Phiên chợ quê diễn ra từ 14h đến 20h thứ bảy hằng tuần thu hút hàng ngàn du khách từ nhiều tỉnh thành tham quan, trải nghiệm.
Chợ quê gồm 35 gian hàng với gần 70 hộ buôn bán, chủ yếu là người dân tại địa phương.
Mặc dù cù lao Tân Thuận Đông thuộc TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhưng do vị trí tách biệt nằm giữa sông Tiền, người dân chủ yếu trồng xoài, nông sản, các loại trái cây... từ khi có chợ quê, người dân tận dụng những thức quà quê sẵn có, đem ra phục vụ du khách.
Bà Đặng Thị Biết - ngụ xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh - cho hay trước đây chỉ làm bánh ít trần rồi đem ra chợ bán khoảng 100 cái/ngày, thu nhập khoảng 100.000 đồng.
"Từ ngày có chợ quê tôi tập trung ngày cuối tuần tăng lượng bánh lên 200 - 300 cái, có thêm nguồn thu nhập vài trăm ngàn, ở quê đây là số tiền lớn", bà Biết nói.
Bà Đoàn Thị Đông - du khách tỉnh Tây Ninh - cho biết đi chợ thấy đồ ăn nhiều, phong phú, ngon, hợp khẩu vị như ngày xưa không hóa chất.
"Có mấy cô mặc đồ bà ba làm mình nhớ kỷ niệm xưa hồi còn trẻ mình cũng mặc đồ bà ba ra đồng. Tôi có ăn và mua nhiều bánh về làm quà cho con cháu", bà Đông nói.
Ông Phan Hoàng Huy - phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông - cho bết mô hình chợ quê hoạt động từ tháng 3-2022 đến nay được 58 buổi, thu hút trên 130.000 lượt khách tham quan, doanh thu trên 9 tỉ đồng.
Trung bình mỗi tuần có khoảng 1.500 - 2.000 lượt khách, riêng dịp lễ 2-9 và 1-1 chợ đón hơn 4.000 khách.
"Chợ quê hoạt động góp phần tăng thu nhập cho người dân, giải quyết được một số lao động nhàn rỗi của địa phương.
Chúng tôi cũng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng chai, hộp nhựa, túi ni lông.
Các tiểu thương tham gia chợ bắt buộc sử dụng túi tự hủy sinh học, hộp giấy, ly muỗng giấy", ông Huy nói.
Từ chợ quê Tân Thuận Đông, hiện nay tại Đồng Tháp có chợ quê Gò Tháp, chợ quê Long Thuận, chợ quê Định Yên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận