Cuộc đua song mã "Harris - Trump" hiện nay được coi là so kè sát nút, và bất kỳ sự cố nào xảy ra chỉ trong vòng bốn tuần trước ngày bầu cử cũng có thể được coi có thể tác động lớn đến việc ai là chủ nhân của Nhà Trắng trong vòng bốn năm kế tiếp.
"Tháng 10 bất ngờ"
Việc tập trung quan sát các động thái của các ứng cử viên vào tháng 10 không phải là không có lý do. Đã có nhiều sự kiện xảy ra vào tháng 10, tháng quyết định trước ngày bầu cử, mà nhiều người đặt tên là "Tháng 10 bất ngờ" bởi vì tác động gây bất ngờ vào phút cuối của nó.
Trong hai kỳ bầu cử gần đây nhất vào 2016 và 2020, tháng 10 chứng kiến các tình tiết mới được tung ra nhằm thay đổi lựa chọn trên phiếu bầu của cử tri. Đúng ngày 7-10-2016, tờ Washington Post tiết lộ đoạn băng "Access Hollywood", trong đó ông Trump khoe khoang về việc sờ soạng phụ nữ; rồi cũng trong tháng 10-2016, giám đốc FBI lúc đó là James Comey mở lại cuộc điều tra của FBI về máy chủ email riêng của bà Hillary Clinton. Vào tháng 10 bốn năm sau đó, tranh cãi đã nổ ra về các báo cáo dữ liệu nằm trong máy tính xách tay của Hunter Biden - con trai của ông Joe Biden.
Đối với cuộc bầu cử năm nay thì hiện do không có thêm cuộc tranh luận nào được lên lịch giữa các đối thủ nên vẫn chưa có bước ngoặt mang tính quyết định để có thể tác động làm thay đổi thêm các con số khảo sát vốn vẫn gần như giữ nguyên trong nhiều tuần.
Chỉ còn chưa tới 30 ngày trước cuộc bầu cử nhưng kết quả cuộc bầu cử vẫn rất khó đoán. Hay nói cách khác, điều duy nhất có thể đoán được một cách chắc chắn là kết quả khó lường. Về lý thuyết, bất kỳ sự cố nào có ý nghĩa to lớn đối với khoảng vài chục hay trăm ngàn cử tri ở một số bang chiến trường sẽ quyết định cuộc bầu cử này.
Các tiểu bang như Arizona hoặc Wisconsin từng được quyết định chỉ bằng 10.000 phiếu bầu. Ông Trump đã chiến thắng ở các bang ủng hộ Đảng Dân chủ (hay còn gọi là "bức tường xanh") như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin với khoảng cách hàng chục ngàn phiếu bầu vào năm 2016, nhưng ông Biden đã giành lại chúng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Các yếu tố có thể gây bất ngờ
Nước Mỹ hiện phải đối mặt với các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử như cuộc xung đột ở Trung Đông đang lan ra, cuộc đình công kéo dài của công nhân cảng ở tiểu bang North Carolina có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng đang mệt mỏi vì lạm phát, và hậu quả của cơn bão Helene cũng như chiến dịch cứu trợ nạn nhân.
Hiện bà Harris đang được nhiều người nổi tiếng ủng hộ như cựu tổng thống của Đảng Dân chủ Barack Obama ở các hoạt động trong tháng cuối cùng trước bầu cử.
Ông Obama sẽ xuất hiện tại các sự kiện của chiến dịch tranh cử và đưa tên mình vào email cũng như tài liệu gây quỹ cho bà Harris. Ngoài ra, những đảng viên Cộng hòa chống ông Trump như cựu hạ nghị sĩ Liz Cheney (con gái của cựu phó tổng thống Dick Cheney) cũng sẽ vận động cho bà Harris và cố gắng thu hút những người ôn hòa, những cử tri độc lập và thậm chí cả những đảng viên Cộng hòa chống ông Trump.
Tuy nhiên, bà Harris trong vai trò phó tổng thống cũng phải chịu trách nhiệm về các chính sách hiện hữu khiến người dân không hài lòng. Đặc biệt, vấn đề Trung Đông hiện là một nguy cơ cho bà Harris khi các cử tri gốc Ả Rập đang đòi hỏi chính quyền Biden phải có các chính sách cứng rắn hơn đối với Israel. Đó có thể là một lợi ích và cũng là một gánh nặng khi ứng cử viên đảm nhiệm chức vụ phó tổng thống đương nhiệm.
Trong khi đó, ông Trump hiện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người giàu nhất thế giới Elon Musk - người đã xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania vào hôm 5-10. Nhưng vào ngày 2-10, một tài liệu dài 165 trang được công bố, trong đó công tố viên đặc biệt Jack Smith đưa ra bức tranh đầy đủ nhất về vụ can thiệp bầu cử năm 2020 của ông Trump.
Trong hồ sơ, công tố viên đặc biệt Jack Smith đã cung cấp những chi tiết về những nỗ lực của ông Trump bị cáo buộc là nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 cũng như các hành động của ông trong cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Ông Jack Smith, người đang cố gắng lách phán quyết của Tòa án tối cao vốn trao cho các tổng thống quyền miễn trừ đối với các hành vi công vụ, nói thêm rằng ông Trump đã "hoạt động với tư cách cá nhân và với tư cách là một ứng cử viên tổng thống".
Điều này có thể gây tổn hại đến chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, một ngày sau khi hồ sơ được công bố, ông Trump tự tin tuyên bố với đám đông hò reo ở Michigan rằng "chúng ta đã chiến thắng", "đó là cuộc bầu cử gian lận".
So kè quyết liệt ở các bang chiến trường
Dựa trên kết quả các cuộc khảo sát, hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang so kè quyết liệt ở các bang chiến trường, vốn quyết định cuộc đua. Hiện không có ứng cử viên dẫn trước hơn hai điểm ở bất kỳ bang chiến trường nào. Ông Trump thì nhiều hơn 1,3 điểm và 1,2 điểm phần trăm ở tiểu bang Georgia và Arizona, trong khi bà Harris dẫn 1,6 điểm phần trăm ở cả tiểu bang Wisconsin và Michigan.
Theo trang chuyên khảo sát bầu cử FiveThirtyEight, điểm trung bình thăm dò của bà Harris và ông Trump chỉ cách nhau sít sao một điểm phần trăm ở các tiểu bang Pennsylvania, North Carolina và Nevada.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận