Cách đây chưa lâu, với chiêu giả danh giáo viên, nhân viên y tế để gọi điện cho phụ huynh báo tin con em họ bị nạn ở trường, đang nhập viện và yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản lạ. Thông qua tài khoản của người khác, kẻ gian dễ dàng chiếm đoạt hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Lợi nhỏ, nguy lớn
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM, khi xác minh sự việc, các số điện thoại lừa đảo đều tắt máy, không còn hoạt động, không xác định được chủ thuê bao, cũng không thể hiện vị trí GPS.
Cơ quan công an xác minh được chủ tài khoản đã nhận tiền nhưng những người này đã bán tài khoản cho người khác với số tiền 1,5 - 2 triệu đồng/tài khoản.
Tiền chiếm đoạt qua tài khoản được "tẩu tán" rất nhanh, chỉ trong vòng từ 10 - 30 phút ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền.
Tiền được chia nhỏ, sử dụng để mua hàng hóa điện tử tại các trang thương mại của nước ngoài hoặc chuyển tiền vào ví điện tử mua thẻ cào điện thoại, thẻ game... chứ không rút tiền mặt.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, nhiều người dân dễ bị kẻ gian lôi kéo, thuê mướn dùng thông tin giấy tờ cá nhân đăng ký mở tài khoản ngân hàng sau đó thu mua lại với giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Đa số những người được thuê mở tài khoản không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật. Các đường dây lừa đảo là người nước ngoài tổ chức tìm người cung cấp số tài khoản (để nhận tiền lừa đảo), mỗi số tài khoản thuê thì đối tượng trả công từ 400.000 - 700.000 đồng.
Đối mặt với rắc rối và án phạt
Theo cảnh báo của thượng tá Lê Mạnh Hà, việc tiếp tay cho tội phạm sử dụng lừa đảo thì hành vi cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Mức xử phạt tiền 40 - 100 triệu đồng căn cứ vào các khoản 5, khoản 6 điều 26, nghị định 88/2019/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng). Tùy mức độ người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội danh tại điều 291 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Thực tế, sau khi biết mình bị lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản, nạn nhân liên hệ với ngân hàng (nơi mở tài khoản) yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản hoặc chặn việc giao dịch. Tuy nhiên, kẻ gian thường "tẩu tán" tiền rất nhanh sang nhiều tài khoản khác.
Nhiều khi, các ngân hàng cần phải có sự phối hợp của cơ quan công an mới vào cuộc được. Kẻ gian cao chạy xa bay, rắc rối pháp lý chủ tài khoản khó tránh.
Tài khoản: ai bán, ai mua?
Với thủ tục mở tài khoản ngân hàng ngày càng đơn giản, nhanh chóng hiện nay hầu như ai cũng có thể mở tài khoản ở một hoặc nhiều ngân hàng. Nhưng tại sao có những người đi mua và mua nhiều tài khoản? Có bao giờ người bán tài khoản tự hỏi vì sao họ muốn mua, mua dùng vào việc gì?
Chỉ những người có mục đích phi pháp mới phải cất công thuyết phục chủ nhân bán lại. Người bình thường không ai tự gây rắc rối cho mình bằng cách "cất tiền" trong ví của người khác.
Những người săn lùng mua tài khoản ngân hàng hay nhắm đến dụ dỗ công nhân, sinh viên thực hiện đăng ký tài khoản sau đó bán lại.
Đồng ý chuyển nhượng ngay lập tức "bỗng dưng có tiền". Và không ít trường hợp sau khi trót "tiền trao cháo múc" mới ân hận vì việc đã làm. Món lợi nhỏ trước mắt vài triệu đồng cũng không thể bù đắp thiệt hại quá lớn, lâu dài.
Bán tài khoản nghĩa là gián tiếp tạo điều kiện cho kẻ xấu lừa đảo nhiều người trên không gian mạng. Thậm chí người đứng tên tài khoản có nguy cơ vướng vào vòng lao lý.
Sau khi mua được tài khoản, đôi khi kẻ gian lại còn yêu cầu cung cấp bản chụp hoặc photo căn cước công dân, mã số thuế, ảnh chân dung với lý do "ngân hàng yêu cầu bổ sung" (dù ngân hàng không yêu cầu). Những giấy tờ tùy thân quan trọng nhất này có thể được dùng trong những chuyện mạo danh, phi pháp khác.
Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn khi những tài khoản do mua mà có tiếp tục được "sang tay". Đường đi của chuyện mờ ám tất nhiên không thẳng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong khâu "truy vết" kẻ gian.
Không chỉ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những trường hợp có ý đồ rửa tiền cũng hay lợi dụng số tài khoản người khác để đăng ký trong giấy phép kinh doanh, giao dịch với "đối tác".
Sống cùng rắc rối sau khi lỡ bán đi tài khoản ngân hàng là chuyện không hiếm khi ngày càng nhiều nhóm người trong các đường dây gom mua tài khoản đã ra tòa. Còn bao nhiêu nhóm trong bóng tối?
Còn bao nhiêu người phập phồng lo lắng khi lỡ bán tài khoản mang tên mình? Lúc bấy giờ chỉ còn biết trông chờ vào "hên xui", vì lý do nào đó người mua chủ động khóa hoặc hủy tài khoản. Thế nhưng, "may mắn" này chỉ có thể đến sau khi kẻ gian đã kiếm được lợi nhuận siêu khủng.
Trên mạng đang có nhiều kiểu quảng cáo rao mua tài khoản ngân hàng. Những thông tin kiểu này cần phải được bóc gỡ. Một số người lầm tưởng chuyện bán tài khoản này là vô hại nên thiếu đề phòng. Một số người vì tham chút tiền mà tiếp tay kẻ gian trong các kiểu lừa tiền qua mạng và nhận tiền qua tài khoản.
ĐỨC TUẤN
Chặn việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng
Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an triển khai việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó, ngân hàng sẽ làm sạch được dữ liệu, xác thực khách hàng.
Về tình trạng cho thuê, cho mượn tài khoản, ông Tuấn nhấn mạnh thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận rất nhiều văn bản của cơ quan công an ở nhiều tỉnh, thành phố điều tra về việc mua bán có liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản.
"Rất khổ là nhiều người dân, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn vẫn cho rằng việc cho mượn, cho thuê tài khoản là bình thường. Chính vì vậy, họ đã bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để thuê, mượn và sử dụng tài khoản ngân hàng", ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, Luật Hình sự nghiêm cấm việc chiếm đoạt sử dụng trái phép tài khoản của người khác. Nhưng chế tài xử phạt hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản lại chỉ phạt hành chính. Nên đây là điểm khiến tình trạng cho thuê, cho mượn tài khoản vẫn diễn ra.
Giải pháp để ngăn chặn tình trạng cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, ông Tuấn khẳng định khi định danh được khách hàng, ngành ngân hàng sẽ xử lý được tình trạng này.
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ nghị định và ban hành thông tư hướng dẫn triển khai kết nối dữ liệu.
Ngoài ra, một vấn đề nữa mà Ngân hàng Nhà nước rất đồng thuận với Bộ Công an là các tổ chức tín dụng cũng phải có trách nhiệm trong việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng. Tổ chức tín dụng không thể chỉ cho mở tài khoản để phát triển mạng lưới và thu lợi để rồi những hậu quả, rủi ro là cơ quan quản lý phải xử lý.
L.THANH
Qua đó loại bỏ những tài khoản rác, tài khoản đáng ngờ, tài khoản không chính chủ như được làm từ chứng minh thư giả và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận