Biệt thự 237 Nơ Trang Long gần 100 năm tuổi, chính quyền đã đình chỉ việc tháo dỡ phần mái nhưng hơn 2 năm qua vẫn chưa có hướng xử lý - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 19-5, theo ghi nhận của phóng viên tại hai biệt thự cũ số 89 và 124 trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), chủ các căn biệt thự tạm thời ngưng hoạt động tháo dỡ, sửa chữa, chờ hướng giải quyết tiếp theo của cơ quan chức năng.
Tháo dỡ biệt thự cũ trên đường Nơ Trang Long - Video: Quang Định
Nhà sập gây thương vong ai chịu trách nhiệm?
- Nhóm 1 là các biệt thự có giá trị điển hình về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật... sẽ được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc bên ngoài, kết cấu bên trong.
- Nhóm 2 là các biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật, nhóm nhà này phải được giữ đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài, mật độ xây dựng, số tầng cao, độ cao.
- Nhóm 3 là các biệt thự còn lại, không thuộc danh mục bảo tồn, được tháo dỡ khi chủ nhà có nhu cầu.
Ông Phan Nguyễn Hoàng Nguyên - hiện đang sinh sống trong căn biệt thự 124 Nơ Trang Long - cho biết căn biệt thự được ông bà ngoại mua lại từ những năm 1960, cùng với hai căn biệt thự liền kề số 126 và 128.
Lúc đó ông bà mua nhà cũ rồi sửa chữa lại. Từ đó tới nay, ba thế hệ gia đình ông sống trong ba căn biệt thự này. Sau khi ông bà ngoại mất, mẹ ông Nguyên và các anh chị em cùng đứng tên đồng chủ sử dụng ba căn biệt thự. Hiện một số người đang ở Mỹ, việc ký giấy tờ khó khăn nên trước giờ gia đình chưa nộp đơn xin sửa chữa nhà.
Theo thời gian, hệ thống mái ngói hai căn biệt thự số 124 và 126 Nơ Trang Long đều xuống cấp trầm trọng, khung mái bằng gỗ bị mối mọt ăn mục ruỗng. Trong đó, căn biệt thự số 124 hư hỏng nghiêm trọng nhất.
Trước thời điểm tháo dỡ một ngày (ngày 16-5), sau trận mưa lớn, mái nhà bắt đầu đổ xuống buộc gia đình ông Nguyên phải di tản và gửi đơn báo cáo UBND phường.
Cán bộ địa chính phường sau đó có xuống kiểm tra, nhưng chỉ hai ngày sau toàn bộ mái đổ sập xuống. Gia đình ông Nguyên phải thuê người tháo dỡ mái ngói tránh nguy hiểm, nhưng hiện UBND phường đang yêu cầu tạm ngưng.
Ông Nguyên cho biết từ trước tới nay gia đình ông chưa nhận được thông báo gì về thông tin căn biệt thự nằm trong danh mục biệt thự đang xem xét để phân loại.
Tuy nhiên, là người được đào tạo về bảo tồn ở Pháp, theo ông, cả ba căn biệt thự được xây dựng sau năm 1954 này không phải biệt thự cổ thứ thiệt, công trình này cũng không mang đặc trưng kiến trúc cần bảo tồn.
Nếu cơ quan chức năng "treo" toàn bộ biệt thự vào danh mục xem xét nhưng không nhanh chóng phân loại sẽ khó khăn cho chủ nhà khi muốn sửa chữa, xây dựng mới.
"Cơ quan chức năng cần nhanh chóng phân loại và đánh giá đúng giá trị thực của các biệt thự để người dân còn chủ động sửa chữa, cải tạo. Chứ mái nhà đổ sập như vậy nếu không tháo dỡ lỡ trúng đầu người nào đó thì ai chịu trách nhiệm" - ông Nguyên nói.
Một góc (số 59-61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) nay là trụ sở của Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương, chiều 13-5 - đây là một địa chỉ cũng đang chờ bị 'đập bỏ' vì không có tên trong danh sách bảo tồn - Ảnh: HOÀI LINH
Địa phương cũng chờ
Đại diện UBND phường 14 cho biết trước thời điểm chủ biệt thự 124 Nơ Trang Long tự ý tháo dỡ, phường có nhận được đơn báo tình trạng hư hỏng của công trình. Cán bộ địa chính phường kiểm tra ghi nhận một phần mái bị đổ sập, khung mái hư hỏng nặng.
Phường chưa kịp báo quận xin ý kiến thì phần khung mái biệt thự đã đổ sập nặng nề, chủ nhà tự tháo dỡ. Hiện phường đã tạm ngưng việc tháo dỡ và báo cáo với UBND quận để xin ý kiến xử lý.
TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP - cho biết hiện bộ tiêu chí phân loại biệt thự cũ đang được Viện Nghiên cứu phát triển và các sở cân nhắc điều chỉnh.
Hội đồng bảo tồn đã đo vẽ, kiểm đếm phần lớn trong 1.200 biệt thự cũ còn lại trên địa bàn TP. Danh sách các biệt thự cũ này do UBND các quận, huyện báo cáo, đề xuất.
Theo TS Nguyễn Trọng Hòa, các tiêu chí này phải phù hợp với nhiều quy định pháp luật hiện hành. Vấn đề UBND TP đang cân nhắc là bên cạnh các tiêu chí kỹ thuật để phân loại biệt thự thì cần phải có những chính sách đối xử với các nhóm biệt thự này.
Chính sách chủ yếu là để giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu có nhà biệt thự được đưa vào diện bảo tồn. Nếu chỉ xây dựng các tiêu chí về mặt kỹ thuật rồi phân loại, công bố thì làm khó cho người dân.
Mái ngói của biệt thự số 124 Nơ Trang Long, phường 14 đã bị dỡ một phần - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giảm khó cho dân
Xung quanh việc phân loại biệt thự, một chuyên gia trong ngành kiến trúc lại có ý kiến khác. Chuyên gia này cho rằng trên địa bàn TP chỉ cần bảo tồn một vài biệt thự có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa mà Nhà nước có thể quản lý, giữ gìn được.
Đó có thể là những biệt thự đang là công sản, do các đơn vị thuê, sử dụng. Còn những biệt thự thuộc sở hữu tư nhân đạt các tiêu chí bảo tồn về kỹ thuật thì chỉ nên đưa vào danh sách bảo tồn những căn biệt thự được chủ nhà đồng ý.
Với trường hợp đặc biệt, ví dụ như căn biệt thự thuộc sở hữu tư nhân có những giá trị bảo tồn cao, không có căn thứ hai, mà chủ nhà không đồng ý đưa vào danh mục bảo tồn thì Nhà nước cần thương lượng mua lại.
Việc phân nhóm và đưa vào danh sách bảo tồn quá nhiều biệt thự sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, quyền, lợi ích hợp pháp về nhà, đất của người dân.
Cần chính sách kinh tế đi kèm
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho việc phân loại biệt thự, theo TS Nguyễn Trọng Hòa: Ví dụ như nhà biệt thự được đưa vào nhóm bảo tồn (nhóm 1 hoặc 2) trong khi khu vực này được xây dựng nhà cao 8 tầng. Như vậy chủ nhà được làm gì với không gian từ tầng 3 đến tầng 8 không? Người dân được phép tiến hành những hoạt động gì trong ngôi nhà được bảo tồn, như có được kinh doanh du lịch, mở nhà hàng? Nhà nước có trả tiền bảo trì, bảo dưỡng căn nhà?
Với các biệt thự được đưa vào diện bảo tồn nhưng hiện có nhiều gia đình đang sinh sống, có nguy cơ sẽ làm hư hỏng thì Nhà nước sẽ có chính sách gì cho các gia đình, có thể cho họ mua chung cư hay nhà khác để ở hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận