Bán hàng online ở chợ đêm Tủa Chùa - Ảnh: V.TUẤN
Cứ đêm thứ bảy hằng tuần, hàng chục người livestream chuyên nghiệp, mỗi người cả dàn điện thoại 3, 4 chiếc bán hàng online nhộn nhịp.
Biệt đội livestream
"Sâm đương quy size VIP nhé các bác. Mỗi củ 8 lạng em bán với giá 120.000 đồng. Bác nào mua về ngâm rượu size to này là phù hợp nhất nhé. Hàng hiếm, tìm cả chợ chỉ có vài củ to thế này thôi. 120.000 đồng nhé, loại thường chỉ có 100.000 đồng thôi... OK anh, em chốt nhé..." - chị Hoàng Liên, người đã livestream bán hàng thảo dược ở chợ Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) 5 năm nay, liên tục vui vẻ giới thiệu và chốt đơn cho khách.
Dãy kế bến, chị Huyền bê nguyên dàn 4 chiếc điện thoại, đèn led, pin dự phòng và 3 người "phụ tá" liên tục giới thiệu cây ba kích tím, củ tắc kè, lan rừng, sâm cau... cho khách. Chị Huyền bận đến nỗi ngoài 3 người chạy bở hơi tai để chọn hàng cho khách xem trực tiếp lại còn có thêm anh chồng toát mồ hôi hột ghi đơn, đánh dấu từng món hàng đã "chốt". Cảnh bán hàng online tít tận miền núi mà khiến dân phố thị cũng phải lác mắt.
"Biệt đội livestream" bán hàng ở chợ phiên đặc biệt này có nhiều người tất bật suốt đêm. Nào bán lan, nào thảo dược, nào các loại nấm quý, nào đặc sản thịt treo gác bếp, măng khô... những sản vật nào có ở Tây Bắc là được bán ở chợ Tủa Chùa.
Những giò lan rừng xếp riêng thành bãi, giá từ vài chục nghìn đến gần 1 triệu đồng. Những loại thảo dược chỉ có giá bằng 2/3 hoặc một nửa so với giá ở miền xuôi. Người livestream không nói thách, khách mua chốt đơn miễn mặc cả. Từ chập tối đến rạng sáng, chợ đêm sơn cước loang loáng ánh đèn và giọng cười nói của sơn nữ bất chấp sương lạnh vùng cao rơi xuống như mưa phùn.
Ở góc chợ, Sùng Thị Trào nhanh tay gom mấy bó sâm cau đỏ vào một túi, đánh dấu đơn khách vừa "chốt" rồi vén rộng miệng một chiếc bao bên cạnh. Một người phụ nữ đưa dàn điện thoại sát miệng bao cho khách xem, nhanh nhảu: "Hôm nay em có cả cây "mú từn", các anh chị nhé! Bác nào có "chim gật gù, chim hót không hay" thì mua loại này về ngâm rượu uống, đảm bảo "một người khỏe, hai người vui" các anh chị nhé. "Mú từn 70k là 1kg, mua combo 3kg giá 200k. Em miễn phí ship cho các anh chị mua từ 3kg trở lên nhé...".
Thứ bảy nào cũng vậy, Sùng Thị Trào và anh chồng chất cả đống hàng, chăn chiếu, áo mưa... lên xe máy xuống chợ. Nhà Trào cách chợ Tủa Chùa hơn 20km. Vợ chồng sơn nữ này biết đi rừng hái cây thuốc từ nhỏ. Từ ngày có chợ đêm, chị có thêm nghề hái cây thuốc, nồi cơm của cả nhà Trào không còn trông vào cây lúa, cây ngô trên núi nữa.
Phiên chợ gần Tết, chị Trào mang xuống chợ chục cân sâm cau, một bao nấm ngọc cẩu đã phơi khô, thêm vài chục cân ba kích và ít thịt sấy, măng khô. Đến chợ, chị bày ra rồi ung dung ngồi để những người khác đến livestream bán hàng cho mình. Bên cạnh, anh chồng căng chiếc ô, rải chăn ra ngủ ngon lành. Sáng mai hết hàng, cả hai vợ chồng đi ăn phở, uống rượu với bạn ở chợ phiên rồi mới về.
"Chợ bình thường mình được một triệu thôi. Chợ gần Tết, hái được nhiều ba kích hơn thì bán được ba triệu gì đấy. Tết này chỉ bán cây thuốc sắm Tết thôi, không phải bán trâu, bán ngô nữa" - Sùng Thị Trào vui vẻ chia sẻ.
Gian bên cạnh, hai chị em Tẩn Mí Khé, Tẩn Mí Quai bận rộn xếp lại đống sâm đương quy. Nhà Khé ở tận Sìn Hồ (Lai Châu), cách Tủa Chùa hơn 120km, trồng hơn 1ha đương quy ở vườn sau núi. Đến vụ thu hoạch thì dịch giã hoành hành, chợ gần nhà ế, khách mua không có, mối buôn cũng không, Khé và em gái chở hơn tạ đương quy đi Tủa Chùa bán online kiếm cái Tết "xôm xôm".
Tẩn Mí Quai bận rộn xếp từng loại củ đương quy to nhỏ vào từng nhóm để khách dễ chọn. Những củ đương quy to bằng cổ chân có giá khoảng 120.000 đồng/kg. Có khách xem qua livestream trả giá gấp đôi, miễn giữ được hình dáng nguyên vẹn của củ sâm khi chuyển hàng.
"Mình mang xuống đây thì nhờ các chị livestream ấy bán hộ thôi - Tẩn Mí Quai nói - Mình cũng chưa biết dùng điện thoại thông minh, mà bây giờ nhiều dịch, không có người mua ở chợ thì chỉ nhờ bán qua điện thoại thôi".
Mọi thảo dược ở đây đều tươi roi rói nha. Bà con trên bản hằng ngày tranh thủ lên rừng thu hái rồi cuối tuần xuống chợ. Bán thảo dược, đặc sản được nhiều tiền hơn lúa, ngô.
Chị Hoàng Liên
Chị Hoàng Liên giới thiệu khách mua sâm đương quy - Ảnh: V.TUẤN
Phong phú sản vật núi rừng
Chị Hoàng Liên - được cho là người đầu tiên dùng điện thoại livestream bán hàng ở Tủa Chùa - tắt livestream lúc 23h. Lần này chị đã livestream suốt 6 tiếng, chốt đơn mỏi tay. Chị cho hay vì dịch nên chợ không còn đông như trước. Khách du lịch không đến, người mua buôn trực tiếp trước đây cũng không đến, chợ chỉ toàn người bán nhưng hàng vẫn "chạy".
"Ngày trước, có đêm chúng tôi livestream đến gần sáng, chưa kịp nghỉ thì 7h sáng lại livestream tiếp vì khách muốn xem hàng. Bây giờ đang có dịch, ban quản lý chợ hạn chế giờ bán, hạn chế người đến chợ để phòng dịch" - chị Hoàng Liên nói.
Theo chị Liên, Tủa Chùa là phiên chợ thảo dược đông vui nhất miền Bắc. Khi mới hình thành, chợ bán chủ yếu là lan rừng, các loại thảo dược rồi đặc sản vùng cao từ hạt gia vị, thịt sấy, mật ong, măng khô...
Chị Liên có một hiệu thuốc nam ở thị trấn Tủa Chùa, chị chọn nơi này vì nguồn nguyên liệu của bà con lúc nào cũng dồi dào, phong phú. Lúc mới bán hàng online, gần như cả chợ chỉ có chị Liên làm cách này. Thỉnh thoảng có thanh niên người Mông livestream bán lan, bán cây thuốc nhưng không đều. Khoảng 2 năm trước, nhiều người nhận thấy việc bán hàng online "làm ăn" khá nên học theo. Đến giờ đã nhiều người bán, ai cũng biết dùng cả dàn điện thoại livestream.
Chợ Tủa Chùa trước đây chỉ họp vào sáng chủ nhật. Mặt hàng phong phú nhất là các loại thảo dược, đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Lâu ngày, chợ thành một điểm hẹn cuối tuần của bà con trong vùng. Không chỉ ở Tủa Chùa mà những người ở cách xa hàng trăm cây số như Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu), Thuận Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La) hay ở tận Lào Cai, Yên Bái cũng vui vẻ lặn lội đến chợ.
Họ đến từ hôm trước, mang theo phong lan, nấm rừng, cây thuốc... hay bất cứ thứ gì có thể bán được và ngủ lại chợ. Thế rồi nhu cầu trao đổi, mua bán ngay từ đêm thứ bảy hình thành. Chính quyền thị trấn quy hoạch lại rồi mở thêm những phiên chợ đêm online sinh động có một không hai ở miền Bắc.
Chị em Tẩn Mí Khé, Tẩn Mí Quai vượt hơn 120km để bán củ đương quy ở chợ Tủa Chùa - Ảnh: V.TUẤN
Những người phụ nữ livestream tắt điện thoại lúc 2h sáng. Họ tranh thủ chợp mắt nhưng những "phụ tá" vẫn tất bật đóng hàng, ghi địa chỉ để chuyển đi. Trong các lều chợ, nhiều người đã ngáy o o bên đống thảo dược. Sáng chủ nhật, chợ đông hơn. Họ chờ người livestream bán nốt số hàng, còn họ sẽ nhận tiền, đi ăn phở, uống rượu với bạn bè và cười nói vang cả miền sơn cước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận