Doanh nghiệp cần lắm những “món quà” như thế, nhất là khi báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư về thực thi nghị quyết 19/2015 của Chính phủ vẫn còn liệt kê hàng loạt quy định, thủ tục gây khó cho doanh nghiệp.
Việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Nhưng suốt 7 năm qua, điều doanh nghiệp “kêu” nhiều về cách thức kiểm tra, lô hàng nào cũng kiểm tra trong khi chi phí kiểm tra mỗi mẫu mất khoảng 2 triệu đồng, chưa kể đó còn là thời gian, cơ hội kinh doanh.
Có doanh nghiệp cỡ nhỏ mất tới 1 tỉ đồng/năm cho khoản kiểm tra này, nếu nhân lên với cộng đồng khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may, chi phí đã mất đi hàng nghìn tỉ đồng, dù tỉ lệ phát hiện vi phạm chỉ dưới 1%.
Việc bỏ thông tư 37 của Bộ Công thương là động thái tích cực đáng được ghi nhận, cho thấy lãnh đạo bộ đã cầu thị hơn thay vì chỉ thay đổi cho có, chẳng giúp gì cho doanh nghiệp như trước đây (quy định về kiểm tra formaldehyde đã được thay đổi một lần nhưng được đánh giá còn… gây khó hơn).
Từ sự chuyển biến này, đang có kỳ vọng lớn hơn Bộ Công thương sẽ có những thay đổi tiếp theo trong những thủ tục như khai báo hóa chất, dán nhãn năng lượng…
Đó là những thủ tục mà doanh nghiệp đã phản ảnh từ lâu, hiệu quả không cao, gây tốn kém. Trong đó có thủ tục cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất, doanh nghiệp khai nhưng vẫn phải được Bộ Công thương… xác nhận đã khai, trong khi bộ hoàn toàn có thể lấy thông tin từ Tổng cục Hải quan.
Hay quy định dán nhãn năng lượng, doanh nghiệp nhập một số loại môtơ phải đem hàng ra Hà Nội để kiểm tra, kiểm định, rồi dán nhãn...
Và không chỉ Bộ Công thương, những ý kiến mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tập hợp từ các doanh nghiệp cho thấy còn nhiều thủ tục từ các bộ, ngành khác đang rất kỳ vọng được thay đổi, họ chờ được reo vui với những “món quà” như Bộ Công thương vừa trao tặng dịp 13-10.
Như Bộ Khoa học - công nghệ với việc rà soát “Danh mục hàng hóa nhóm 2” để loại các sản phẩm không thật sự có nguy cơ cao về an toàn, không có quy chuẩn ra khỏi danh mục.
Thực tế cho thấy có những sản phẩm không được quy định bởi luật nhưng các bộ đã nới ra, đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2.
Đặc biệt, có sản phẩm không có quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng vẫn thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Hay Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Thông tin - truyền thông… cũng còn nhiều thủ tục được Bộ Kế hoạch - đầu tư đánh giá còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh việc cải cách những thủ tục gây khó khăn, phiền hà, điều quan trọng không kém là cần hạn chế ngay từ đầu những quy định theo hướng tiền kiểm, tạo ra cơ chế xin cho.
Đưa ra quy định thì dễ nhưng chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, khó cho doanh nghiệp, cho xã hội thì cần xem lại.
Nhưng không chỉ có thế, cơ quan quản lý cần lựa chọn cách thức quản lý phù hợp, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Muốn vậy phải áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, loại bỏ lợi ích nhóm để giữ mục tiêu cao nhất là dựa trên quyền lợi của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận