cũng phải đóng tiền hoa chi như các tiểu thương bán tại các sạp trong chợ.
“Khi đó, bà chủ nhà 22/3 Hồ Ngọc Cẩn lắp bạt che, rồi thu của tụi tui mỗi người 5.000 đồng. Thấy số tiền không lớn, mình cũng nể vì bán hàng ở gần nhà người ta nên tụi tui vui vẻ đồng ý và không có thắc mắc gì. Nhưng số tiền chủ nhà thu ngày càng tăng, đến nay đã là 50.000 đồng/ngày, cao hơn gấp nhiều lần trong chợ. Vì đã quen chỗ ngồi, quen khách nên tụi tui phải đành chấp nhận” - bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, tiểu thương bán hàng tại hông nhà 22/3 Hồ Ngọc Cẩn, kể.
Bà Đinh Nguyễn Thu Hiền, chủ nhà 22/3 Hồ Ngọc Cẩn, thừa nhận việc bà “cho mướn” chỗ bán nhiều năm nay nhưng giải thích đó là việc các bên tự thỏa thuận.
“Cũng có khi vì buôn bán được nhiều mà chị em còn vui vẻ cho chủ nhà thêm tiền. Giá thuê cũng từ đó tự nhiên hình thành nên, chứ không phải tôi ép buộc ai cả” - bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, mọi việc chỉ trở nên căng thẳng khi cha mẹ chồng bà ngăn chia căn nhà 22/3 Hồ Ngọc Cẩn. Khi đó, vợ chồng bà trổ cửa nhà này (phần được cha mẹ chồng chia) ra phía đường Thương Mại 3 để bán cơm, còn phần nhà phía mặt tiền đường Hồ Ngọc Cẩn vẫn do ba mẹ chồng bà quản lý.
“Lúc này, ba chỗ ngồi bán của bà Hằng ngay giữa cửa chính nhà tôi nên tôi yêu cầu bà Hằng dời đi nhưng bà Hằng không chịu vì cho rằng đây là đường do Nhà nước quản lý...” - bà Hiền nói.
Ông Phan Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND xã Trung Chánh, khẳng định việc các hộ dân có nhà ở gần chợ Trung Chánh thu tiền của các tiểu thương với giá cao là không hợp pháp.
“Các tuyến đường trên do Nhà nước quản lý, chỗ ngồi bán cũng là diện tích đất công do UBND xã sắp xếp cho buôn bán tạm, không ai được phép thu tiền của họ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh và sẽ có biện pháp xử lý nếu như có bằng chứng cho thấy có việc vi phạm” - ông Tuấn nói.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Chính quyền có thể thu lại tiền Theo Luật đất đai 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê... khi có các điều kiện sau đây: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất... Theo Bộ luật dân sự 2005, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật... Như vậy, việc bà Hiền cho thuê đất không thuộc quyền sử dụng của mình là vi phạm pháp luật. Theo Bộ luật dân sự, việc cho thuê đất nêu trên là vô hiệu nên về nguyên tắc, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, phục hồi nguyên trạng. Trước đây, một bên là chủ nhà có nhận tiền, bên kia là tiểu thương có sử dụng đất. Bên sử dụng đất đã có thời gian được sử dụng rồi, bên cho thuê đất công thu là vi phạm. Nếu có tranh chấp xảy ra, số tiền bên cho thuê đất đã nhận có thể bị chính quyền thu lại (trường hợp chủ nhà chứng minh được rằng mình có giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... khi cho tiểu thương ngồi bán gần nhà thì có quyền cấn trừ lại một phần tiền...). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận