Bà Nguyễn Thị Hương - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - mong muốn khi chương trình năm nay khép lại, người dân sẽ có sự thay đổi thói quen, chuyển dần việc thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phát biểu tại lễ khai mạc Chợ phiên Không tiền mặt tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM sáng 10-7, bà Nguyễn Thị Hương, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết sau đúng một tháng Chợ phiên Không tiền mặt đầu tiên dành cho công nhân và người lao động diễn ra tại Khu chế xuất Linh Trung, hôm nay chợ phiên đặc biệt này đã về đến với công nhân Khu chế xuất Tân Thuận.
Bên cạnh cơ hội mua sắm hàng hóa của Saigon Co.op với ưu đãi lên đến 50%, người tham dự còn được trải nghiệm các công nghệ thanh toán hiện đại, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, được tặng quà và có cơ hội bốc thăm trúng thưởng.
Người dân xếp hàng chờ quay thưởng tại Chợ phiên Không tiền mặt tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo bà Hương, với chợ phiên tổ chức tại Khu chế xuất Tân Thuận sáng nay, những người thực hiện cũng mang đến một sân chơi trải nghiệm thanh toán của 12 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất Việt Nam như Napas, Sacombank, MBBank, ACB, BIDV, HDBank, Momo, ZaloPay, Nam Á Bank, SHB kết hợp các hoạt động trên sân khấu ca nhạc, giao lưu với người nổi tiếng, trò chơi…
"Chúng tôi hy vọng rằng, tại chợ phiên hôm nay, người lao động sẽ mua được nhiều mặt hàng thiết yếu với ưu đãi cao nhất, làm quen và trải nghiệm các phương thức thanh toán tiên tiến, và hài lòng tin tưởng các phương thức này", bà Hương cho biết.
Đại diện ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng bày tỏ mong muốn của những người thực hiện là khi chương trình năm nay khép lại, người dân đã tiếp cận với chương trình sẽ có sự thay đổi thói quen, chuyển dần việc thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt để góp phần vào tiến trình hướng đến một xã hội số, một nền kinh tế số trong tương lai.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức đã tạo cơ hội cho công nhân, người lao động tiếp cận các tiến bộ của quá trình cách mạng công nghệ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức, những người đã đưa Chợ phiên Không tiền mặt đến với công nhân, người lao động.
Theo ông Phương, thời gian qua, TP.HCM cũng như cả nước đã tập trung nhiều nỗ lực, nguồn lực chăm lo người lao động, cũng như các đối tượng yếu thế.
Với những người lao động có thu nhập thấp, trung bình, TP.HCM có nhiều hoạt động hỗ trợ từ trực tiếp là tiền mặt đến gián tiếp giảm giá phòng trọ, giảm tiền điện cùng nhiều chính sách an sinh xã hội khác.
Trong đó, nhiều năm qua, chương trình Bình ổn hàng hóa thị trường không chỉ đặt mục tiêu phát triển sản xuất, hàng hóa, thương hiệu nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp... mà còn nhằm giữ ổn định giá cả, đây là điều rất quan trọng với những người có thu nhập thấp, vốn gặp khó trong chi tiêu.
"Với nhiều đối tượng, ưu tiên hàng đầu là dành cho chi tiêu hàng thực phẩm thiết yếu, sau đó mới đi học hành, vui chơi và tích lũy. Nếu tỉ lệ dành cho cuộc sống thiết yếu hằng ngày quá cao thì ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Lễ khai mạc ghi nhận sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất Việt Nam như Napas, Sacombank, MBBank, ACB, BIDV, HDBank, MoMo, ZaloPay, Nam Á Bank, SHB - Ảnh: TTD
Cũng trong ý nghĩa như vậy, Chợ phiên Không tiền mặt cũng là một trong những nỗ lực cho mục tiêu này. Qua đó hỗ trợ người lao động, người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận những lợi ích, tiện lợi mà trong quá trình phát triển tiến bộ của xã hội, vẫn còn nhiều người chưa có cơ hội tiếp cận những trí tuệ, tiện ích của cách mạng công nghệ 4.0", ông Phương nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan gian hàng Ngân hàng Nam Á - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chợ phiên Không tiền mặt tại Khu chế xuất Tân Thuận là chợ phiên thứ 2 được tổ chức tại TP.HCM, trước đó 4 tuần, chợ phiên đầu tiên đã được tổ chức tại Khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.
Tại Chợ phiên Không tiền mặt, các đơn vị đồng hành là các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán, doanh nghiệp bán lẻ đã mang đến rất nhiều hoạt động trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ kèm theo rất nhiều quà tặng giá trị dành tặng cho khách tham dự, trải nghiệm vui chơi tại các quầy hàng và cả trên sân khấu chính của chợ phiên.
Nhân viên Sacombank có mặt từ sớm để chuẩn bị cho gian hàng của mình - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Chợ phiên Không tiền mặt là một trong các hoạt động chính của chuỗi sự kiện thường niên Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước, đây là năm đầu tiên Chợ phiên Không tiền mặt được tổ chức tại TP.HCM.
Đây cũng là sáng kiến do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Công thương, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM tổ chức với sự phối hợp của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam và sự đồng hành của các ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán, doanh nghiệp bán lẻ.
Toàn cảnh người dân đến tham dự Chợ phiên Không tiền mặt ở Khu chế xuất Tân Thuận sáng nay - Ảnh: MINH DUY
Ông Bùi Như Mỹ Nhân (thứ hai từ trái qua - giám đốc SHB chi nhánh Sài Gòn) chụp ảnh lưu niệm cùng nhân viên tại gian hàng của mình - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Ông Trần Ngọc Bách - phó giám đốc Nam Á Bank chi nhánh Hàm Nghi - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Khách hàng trải nghiệm tại gian hàng MoMo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Gian hàng của Ngân hàng ACB thu hút công nhân đến mở tài khoản - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Chị Bảo Minh (huyện Nhà Bè) làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận cho biết đây là lần đầu chị trải nghiệm phiên chợ này - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhân viên Napas tư vấn dùng mã VietQR cho khách - Ảnh: TTD
Các khách mời tham quan tại giam hàng HDBank - Ảnh: T.T.D.
Khách hàng được hướng dẫn quét mã QR để mở tài khoản ở gian hàng BIDV - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Đại biểu khách mời tham quan gian hàng của Zalo Pay - Ảnh: T.T.D.
Cá hồi tươi sống được Co.op Food phi lê tại chỗ - Ảnh: MINH DUY
Chuỗi các sự kiện của "Ngày không tiền mặt năm 2022" tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.
Ngày không tiền mặt năm 2022 bên cạnh các hoạt động truyền thông sẽ có các Chợ phiên Không tiền mặt, Chuyến xe Không tiền mặt, hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số để hướng đến xã hội không dùng tiền mặt” và các cuộc thi tìm hiểu kiến thức thanh toán dành cho giới trẻ.
Là một trong các hoạt động chính của chuỗi sự kiện thường niên Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước, đây là năm đầu tiên Chợ phiên Không tiền mặt được tổ chức tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận