Khái niệm “khởi nghiệp” cũng được ông Trần Văn Phú - chủ tịch Tập đoàn SCAVI - nhìn nhận: đó không chỉ là mở doanh nghiệp, mở công ty làm chủ mà còn là bắt đầu công việc ở một công ty, một doanh nghiệp và làm tốt công việc mình, làm cho nó phát triển. Đơn giản, khởi nghiệp là khởi đầu cho một công việc. “Nếu các bạn đã xác lập được nhiệm vụ bản thân, khi khởi nghiệp chính nhiệm vụ đó sẽ kéo bạn đi theo đà phát triển của công việc, của doanh nghiệp. Đừng bao giờ nghĩ khởi nghiệp là mình phải làm chủ doanh nghiệp, hãy làm chủ công việc trước khi làm chủ doanh nghiệp”, ông Phú nói.
Nhiều bạn trẻ băn khoăn: làm thế nào để khởi nghiệp thành công? Ông Đào Quang Dũng - chủ tịch Công ty Đầu tư xúc tiến thương mại quốc tế Việt Business Clubs - chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp sớm và cũng thất bại rất nhiều. Nhưng từ thất bại đó, tôi không nản chí và mình quyết tâm làm lại, mỗi lần làm lại là mình sửa những cái ngày xưa mình từng thất bại”. Ông nhắn nhủ: nếu muốn thành công hãy nhớ tới từ “uy tín”. Đó không phải là điều lớn lao, chỉ là những chuyện nhỏ, như cam kết hoàn thành đúng công việc chẳng hạn. “Nếu bạn sống uy tín thì dù thất bại cũng còn nhiều người xung quanh ủng hộ bạn”, ông Dũng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Chân - viện trưởng Viện Kỹ thuật tính toán Icome - cho rằng rất hiếm người ngay từ đầu đặt ra mục tiêu và phấn đấu suốt đời vì mục tiêu đó. Bản thân mỗi người cần một giai đoạn chín muồi nào đó mới xác định được mục tiêu lý tưởng cho bản thân. Ngay như ông Chân, lúc đầu học kỹ sư xây dựng rồi học tiến sĩ vật liệu thông minh, làm kinh tế tri thức... “Tôi nghĩ chúng ta cứ làm và làm rồi đến lúc chúng ta sẽ thấy được mục tiêu cho chính bản thân mình”, ông Chân nói. Nhiều vị khách mời khác cũng cho biết không dễ gì xác lập được mục tiêu cuộc đời ngay từ đầu. Vì vậy hãy làm việc một cách có trách nhiệm và đến một lúc mục tiêu cuộc đời sẽ đến.
Vốn để khởi nghiệp là điều các bạn trẻ quan tâm. Ông Đào Quang Dũng cho biết nếu muốn có vốn, trước hết cần có dự án phải khả thi. Có dự án tốt, ý tưởng tốt khắc có được người cấp vốn. Tiến sĩ Nguyễn Trần Chân vẽ đường: “Nếu không có vốn, các bạn hãy biến ý tưởng thành những dự án cụ thể và chúng ta có thể bán bản quyền”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận